Theo BBC, khoản nợ của Parma ước tính gần 75 triệu euro (54 triệu bảng). Sau khi nhậm chức hồi tháng trước, Chủ tịch Giampietro Manenti hứa sẽ xóa các khoản nợ cho “Gialloblu”. Song ông Manenti đã bị bắt hôm 18/3 vì bị cáo buộc rửa tiền.
Cánh cổng vào sân Ennio Tardini sẽ bị khóa chặt sau khi mùa giải này khép lại. Ảnh: BBC. |
Không có Manenti, hai quan chức Osvaldo Riccobene và Enrico Siciliano đại diện cho CLB tham dự phiên điều trần kéo dài 10 phút. Ông Riccobene cho biết: “Parma tuyên bố phá sản và nhận được sự chấp thuận của các công tố viên”.
Dù phá sản, Parma vẫn được phép tham dự nốt mùa giải năm nay. Ban tổ chức Serie A đã rót 5 triệu euro (3,6 triệu bảng), tạo điều kiện cho đội chủ sân Ennio Tardini hoàn thành lịch thi đấu còn lại.
Đây là mùa giải tệ hại của Parma. Đội bóng của HLV Roberto Donadoni thi đấu bết bát và hiện đứng bét bảng xếp hạng với 9 điểm sau 25 vòng. Các cầu thủ không được trả lương. Thậm chí, họ phải tự giặt quần áo đấu của mình, tự lái xe buýt của đội và không có nước nóng để sử dụng trong ngày đông giá.
Phong độ của cầu thủ Parma bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tài chính khó khăn của CLB. Ảnh: Getty Images. |
Việc Parma bị xóa khỏi bản đồ bóng đá Italy sau mùa này gây sốc cho nhiều người hâm mộ. “Gialloblu” nằm trong số 7 ông lớn của Serie A khuấy đảo châu Âu trong những thập kỷ 1990. Parma từng giành á quân Serie A 1996/97, vô địch Cúp C2 (1992/93) và hai lần lên ngôi tại UEFA Cup (1994/95, 1998/99).
Trong quá khứ, bóng đá Italy từng chứng kiến những CLB danh tiếng phá sản như Napoli và Fiorentina. Tuy nhiên, hai đội bóng này may mắn được các tỷ phú Della Valle và Aurelio De Laurentis ứng cứu. Hiện cả Fiorentina lẫn Napoli đều lấy lại được danh tiếng và thế lực tại Serie A.