Một quầy bán cà phê ở Bình Nhưỡng. Ảnh: nknews |
Theo báo cáo do Tổ chức cà phê thế giới (ICO) cùng Liên Hiệp Quốc thực hiện, Triều Tiên đã nhập khẩu khoảng 3.000 đến 30.000 túi cà phê mỗi năm kể từ năm 2000, tạp chí The Diplomat cho biết ngày 27/8.
Tuy nhiên, ICO đánh giá việc nhập khẩu của Triều Tiên biến thiên qua các năm và không thể hiện xu hướng rõ ràng. Cơ quan này tính toán mỗi người dân Triều Tiên tiêu thụ khoảng 50 gram cà phê (tương đương 7 ly) hàng năm.
Choson Exchange, một tổ chức phi chính phủ ở Singapore chuyên huấn luyện kiến thức kinh tế và kĩ năng kinh doanh cho người Triều Tiên, cho biết ở Bình Nhưỡng chưa có một cửa hàng cà phê riêng biệt. Phần lớn những quán bán cà phê đều thuộc một nhà hàng hoặc công ty vì nhu cầu người dân chưa mạnh để những nhà đầu tư muốn làm ăn riêng.
Nhân viên phục vụ pha chế cà phê. Ảnh: Choson Exchange |
Gold Cup là một quán cà phê mang phong cách phương Tây, nhân viên sử dụng màn hình cảm ứng khi thực hiện hóa đơn cho khách. Với giá một ly expresso khoảng 3.5 USD, cà phê ở Gold Cup được cho là tương đối rẻ so với một số quán khác ở thủ đô.
Tuy nhiên, chỉ những người giàu tại Bình Nhưỡng mới đủ khả năng thưởng thức cà phê mỗi ngày vì khoản tiền trên vẫn quá cao so với thu nhập trung bình của người Triều Tiên. Đây cũng là một lí do khiến thị trường cà phê tại đất nước bí ẩn nhất thế giới vẫn chưa thể phát triển mạnh.
Hồi tháng 4/2013, hãng Starbucks cho biết thương hiệu này không có kế hoạch mở chi nhánh ở Triều Tiên. Trong khi đó, Starbucks có đến 284 cửa hàng chỉ riêng ở Seoul, một trong những thành phố có nhiều quán Starbucks nhất thế giới.