Chuyến tàu nhật thực là cuốn truyện dài của nhà văn trẻ Đinh Phương, xuất hiện trong cuộc thi Văn học tuổi 20 và được Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2017.
Sách Chuyến tàu nhật thực. Ảnh: NXB Trẻ. |
Hành trình vô định
Trong cuốn truyện này, Đinh Phương thật sự mang theo chuyến tàu mơ hồ cũ kỹ, chở những con người từng bị tổn thương, tìm về một địa danh cũng hư ảo mơ hồ: Thị Trấn. Cả cuốn sách đã đưa chúng ta dõi theo hành trình vô định ấy.
Các nhân vật trong truyện, cũng là các hành khách trên chuyến tàu ấy. Một phụ nữ trẻ có gia đình, bế tắc với cuộc sống vô vị, lặp đi lặp lại mỗi ngày, tâm trí không đặt ở người chồng và đời sống hôn nhân thực tại.
Một anh công chức chán nản với cuộc đời tẻ nhạt của chính mình, bị ám ảnh với thời gian. Một đứa trẻ lang thang trên đường phố, bị chà đạp, khinh rẻ.
Những con người đó, mỗi người một số phận, sống trong thế giới của riêng mình, nhưng đều bị ám ảnh trong tâm tưởng một địa danh mơ hồ như phủ trong khói sương: Thị trấn.
Người phụ nữ sợ hãi ký ức đã qua, những mất mát trong đời, nên thị trấn là nơi đẹp đẽ để nàng nhớ về, vừa buồn bã, vừa mang nhiều chờ mong khắc khoải.
Chàng viên chức có với thị trấn một tuổi thơ khốn khó, nửa muốn quên đi, nhưng đôi khi ký ức lại kéo giật anh quay về.
Những con người ấy dường như vừa loay hoay tìm kiếm, lại như vừa muốn trốn chạy điều gì. Họ đều là những con người đang bế tắc với cuộc sống thực tại, đã và đang muốn trốn chạy cuộc đời thực bằng cách đi tìm bản ngã của mình trong một cuộc hành trình tưởng tượng.
Ẩn ức, khát khao thầm kín
Những nhân vật của Đinh Phương không mang cái tên cụ thể nào. Họ chỉ là những con người nhỏ bé trong cuộc sống này. Sau vẻ ngoài dường như an phận với thực tại, bên trong họ đầy ứ những bí mật, ẩn ức, những khao khát âm thầm…
Ký ức đau thương, những tội lỗi, đớn đau, mẩu chuyện tàn nhẫn, tuổi thơ lăn lóc trong bãi rác... là những thứ họ muốn quên đi. Họ muốn được giải thoát, được lên chuyến tàu trở về thị trấn. Đồng thời, họ cũng hiểu rằng nên dũng cảm đối diện nó để biết mình là ai, mình cần gì, muốn gì.
Các nhân vật trong Chuyến tàu nhật thực dường như không bám được vào cuộc đời. Họ sống im lìm giữa đời sống nhạt tẻ thực tại, che giấu những góc khuất u tối trong tâm hồn.
Có phải vì thế mà các nhân vật đôi khi xuất hiện sự vô thức. Mạch truyện đan xen giữa hiện thực và giấc mơ. Họ ở trong hiện tại, nhưng giấc mơ là nơi họ được sống một đời sống khác, nơi người ta được là chính mình, thoát ra khỏi thế giới đô thị ngột ngạt.
Nhà văn Đinh Phương. Tranh minh họa: Báo Lao Động. |
“Trên tàn phai của năm tháng phải có người nhận vai hiến tế. Chúng mình hiến tuổi trẻ cho giấc mơ, đừng dậy, có ai gọi cũng đừng dậy, đằng đẵng đặt nỗi đau cạnh nhau. Chỉ mơ thôi, mơ cho hết năm này qua năm khác, mơ cho hết các mối quan hệ, để không ai nhớ nữa có một người từng mơ” - trích trong Chuyến tàu nhật thực”
Con tàu của Đinh Phương trống vắng và cuộc hành trình cũng cô đơn không phương hướng. Chuyến tàu lao đi giữa mớ hỗn độn của đời sống, sáng và tối, đêm và ngày, thực thực hư hư…
Trong những trang cuối truyện, người đọc cũng được sống trong xúc cảm của sự mơ hồ và những ảo giác. Những hình ảnh trong truyện cũng vô định, đầy bất ổn như chính tâm hồn con người.
Nhưng đoàn tàu không về được trước nhật thực. Nhật thực tới, ánh sáng bị bóng đêm trùm lấp, những bí mật đen tối của mỗi nhân vật bị phơi trần, lộ ra… để lại cho chúng ta nỗi u uất không dứt.
Câu truyện về con người sống trong đô thị, đời sống hiện đại… nhưng trong họ là nỗi cô đơn thăm thẳm. Con người lướt qua nhau như những cái bóng vô cảm, không có xúc cảm, cũng không có chút hơi ấm an ủi nào.
Chuyến tàu của Đinh Phương như một sự giải thoát, muốn mang nhân vật trở về quá khứ, sống với các giấc mơ êm đềm, trong Thị trấn.
Đọc Đinh Phương, dường như thấy chính chúng ta từng sống trong thị trấn u hoài đó. Cũng từng muốn trốn chạy, nhưng đôi lúc trong quay cuồng với đời sống hiện đại, tâm trí lại vô thức muốn quay về. Hãy bước lên chuyến tàu nhật thực, với Đinh Phương, và biết đâu, con người lại tìm ra cách giải thoát, cho những bất ổn của chính mình.