Cầm kim tiêm đầy máu đi dọa các bác sĩ
75% bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 09 có xuất thân từ các trung tâm cai nghiện ma túy và các trung tâm bảo trợ xã hội. Nói cách khác, họ được coi là những giang hồ thảo khấu nên cách hành xử cũng khác người thường. Thế nên tất cả các quy định của bệnh viện những đối tượng bệnh nhân này thường không tuân thủ. Chẳng hạn quy định là không được sử dụng điện nước tùy tiện thì họ bê nguyên cả cái bếp điện đến nấu giữa phòng.
Nếu các bác sĩ, y tá ở đây nhắc nhở thì bệnh nhân đòi đánh lại, chống trả. Những bệnh nhân là người nghiện ma túy nặng sẵn sàng ăn cắp từ những thùng rác, ném ra ngoài cho một đối tượng khác để lấy tiền mua ma túy. Có bệnh nhân đợi đêm xuống khi mọi người đã ngủ thì tháo cả khung giường inox của chính mình và của những giường bên cạnh tuồn ra ngoài bán lấy tiền mua thuốc. Dù giá trị của những vật dụng đó chẳng đáng bao nhiêu nhưng họ vẫn làm, miễn sao đổi lại được một liều ma túy.
Cũng có những bệnh nhân nghiện, nhiễm HIV sống lang thang bờ bụi, công an bắt được đưa vào bệnh viện này. Đó là những đối tượng không còn nơi nương tựa. Thậm chí có những bệnh nhân có gia đình hẳn hoi nhưng từ khi phát hiện người thân nhiễm HIV, gia đình sống cách ly luôn. Những bệnh nhân như thế không còn gì để mất nên hành xử rất ngông cuồng. Nhiều khi lên cơn nghiện, họ đập cửa buồng tiêm bắt bác sĩ phải cho thuốc gây nghiện. Nếu không đáp ứng được, bệnh nhân sẵn sàng chửi bới, đuổi đánh bác sĩ.
Đã có trường hợp bệnh nhân nhiễm HIV, nghiện ma túy lâu năm kiếm được chiếc xi lanh, tự hút máu mình. Sau đó anh ta cầm chiếc xi lanh đầy máu đi vòng quanh bệnh viện, gặp bác sĩ nào cũng dọa. Hắn gây áp lực tới các bác sĩ, nếu không cho tiền để mua thuốc thì sẽ dùng kim tiêm có máu đâm vào người họ. Nhiều khi để tránh những hiểm họa trước mắt, các bác sĩ buộc phải gom tiền cho êm chuyện. Có thời gian hộ lý phải đi lau chùi tường, sàn nhà thường xuyên vì bệnh nhân xịt rất nhiều máu vào tường để uy hiếp.
Bác sĩ Mai Thị Hường, Phó khoa Khám bệnh hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân. |
Trước Tết 2013, đang trong lúc ăn cơm trong buồng bệnh, một bệnh nhân quê ở Hoài Đức (Hà Nội) rút chiếc dao gọt hoa quả đâm tới tấp vào bệnh nhân giường bên cạnh khiến anh này bị mất máu cấp. Cũng may bệnh nhân đó được các bác sĩ tại đây cấp cứu kịp thời nên tai qua nạn khỏi. Sau này, lúc bệnh nhân quê Hoài Đức đã bình tĩnh lại, khi bác sĩ hỏi lý do vì sao anh ta lại hành xử như thế thì anh này trả lời: “Tại lúc đó vật thuốc quá mà không xoay cách nào được nên cuồng chân cuồng tay, muốn đánh đập, đâm chém một ai đó”.
Không bảo vệ nào trụ nổi một năm
Mặc dù phải quản lý và điều trị tới 75% bệnh nhân là những người có thâm niên nghiện lâu năm, thế nhưng chưa có hành lang pháp lý nào để bảo vệ an toàn tính mạng cho tập thể các y, bác sĩ và cả những người làm công tác bảo vệ nơi đây. Trên thực tế, có một số lượng không hề nhỏ những bệnh nhân mang trên mình rất nhiều tiền án, tiền sự. Có những người ra tù vào tội tới ba, bốn lần. Có cả những bệnh nhân đã từng vướng vào tội giết người. Bởi thế nên làm việc trong môi trường như thế thực sự rất nguy hiểm.
Anh Nguyễn Văn Hoan, hiện là bảo vệ của Bệnh viện 09, chia sẻ: “Khi biết tôi xin vào đây làm bảo vệ, gia đình và người thân ai cũng gàn. Biết là nguy hiểm nhưng bây giờ xin việc đâu phải là dễ. Thôi thì cứ làm vậy, duy trì được ngày nào hay ngày đấy. Nếu cảm thấy nguy hiểm quá thì xin nghỉ”.
Nói rồi anh Hoan kể cho chúng tôi nghe về “tai nạn nghề nghiệp” mà anh gặp phải. Trước Tết 2013, trong ca trực đêm của anh, có một bệnh nhân nam mon men xin anh ra ngoài mua điếu thuốc lá. Anh Hoan không cho và nhắc lại nguyên tắc của bệnh viện là không được phép cho bệnh nhân ra ngoài khi không được phép của bác sĩ.
Chưa kịp dứt câu thì bệnh nhân đó cúi xuống rút ngay chiếc dép nhựa đang đi dưới chân phang thẳng vào mặt làm anh Hoan choáng. Vừa đánh anh Hoan, bệnh nhân này vừa dằn mặt: “Từ lần sau nhìn thấy mặt bố thì tránh từ xa nghe chưa con. Cứ liệu hồn”. Cuối cùng anh Hoan bất lực đành phải mở cửa.
“Không chỉ tôi bị đánh đâu mà nghe nói nhiều người bảo vệ trước đó cũng bị đánh rồi. Có người vì nhất quyết không cho bệnh nhân ra ngoài mà bị đâm mấy nhát vào mạng sườn đấy. Còn có người lại bị đấm gãy răng. Nói thật, ai mà chả sợ nhưng vì miếng cơm manh áo thì phải cố mà làm thôi” - anh Hoan bùi ngùi chia sẻ.
Những đám tang không người thân
Là người công tác ở Bệnh viện 09 ngay từ những ngày đầu được thành lập, thạc sĩ, bác sĩ, Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa nội, đã phải chứng kiến biết bao cái chết lặng lẽ, cô độc của bệnh nhân vì không có lấy một người thân đến gặp mặt lần cuối.
Bác sĩ Hưng chia sẻ: “Có những bệnh nhân nằm nội trú ở bệnh viện ba, bốn năm trời nhưng tuyệt nhiên không có một người thân nào bén mảng tới thăm nom. Còn có những gia đình khi chúng tôi gọi điện thông báo người thân của họ đang hấp hối, muốn gia đình đến nhìn mặt lần cuối thì họ lạnh lùng trả lời: “Khi nào nó chết thì hãy báo nhé. Thế nhưng ngay cả khi người thân của họ đã qua đời, nếu chúng tôi có báo lại, vẫn là số điện thoại ấy thì lại nhận được câu trả lời còn đau đớn gấp bội lần: “Anh nhầm số máy rồi nhé!”.
Đối với những bệnh nhân không có người thân bên cạnh thì tất cả trăm sự đều đổ lên đầu các bác sĩ nơi đây. Với thâm niên hơn hai mươi năm gắn bó với nghề, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Trần Quốc Tuấn và các đồng nghiệp đã phải chứng kiến rất nhiều cái chết của bệnh nhân nhiễm HIV. Ở bệnh viện 09 có một phòng dành riêng đặt những lọ tro cốt của bệnh nhân không được người nhà thừa nhận.
Bị từ chối hôn sự vì làm trong Bệnh viện 09
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng tâm sự: “Hiện tại ở Bệnh viện 09 có 174 cán bộ nhưng có tới 85% trong số đó là phải đi thuê nhà. Bản thân tôi, mang tiếng là Trưởng khoa, đã công tác ở bệnh viện này mười mấy năm trời nhưng đến giờ vẫn phải ở nhà thuê. Vì thu nhập của các bác sĩ ở đây không có gì hơn ngoài lương và phụ cấp độc hại vì nghề mà chúng tôi đang làm được coi là một nghề đặc biệt nguy hiểm”.
“Nói thật, bây giờ cũng may nhờ truyền thông tuyên truyền nên nhận thức của người dân, của xã hội cũng có nhiều thay đổi. Họ không còn kỳ thị những người nhiễm HIV như tránh một con quỷ như nhiều năm trước. Mà chả riêng gì những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ mới bị đối xử như vậy, ngay cả chúng tôi đây là những bác sĩ điều trị cũng bị kỳ thị đến đau đớn. Tôi nhớ là, khi bệnh viện này mới thành lập, các bác sĩ của bệnh viện có muốn ra ngoài ăn một bát phở quanh đó cũng không được vì người ta không bán cho. Họ nói cứ tránh cho lành. Nhiều lúc cũng muốn rơi nước mắt lắm”, bác sĩ Hưng chia sẻ thêm.
Nhiều các bác sĩ, y tá trẻ công tác tại đây không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã đó. Nhiều người đã không chịu nổi áp lực từ gia đình, người thân hay từ phía người yêu hoặc gia đình người yêu mà phải bỏ việc thì mới mong mưu cầu hạnh phúc.
Có thể bị nhiễm HIV thì khó, nhưng các bác sĩ ở đây bị nhiễm lao từ bệnh nhân là điều không hề hiếm. Bởi hầu hết những bệnh nhân ở đây thường bị bệnh lao rất nặng.
Bác sĩ Hưng kể lại cho chúng tôi nghe về trường hợp của y tá Nguyễn Minh Hằng (quê ở Nam Định) mà không giấu nổi sự xót xa. Hằng và người yêu yêu nhau thắm thiết 5 năm, từ khi còn là sinh viên. Ra trường, mãi không xin được việc, Hằng làm đơn xin vào làm ở Bệnh viện 09 và được chấp nhận. Có điều cô giấu người yêu suốt hơn một năm công tác tại đây. Đến khi người yêu truy hỏi nhiều quá, cô đành thú nhận mình đang làm việc ở Bệnh viện 09.
Người yêu cô đã rất giận dữ và đòi chia tay. Hằng đã khóc và thuyết phục người yêu rất nhiều, cuối cùng cô cũng được người yêu chấp nhận. Thế nhưng bi kịch mới lại xảy đến khi hai người chuẩn bị làm đám cưới, gia đình người yêu lúc đó mới phát hiện cô đang làm ở “một bệnh viện gì đó toàn những bệnh nhân nhiễm HIV”. Họ nhất quyết đòi lại cau trầu và không có cưới hỏi gì nữa. Bị từ hôn ngay sát ngày cưới Hằng như người mất trí. Ngày Hằng quay trở lại bệnh viện sau sự cố đó cũng là ngày cô làm đơn xin thôi việc. Chứng kiến sự việc đau lòng đó, các đồng nghiệp của Hằng nhiều người không cầm được nước mắt.