Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy (số 15/11 quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) là nơi thực hiện đề án "Thí điểm điều trị lệ thuộc ma túy tại cộng đồng" đầu tiên của cả nước thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Đây cũng được xem là một bệnh viện chuyên điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy tự nguyện đến cắt cơn, giải độc. Mặc dù không tập trung đông bệnh nhân như bệnh viện khác, nhưng các bác sĩ ở đây luôn phải làm việc trong môi trường căng thẳng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm - cho biết đề án “Thí điểm điều trị lệ thuộc ma túy tại cộng đồng” mới triển khai gần 1 năm nên Trung tâm chỉ có 3 y, bác sĩ và 5 nhân viên y tế chăm sóc cho 15 bệnh nhân - là những người bị nghiện ma túy nặng, thậm chí nhiễm HIV.
"Phải chăm sóc cho người nghiện nên chúng tôi thường xuyên đối mặt với những tình huống nguy hiểm khi bệnh nhân lên cơn kích động, đập phá cửa, đòi được ra ngoài để mua... ma túy", bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ Hùng đang khám bệnh cho bệnh nhân S., mặc dù trước đó người này la hét sẽ giết hết các y bác sĩ nếu cản đường của anh ta. |
Những y tá trẻ, mới vào làm thường xuyên đối mặt với những bệnh nhân nghiện nặng, nhiễm HIV. "Mới vô làm, em rất sợ. Chỉ cần nhìn thấy những hình xăm trên người bệnh nhân là hoảng hồn rồi. Ban đầu rất ngại đối mặt, tiếp xúc nhất là khi tiêm, truyền dịch thì sợ lây HIV", một y tá kể.
Trước khi vào bệnh viện, các bệnh nhân phải làm giấy cam kết tự nguyện chữa bệnh, cắt cơn, giải độc. Tuy nhiên khi lên cơn, họ quên hết những gì mình đã ký.
Các bệnh nhân đặc biệt này dùng đủ chiêu trò như lấy khăn ướt quấn vào để bẻ gẫy song sắt cửa sổ, bê giường thúc vào cửa kính, dùng sợi thép nhỏ phá khóa cửa,... để trốn ra ngoài tìm thuốc thỏa mãn cơn ghiền. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân S. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khi lên cơn, anh ta giật bóng đèn rồi lấy mảnh vỡ cứa vào người và la hét sẽ giết hết các y bác sĩ nếu cản đường mình.
Gặp phải trường hợp như vậy, bác sĩ Hùng thường là người trực tiếp có mặt để động viên, an ủi, tư vấn và giải quyết các yêu cầu của bệnh nhân.
Bệnh nhân N. xăm trổ đầy mình tỏ thái độ hằn học với bác sĩ khi không được đáp ứng yêu cầu. |
Có gần 10 năm làm việc với bệnh nhân tâm thần, bác sĩ Hùng chia sẻ: “Những bệnh nhân tâm thần sống rất tình cảm và nghe lời bác sĩ. Còn bệnh nhân là người nghiện thì họ luôn tìm cách gây hấn, dùng những từ ngữ rất khó nghe khi nói chuyện với bác sĩ, nhân viên y tế vì thói quen hành xử côn đồ, bất cần đời. Nhưng khi họ bình tĩnh trở lại thì thấy hối hận".
Như trường hợp anh N. (34 tuổi, ngụ quận 3). Trước khi vào bệnh viện anh đã cam kết thực hiện theo những quy trình khám chữa bệnh nơi đây. Tuy nhiên mới cắt cơn được 9 ngày (quy định là 10 ngày), bệnh nhân N. đòi lên khu lưu trú để điều trị với bạn mình. Không được đáp ứng, bệnh nhân tỏ thái độ hằn học, nói những lời thiếu tôn trọng đối với bác sĩ.
Tại Trung tâm này, hàng ngày luôn đối mặt với bệnh nhân tâm lý bất thường và rủi ro luôn rình rập, lương thấp,... nhưng với lòng yêu nghề, các y bác sĩ vẫn tận tâm chăm sóc, an ủi, động viên, tư vấn cho các thanh niên từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.
Các bệnh nhân ngồi ngoài hành lang thoáng mát của Trung tâm tâm sự với nhau. |