Ngày 13/12, tại cuộc họp toàn cơ quan, các y bác sĩ BV Đa khoa Phú Yên đã phản đối kịch liệt việc Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh này yêu cầu bác sĩ tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Theo các bác sĩ, luật chưa nói rõ nhiệm vụ của bác sĩ trong việc thi hành án tử hình nên việc một bác sĩ của BV bị buộc phải làm việc này là chưa ổn.
Sốc nặng vì bị buộc tiêm thuốc độc
Ngày 13/12, dù đã ba ngày sau khi đưa kim tiêm vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình bằng thuốc độc, bác sĩ LCT và điều dưỡng NNT của khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đa khoa Phú Yên vẫn còn bàng hoàng vì lần đầu tiên trong đời họ bị buộc phải thực hiện một nhiệm vụ trái với chức năng, đạo đức nghề nghiệp.
Với vẻ mặt bần thần, bác sĩ LCT kể: "Chiều 9/12, tôi và điều dưỡng NNT nhận lệnh từ Phòng Tổ chức BV Đa khoa Phú Yên đi Đăk Lăk để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác thi hành án. Bệnh viện chuẩn bị sẵn dụng cụ cấp cứu, thuốc men để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Đến Đăk Lăk, một số cán bộ trong Hội đồng thi hành án cho biết nhiệm vụ của tôi là xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm vào người tử tù. Trong giấy công tác cũng như suốt quá trình đi trên đường, không ai nói nhiệm vụ của chúng tôi là gì nên tôi chỉ nghĩ mình làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho đoàn. Khi nghe họ phân công nhiệm vụ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù, tôi không chấp nhận. Tuy nhiên, họ nói nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm như vậy” - BS L.C.T. nói.
Bên trong một phòng thi hành án tử hình bằng thuốc độc ở Mỹ. (Ảnh mang tính minh họa). |
“Sáng 11/12, khi tiến hành thi hành án tử hình đối với phạm nhân, tôi tiếp tục từ chối việc xác định tĩnh mạch và đưa kim tiêm. Sau đó Hội đồng thi hành án yêu cầu nên tôi hỗ trợ cho điều dưỡng đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù. Từ lúc đó đến giờ, tôi và điều dưỡng T. bị sốc rất nặng, lúc nào khuôn mặt tử tù cũng ám ảnh trong đầu tôi. Tôi làm nghề y để cứu người chứ sao lại ép tôi làm trái với chức năng nghề nghiệp. Nếu biết trước phải làm như vậy, chắc chắn tôi sẽ không đi”.
Theo bác sĩ L.C.T., anh vừa tốt nghiệp và chỉ mới nhận công tác bốn tháng.
Còn điều dưỡng NNT thì bức xúc: “Khi được phân công đi công tác, tôi không biết đi theo đoàn để làm gì. Tôi không ngờ họ yêu cầu chúng tôi tham gia tử hình phạm nhân. Từ đó đến nay, lúc nào đầu óc tôi cũng rất căng thẳng, hoang mang”. BS Nguyễn Thanh Trúc, Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BV Đa khoa Phú Yên, nói: “Từ khi đi về, tinh thần hai anh em đó hoảng lắm. Anh em trong BV đều rất bức xúc! BV giao nhiệm vụ bác sĩ cứu người chứ đâu phải để giết người”.
Sở Y tế, bệnh viện đều bất ngờ
Theo BS Nguyễn Thanh Trúc, ngày 9/12, Sở Y tế tỉnh Phú Yên có công văn yêu cầu BV Đa khoa Phú Yên cử một bác sĩ, một điều dưỡng (nam giới) làm nhiệm vụ “tham gia đoàn thi hành án của TAND tỉnh”. “Công văn không nói rõ anh em làm nhiệm vụ gì nên tôi nghĩ cử bác sĩ đi để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn công tác hay cấp cứu ở vòng ngoài khi có sự cố. Do đó, tôi bảo anh em chuẩn bị dụng cụ cấp cứu, thuốc men. Khi nghe anh em về báo cáo lại, tôi cũng quá bất ngờ vì anh em bác sĩ chưa bao giờ làm chuyện này. Nếu biết trước tôi đã báo cáo ngay cho Sở đề nghị xin ý kiến tỉnh. Đến giờ chúng tôi cũng chưa thấy văn bản nào quy định bác sĩ tham gia thi hành án tử hình phải làm như anh em kể lại, cũng chưa ai được tập huấn gì cả” - BS Trúc nói.
Theo BS Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên, trong công văn gửi Sở Y tế đề nghị cử bác sĩ tham gia đoàn công tác đi Đăk Lăk thi hành án tử hình phạm nhân, TAND tỉnh không nói để làm nhiệm vụ gì. “Họ chỉ nói cử bác sĩ theo quy định chứ không nói để làm gì nên chúng tôi cũng không biết. Chúng tôi có đề nghị cử pháp y nhưng tòa án không chịu. Trước đó, chúng tôi cũng không biết gì về sự việc thi hành án này”, BS Nhân cho hay.
Bệnh viện phải tự biết?
Với chuyện các bác sĩ phản ứng: Vì sao không nói rõ nhiệm vụ khi yêu cầu cử bác sĩ tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc, ông Nguyễn Phi Đô, Phó Chánh án, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình TAND tỉnh Phú Yên, giải thích: “Tòa chỉ căn cứ vào Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch 05/2013 để thi hành. Theo Thông tư liên tịch 05/2013 “bác sĩ của bệnh viện thuộc Sở Y tế đến địa điểm thi hành án tử hình để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”. Khi tập huấn, người ta cũng có nói hỗ trợ ở đây là đưa kim vào tĩnh mạch. Với các quy định của luật hiện hành, ngành y tế phải biết trách nhiệm của mình, Sở Y tế phải biết và hướng dẫn cho bác sĩ”, ông Đô nói.
Về tranh cãi trên, BS Nguyễn Thanh Trúc cũng bày tỏ sự bất bình và yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ quy định của pháp luật về trách nhiệm của bác sĩ trong thi hành án tử hình. “Tuần tới BV Đa khoa Phú Yên sẽ có báo cáo gửi Sở Y tế về sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ quy định nào buộc bác sĩ đưa kim vào tĩnh mạch tử tù bị thi hành án. Nếu không giải thích rõ, làm sai thì chúng tôi sẽ không cử bác sĩ tham gia nữa” - BS Trúc khẳng định.