Theo Bloomberg, việc danh thủ người Argentina Lionel Messi ra đi không phải thảm họa, đổi lại còn là cơ hội đối với Barcelona.
HIện tại, Barcelona là câu lạc bộ bóng đá có doanh thu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mức lương hàng năm lên tới 71 triệu euro (84 triệu USD) dành cho Messi đang ảnh hưởng không nhỏ tới cơ cấu chi phí của câu lạc bộ này, khiến các chân sút khác cũng đòi hỏi mức lương cao tương ứng.
Lionel Messi. Ảnh: Getty Images. |
Năm ngoái, đội bóng xứ Catalan ghi nhận lợi nhuận ròng chỉ tương đương 0,5% trong tổng doanh thu 827 triệu USD. Sự ra đi của Messi sẽ giúp câu lạc bộ này thiết lập lại kỳ vọng lương đối với các cầu thủ khác, đồng thời phân bổ vốn hiệu quả hơn.
Lợi nhuận của Barcelona ở mức thấp một phần bởi câu lạc bộ này thuộc sở hữu của 142.000 thành viên, có nghĩa là toàn bộ lợi nhuận được tái đầu tư vào đội bóng. Khi lợi nhuận của câu lạc bộ tăng, lương của các cầu thủ cũng tăng theo. Trong giai đoạn 2017-2019, mức tăng lợi nhuận 44% của Barcelona tương ứng với mức tăng lương của các cầu thủ.
Nguồn doanh thu tăng mạnh nhất của câu lạc bộ này là hợp đồng tài trợ từ năm 2018 với Nike Inc. Hợp đồng này mang lại cho Barcelona ít nhất 155 triệu euro mỗi mùa giải. Tuy nhiên, khoản tiền này đã giảm một phần sau khi Barcelona thỏa thuận lại một số điều khoản về quyền marketing. Hợp đồng này cũng mang lại cho Messi cơ hội tăng lương. Trong khi đó, các hợp đồng tài trợ béo bở khác cũng giúp các cầu thủ như Luis Suarez, Frenkie de Jong và Antoine Griezmann được tăng lương.
Tổng quỹ lương của Barcelona hiện vượt 485 triệu euro/năm, mức cao nhất trong làng bóng đá thế giới. Tuy nhiên, kết quả mà các cầu thủ mang lại không tương xứng. Câu lạc bộ không đoạt được cúp vô địch Champions League nào kể từ năm 2015. Khi Liverpool giành chức vô địch Champions League năm 2018, quỹ lương của câu lạc bộ này chỉ là 276 triệu euro và khi đó thậm chí có thêm 5 cầu thủ trong đội hình.
Vì không nhận được nhiều tiền thưởng, Barcelona đang tiến dần tới chỗ không có lãi. Và nếu không thực hiện một số vụ chuyển nhượng cầu thủ, điều này đã có thể xảy ra.
Ví dụ, năm ngoái, Barcelona đổi thủ môn hạng hai Jasper Cillessen lấy thủ môn Neto của câu lạc bộ Valencia trong thương vụ trao đổi cầu thủ trực tiếp. Tuy nhiên, việc giá trị của các cầu thủ khấu hao trong quá trình thực hiện hợp đồng giúp Barcelona tăng giá trị tài sản vô hình (các cầu thủ). Điều này giúp Barcelona tăng lợi nhuận trên sổ sách, dù thực tế không mang lại doanh thu.
Cơ cấu sở hữu của Barcelona khiến dòng tiền đối với câu lạc bộ này quan trọng hơn so với những đội bóng được sở hữu dưới dạng cổ phần. Càng chi nhiều tiền cho các cầu thủ, câu lạc bộ càng có ít tiền dự trữ. Do thuộc sở hữu của các cổ động viên, Barcelona không thể bán cổ phần nếu gặp khó khăn tài chính. Hoặc ít nhất câu lạc bộ này không thể làm vậy nếu không được sự chấp thuận của các thành viên. Do đó, đây là lựa chọn bất khả thi.
Mô hình dựa trên cổ động viên cũng đồng nghĩa Barcelona không vay được nhiều tiền như các đối thủ lớn. Để so sánh, Manchester United hiện có nợ ròng gấp 2,7 lần Ebitda (một thước đo lợi nhuận). Trong khi đó, quy chế của Barcelona giới hạn mức này chỉ được gấp đôi Ebitda. Và kể cả khi có các giới hạn này, Barcelona vẫn cần dòng tiền ổn định để chi trả lãi vay và tạo đệm tài chính.
Tuy nhiên, sự ra đi của Messi cũng gây tổn thất về tài chính đối với Barcelona. Hợp đồng của Messi có điều khoản giải phóng trị giá 700 triệu euro, tức là Messi phải trả số tiền này cho Barcelona để được ra đi. Barcelona có thể kiện Messi ra tòa vì phá vỡ hợp đồng và tòa án sẽ buộc Messi bồi thường dựa trên số năm còn lại trong hợp đồng, tuổi tác và trình độ của anh hoặc một số yếu tố khác. Tuy nhiên, lúc này, số tiền bồi thường sẽ thấp hơn nhiều so với 700 triệu euro.
Dù vậy, việc để Messi ra đi sẽ giúp Barcelona giảm được một khoản lớn trong quỹ lương, không chỉ của chính danh thủ này mà còn của cả đội. Điều này là cần thiết trong bối cảnh bóng đá đang đối mặt với mùa giải đầu tiên với các sân vận động vắng người do đại dịch Covid-19, khiến doanh thu của các câu lạc bộ sụt giảm.
Messi từng được xem là lá bùa may mắn với Barcelona và giúp đội bóng này trở thành cỗ máy kiếm tiền. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mức lương cao dành cho siêu sao người Argentina đang gây sức ép lớn về chi phí cho câu lạc bộ trong khi tiền thưởng thu về lại ít hơn. Người hâm mộ có thể hỏi làm sao thay thế được chân sút được cho là không thể thay thế này, nhưng rồi ai cũng phải ra đi. Với Barcelona, hiện tại là thời điểm tốt để thực hiện thay đổi đó.
Messi muốn rời Barca
Guardiola lần đầu lên tiếng về thất bại trong vụ mua Messi
Man City từng chiếm ưu thế trong cuộc đua giành chữ ký của Messi ở kỳ chuyển nhượng hè, nhưng thương vụ đổ bể khi siêu sao Argentina quyết định ở lại Barca thêm một năm.
Chủ tịch Barca muốn Messi giảm lương
Siêu sao người Argentina có thể không giữ được thu nhập hơn 40 triệu euro mỗi mùa tại Barca.
Messi gọi đối thủ là 'đồ ngốc'
Trong trận giao hữu giữa Barcelona và Gimnastic Tarragona rạng sáng 13/9 (giờ Hà Nội), Lionel Messi ức chế khi bị Javier Ribelles truy cản quyết liệt từ phía sau.
Với 126 triệu USD kiếm được trong năm 2020, Lionel Messi trở thành cầu thủ thứ 2 có thu nhập chạm mốc một tỷ USD, sau Cristiano Ronaldo.
Budweiser cùng Messi lan tỏa thông điệp không lùi bước
Trên hành trình chạm đến đỉnh cao, thiết lập nhiều kỷ lục trong làng túc cầu, Messi quan niệm thành công không dựa vào may mắn, mà đi từ nỗ lực không ngừng nghỉ.