THPT dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Đắk Roong (xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) thành lập từ năm 2011, hiện có 395 em học sinh, phần lớn các em là người dân tộc Ba Na. Dù là bán trú nhưng do trường cách nhà các học sinh hàng chục km đường rừng nên các em phải ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6, còn thứ 7 và Chủ nhật mới về nhà.
Để quản lý tốt việc đến trường của các em, ngoài việc đưa đón các em ở xa, các giáo viên còn được phân công từng nhóm cùng phụ trách học sinh từng buôn làng.
Theo đó, lớp nào có học sinh nghỉ học thì cô giáo chủ nhiệm phải báo ngay cho giáo viên phụ trách làng đó đi vận động đưa các em đến lớp. Tiền xăng xe, bảo trì máy móc, các giáo viên tự bỏ tiền túi ra.
Hành trình đón học sinh lúc 3h sáng của thầy hiệu trưởng.
|
Thầy cô trong trường nắm rõ từng ngõ ngách, căn nhà của các em học sinh dù trên rừng sâu, cách trường hàng chục cây số.
Theo chân thầy hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn trong chuyến đi “lùng” học sinh lúc 3h sáng, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả của những “người lái đò” thầm lặng. Chiếc xe máy phải rú hết ga mới thoát khỏi những con đường đất đỏ lầy lội sau cơn mưa.
“Các chú thông cảm, mình phải đi giờ này, may ra mới gặp được các phụ huynh, chứ sáng họ lên rẫy khó tìm lắm. Năm nào cũng vậy, công việc lo giấy hợp lệ cho các em là công việc đầu tiên, rồi đến duy trì sĩ số. Học sinh lớp 1 ở đây đi học phần lớn là 3 không: không biết tiếng Việt, không giấy khai sinh, không hộ khẩu nên thầy cô phải tự lo hết”, thầy Tuấn chia sẻ.
Vừa dứt câu chuyện, thầy Tuấn dựng xe trước nhà em Đinh Puih tại làng Đắk Ho. Gõ cửa liên hồi, bố của Đinh Puih mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Vội nhen bếp than lên cho ấm, bố Đinh Puih chào hỏi và có ý thắc mắc con đang ở trên trường, sao thầy lại đến nhà?
Thầy Tuấn tiếp lời: "Đinh Puih còn thiếu giấy khai sinh, sao anh không đi làm cho cháu? Tôi hỏi thế thôi, tôi cũng biết nguyên nhân rồi. Giờ anh đưa cho tôi hộ khẩu gia đình, mai tôi đi làm giấy khai sinh cho cháu, bổ sung vào hồ sơ học". Thấy vậy, bố Đinh Puih vội lấy hộ khẩu ra đưa cho thầy Tuấn.
Rời nhà Đinh Puih, thầy Tuấn tiếp tục hành trình, lần này không phải đi làm giấy khai sinh mà đi tìm học sinh bỏ học. Qua vài khúc cua lòng vòng, 1 căn nhà sàn đơn sơ hiện lên trước mặt, thầy Tuấn nhẹ nhàng bước tới gõ cửa, Đinh Meos nghe tiếng thầy vội chạy ra.
Thấy Meos, thầy Tuấn kêu lớn:“Meos, đi đâu đấy? Sao không đi học?” Meos giật mình, vội gãi đầu giãi bày: “Con… Con đau chân thầy ơi”. “Đưa thầy xem chân nào”, thầy Tuấn đáp lại. Nói rồi, thầy Tuấn tiến lại chỗ Meos và dùng tay sờ kiểm tra. Kết quả, cậu học trò thú nhận chân không đau, đồng thời đồng ý về trường.
Các thầy cô vận động phụ huynh cho học sinh tới trường.
|
Tiếp tục di chuyển sang căn nhà của em Đinh Phai, lúc này cả gia đình vẫn đang ngủ say. Thấy tiếng thầy Tuấn, bố Đinh Phai vội bật dậy mở cửa. Dường như quá quen hành động của thầy Tuấn, bố Đinh Phai chỉ ngay vào góc nhà nơi con mình đang ngủ. Thầy Tuấn vội đánh thức cậu học sinh dậy, do vẫn đang ngái ngủ, thầy Tuấn lấy áo khoác lên rồi bế Đinh Phai lên, đưa ra xe.
“Nhiệm vụ hôm nay xem như xong, 2 em ở làng này hôm qua nghỉ học, giờ đã đưa các em trở lại trường. Giờ phải lo chạy xe về cho kịp ăn sáng, rồi tới lớp”, vừa nói, thầy Tuấn vội leo lên xe cùng 2 học sinh nhỏ tuổi của mình. Chiếc xe ì ạch của 3 thầy trò nổ vang cả núi rừng, xé toang màn đêm buốt lạnh.
Khi giáo viên là cha mẹ
Về đến trường, thay xong bộ quần áo đã lấm lem đất đỏ, thầy Tuấn xúc động kể về công việc hằng ngày của các thầy cô nơi đây: “Phụ huynh ở đây phần lớn người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất khó khăn, cả tuần phó mặc con em cho các thầy cô.
Gần 400 học sinh, lo cho ăn ở, học hành đã mệt, những khi chúng ốm đau, các thầy cô lại chạy đôn chạy đáo thuốc men. Có những em bệnh nặng, giáo viên phải bỏ dạy đưa các em đến viện. Rồi hằng ngày đến lo thuốc men, cơm cháo cho các em, chứ bố mẹ chúng ở trên rẫy cả ngày biết đâu mà tìm”.
Mùa mưa, thầy cô vất vả cõng học sinh qua suối.
|
Cứ mỗi mùa tựu trường, nhà trường luôn động viên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nỗ lực vượt khó hoàn thành trên 100% khả năng có thể. Khi các em bước vào năm học mới, thầy cô phải chăm sóc, gần gũi các em, lo cho các em có đủ điều kiện. Làm sao cho các em thấy ở trường vui hơn ở nhà thì lúc đó các em mới có niềm vui, quyết tâm ở lại trường học.
“Biết khó khăn, vất vả nhưng không một ai kêu ca vì chúng tôi đã xác định việc gieo chữ ở vùng xa thì phải chấp nhận hi sinh. Đối với chúng tôi, bao khổ cực, thiệt thòi mấy cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc quá rồi”, thầy Tuấn nói trong tự hào.
Nhờ sự cố gắng và tâm huyết của những thầy cô cắm bản, nên năm học vừa qua, trong tổng số gần 395 học sinh của trường không có em nào bỏ học. Nhiều em nhập học không biết một chữ tiếng Kinh nay đọc thông biết thạo.
Khi chúng tôi rời Trường PTDTBTTH Đắk Rong đến giữa lưng chừng núi nhìn về phía sân trường, từng nhóm học sinh em quét sân, em thu gom rác, có nhóm sửa lại bàn ghế phòng học, nhóm chơi đá bóng giữa sân trường. Tiếng học sinh và giáo viên cười đùa vang vọng giữa núi đồi.
Tháng 10/2016, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rong đã vinh dự được tặng Cờ thi đua của Chính Phủ, thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn cũng được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác giáo dục và đào tạo, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm học 2015-2016 của tỉnh Gia Lai.