Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện những người chuyên thụ tinh nhân tạo cho muỗi

Muỗi cái được gây mê. Sau đó, đưa muỗi đực và muỗi cái vào gần nhau nếu đuôi chúng quặp lại với nhau là được... Cứ như vậy, các cặp được tiến hành giao phối để sinh sôi nảy nở.

3 cùng với muỗi

Bước chân vào cửa khu nuôi muỗi, côn trùng của Viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Trung ương tọa lạc tại đường Lương Thế Vinh, Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã thấy một thứ mùi ngai ngái đặc trưng. Thủ phạm gây ra thứ mùi đó là môi trường nuôi muỗi - cùng những “ổ” muỗi được nuôi trong những chiếc lồng cần điều kiện phù hợp để sinh trưởng. 

Kỹ thuật viên Trịnh Kim Oanh đang tỉ mỉ phân loại từng con cung quăng.

Căn phòng nuôi muỗi với những chiếc bàn đặt khay nuôi bọ gậy cùng những chiếc lồng được quây màn tuyn giữ muỗi. Tổ nuôi muỗi có hàng trăm các khay nước để nuôi hàng vạn ấu trùng muỗi (còn gọi là con cung quăng). Các khay này được đánh số cẩn thận, sắp xếp theo từng thời kỳ phát triển từ quả trứng bé tý như đầu tăm nở thành bọ gậy/ loăng quăng rồi thành con quăng và từ đó phát triển thành muỗi trong vòng từ 10-15 ngày.

Để đưa được muỗi sống trong rừng sâu hoặc vùng nước lợ ven biển về nuôi và sinh sôi trong phòng thí nghiệm đến thế hệ thứ 200 là một sự kỳ công đòi hỏi công sức của tập thể cán bộ Khoa Côn trùng. 

Công việc đầu tiên của một ngày làm việc của các kỹ thuật viên nơi đây là cho ấu trùng muỗi ăn rồi phân loại, chuẩn bị nở thành muỗi để đưa vào lồng, làm vệ sinh khay, xem muỗi giao phối, sinh sản... 

Kỹ thuật viên Trịnh Kim Oanh, có thâm niên 10 năm của Khoa Côn trùng đang dùng dụng cụ chuyên dụng bắt từng con cung quăng từ khay này chuyển sang khay kia. Công việc này là một trong những công đoạn hàng ngày chị Oanh thực hiện. 

Ngày thường cũng như ngày lễ, công đoạn này không thể bỏ qua nên chị cùng các đồng nghiệp phải thay nhau túc trực bên khay nước nuôi cung quăng này. Một chiếc ống nhựa nhỏ trên tay, bằng mắt thường, chị Oanh nhặt từng con cung quăng đến độ “chín” từ khay này đưa sang khay khác. 

“Nhìn thì đơn giản là bắt cung quăng từ chỗ này bỏ sang chỗ kia nhưng cũng phải mất thời gian mới làm được thành thạo. Phải biết cung quăng đủ tuổi mới chuyển khay. Chỉ cần để quá thời gian cung quăng phát triển thành muỗi là hỏng cả quy trình. Chăm sóc côn trùng này còn kỹ và cẩn thận hơn con đẻ ấy”, chị Oanh chia sẻ.

Chỉ tay vào hộp thức ăn của cung quăng, chị Oanh cho biết, thức ăn của cung quăng cũng phải mày mò từ thực tế cung quăng sống vùng nước lợ ăn gì, thích gì từ đó chế biến ra. Đó là bột tôm, bột bánh mì, bột đậu được sấy khô rồi xay mịn. Còn thức ăn cho muỗi là chuột bạch, thậm chí là... tay của bác sỹ, kỹ thuật viên.

Thấy tôi băn khoăn chưa hiểu vì sao món ăn của muỗi là đốt máu người đang nuôi. Thạc sỹ Đào Minh Trang, Phó khoa Côn trùng đang chăm sóc cho đàn muỗi cười nói: món sở trường của muỗi trưởng thành máu động vật. Chuột bạch hoặc gà sẽ được dùng làm thức ăn cho muỗi, nhưng nhiều khi cả đàn chê món quen này. 

Lo lắng muỗi bỏ bữa lăn ra chết nên nhân viên phải dùng tay mình làm món ăn cho muỗi. Hậu quả muỗi no bụng thì tay nhân viên cũng sưng phồng. 

Thụ tinh nhân tạo cho muỗi

Muỗi dễ sinh sôi, nảy nở nhưng đó là ở môi trường tự nhiên. Còn ở môi trường nuôi này, các bác sĩ lại chính là người nhân bản chúng lên bằng cách cho thụ tinh. 

Gia tài của những người mang trên mình áo trắng blouse nuôi muỗi.

Tôi tò mò không biết muỗi bé thế này thụ tinh như thế nào? Chị Trang lại giải thích tỉ mỉ: đầu tiên phải bắt muỗi đực, muỗi cái nhốt riêng. Sau đó tiến hành gây mê cho muỗi mê trước khi tiến hành các bước tiếp theo. “Gây mê muỗi?” tôi thốt lên bất ngờ. 

“Đúng vậy. Công đoạn gây mê không hề đơn giản bởi nếu gây mê quá liều sẽ làm muỗi chết bằng cách ghép muỗi vào một ống thủy tinh có bông đã tẩm ête. Sau ít giây ête có tác dụng, muỗi đực nằm lịm. Kỹ thuật viên sẽ lấy chiếc kim phẫu thuật chuyên dụng để giữ muỗi.

Muỗi cái cũng được gây mê. Sau đó, đưa muỗi đực và muỗi cái vào gần nhau nếu đuôi chúng quặp lại với nhau là được... Cứ như vậy, các cặp được tiến hành giao phối để sinh sôi nảy nở. Sau khi đã giao phối, muỗi cái được nhốt lại trong lồng và phía dưới được đặt một lớp giấy đặc biệt để hứng trứng.

Tỉ mỉ, kiên nhẫn, chịu khó là những tính từ dành cho cán bộ, nhân viên nuôi muỗi nơi đây. Vậy mà suốt 58 năm qua, từ khi thành lập đến nay Khoa chỉ có cán bộ nghỉ hưu, chưa từng có cán bộ nghỉ việc, dù công việc vất vả, cần mẫn và đòi hỏi sự hy sinh rất lớn. 

Chị Trang bảo, việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nuôi muỗi chưa thấm vào đâu so với việc phải vào trong rừng bắt muỗi sốt rét ban đêm. Muốn nghiên cứu các loài muỗi sốt rét chúng tôi phải vào rừng, nơi loài muỗi sinh sống để bắt muỗi. Muỗi tìm đốt mỗi vào đêm tối nên cứ chập tối chúng tôi lại khăn gói vào rừng mồi muỗi. 

Muỗi nuôi tại Khoa Côn trùng đã được thuần chủng, nghĩa là không còn khả năng gây bệnh nhưng bắt muỗi tại thực địa nguy cơ lây bệnh là điều có thể xảy ra. Khoa Côn trùng đã bắt và nghiên cứu nhiều loại muỗi gây bệnh sốt rét ở các vùng miền khác nhau như muỗi Anopheles dirus Anopheles minimus gây sốt rét, Aedes aegypti gây sốt xuất huyết và Culex quinquefasciatus gây viêm não Nhật Bản…

Công việc thầm lặng nếu không muốn nói là buồn tẻ của các bác sĩ, nhân viên nơi đây lại có ý nghĩa to lớn. Đó là góp phần quan trọng trong việc phòng, chống thành công bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Họ là những bác sĩ nuôi muỗi và phòng bệnh cho cộng đồng.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/chuyen-nhung-nguoi-chuyen-thu-tinh-nhan-tao-cho-muoi-299564.bld

Theo Lệ Hà/Lao động

Bạn có thể quan tâm