Bà Cúc bên sản phẩm mứt và bột bần do chính bà làm ra. Ảnh Ngọc Trinh. |
Gia tài tích cóp được có 3 chỉ vàng, bà bán hết mở quán ăn. Sau khi món lẩu bần nấu cá chình và cá bông lau được khách tấm tắc khen ngon, bà mạnh dạn chế biến nhiều món ăn dân dã khác với bần chín và món nào cũng được ủng hộ. Tuy nhiên, điều khiến quán ăn của bà gặp khó là trái bần không thể giữ được lâu, nên những tháng mùa nghịch quán đành đóng cửa.
"Tôi nảy ra ý định xay bần chín thành bột, thêm muối, ớt, bột ngọt và dùng lửa nhỏ để sên, cho vào keo dự trữ những tháng trái mùa. Làm như thế có thể bảo quản được một đến hai tháng, nhờ vậy mà mùa bần không ra trái, tôi vẫn có lẩu bần để bán", bà Cúc cho biết.
Sản phẩm mứt bần và bột lẩu bần của cơ sở Tư Cúc. Ảnh Ngọc Trinh. |
"Đến giữa năm 2007, tình cờ thấy con gái bẻ trái bần chín dầm với đường ăn cùng nước đá, tôi thấy lạ, ăn thử. Thật ngạc nhiên là món giải khát tự chế của con gái lại rất ngon với vị thơm chua ngọt. Tôi tự hỏi, sao mình không làm mứt bần để bán nước giải khác trong quán ăn, thế là bắt tay thử món mới", bà Cúc cho biết thêm.
Cách của bà là bần chín lược bỏ hạt, còn phần bột đem sên với đường, muối thành hỗn hộp vừa đặc, mà người miền Tây gọi là mứt. Mứt bần tự chế được bà pha với nước đá và đậu phộng thành món nước giải khát chua ngọt được khách hàng rất thích. Từ đó mứt bần bà Cúc bắt đầu xuất hiện hàng loạt và được khách hàng gần xa ưa chuộng. Tiếng lành đồn xa, mứt, bột lẩu bần bà Cúc được một số siêu thị về đặt hàng. Cây bần vốn mọc hoang ven sông ở nhiều tỉnh miền Tây bỗng trở nên có giá trị kinh tế, nhiều nơi bắt đầu đầu tư, chăm sóc loại cây mọc hoang này.
Bà Cúc thật thà chia sẻ, ban đầu làm bột bần để nấu lẩu theo yêu cầu của khách tại quán ăn, chứ đâu nghĩ là sẽ đem bán vào siêu thị hay ra nước ngoài. Câu chuyện về hành trình đưa trái bần hoang ra thị trường là cái duyên của người phụ nữ này.
Quả bần chín được bà Cúc thu mua với giá 5.000- 8.000 đồng/kg. Ảnh Ngọc Trinh. |
"Mỗi khi khách về miền Tây, họ thường mua thêm vài hũ bột bần, mứt bần làm quà. Tiếng lành đồn xa, nhờ thế nhiều nơi tìm đến mua", bà Cúc hồ hởi nói.
Lúc đầu cơ sở chỉ làm theo mùa vụ nên sản phẩm cung ứng ra thị trường rất hạn chế. Tỉnh Trà Vinh đã kịp thời hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, mẫu chai… và đưa sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ ở Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang… và gần đây nhất được quảng bá trong các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn khắp cả nước. Nhờ vậy mà mứt, bột bần bà Cúc càng nhanh chóng được người tiêu dùng khắp nơi biết đến.
Theo dân gian, trái bần rất có lợi cho tim mạch, ổn định đường huyết. Một ký trái bần thu được 300g bột. Hiện nay, nhiều siêu thị ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây đặt hàng với số lượng lớn, nhưng do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu theo mùa nên mỗi năm, cơ sở này chỉ sản xuất gần 20 tấn bột và mứt bần. Hiện trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà Cúc ra khoảng 40-60 kg mứt và bột bần. Trong năm 2014, cơ sở này cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 hủ mứt bần, bột bần. Giá trái chín bà Cúc thu mua từ những người đi hái từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Trong năm 2014 này, cơ sở sản xuất Tư Cúc cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 hủ mứt, bột bần. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Hiện nay, bà Cúc đã đầu tư mua thêm máy tách hột bần, máy khuấy bột và đóng keo, dáng nhãn mác, hạn sử dụng. Cơ sở này đang giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định từ 100.000-150.000 đồng/ngày.
Ở tuổi hơn 60, bà Cúc vẫn rất khỏe mạnh và nhiều trăn trở với những sản phẩm từ trái bần. “Tôi không nghĩ những sản phẩm từ trái bần hoang lại được nhiều người từ khắp nơi biết đến, rồi có ngày được bày bán trong siêu thị, và đã có mặt ở thị trường Đức, được nhiều người ưa chuộng. Tôi sẽ không dừng lại ở 2 sản phẩm bột và mứt bần, mà sẽ chế biến thêm nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và cả quốc tế", bà Cúc khẳng định.