Palomar, tên cuốn sách, tên của nhân vật và mọi thứ đều là những ghi chép trong những ngày hè không xác định của Palomar.
Sách Palomar (Vũ Ngọc Thăng dịch) do Nhã Nam và NXB Văn học phát hành. Ảnh: sachnhanam. |
Đọc những ngọn sóng
Những chương ngắn, nối tiếp nhau như một cuộc hành trình, không theo cốt truyện cụ thể và không cầu kỳ về bút pháp như mọi cuốn sách còn lại của Italo Calvino. Nhưng đơn giản không có nghĩa là vô vị, nếu bạn đọc kỹ từng trang, sẽ hiểu thêm tầm vóc của Calvino về thứ gọi là hiểm họa của văn minh đô thị.
Chuyến hành trình theo kiểu dạo bước của Palomar bắt đầu từ bãi biển, ở đó anh nhìn và nhìn, không vì một mục đích gì, đơn giản chỉ là dõi theo các ngọn sóng, quan sát một cách tỉ mỉ rồi bị cuốn theo vào suy nghĩ “… lật ngược thời gian, là nhận ra bản chất thực của thế giới là ở bên kia các thói quen của cảm giác và tư duy".
Câu văn đó là mã khóa cho phần lớn cấu trúc và ý hướng của Calvino về sự quan sát, đọc những chuyển động của thiên nhiên theo cách thuần túy nhất, như một cư dân bình đẳng chứ không phải tư thế của kẻ thống trị muôn loài.
Trải dọc theo con sóng, đến bờ biển, thả mình dưới nước, dưới ánh mặt trời sắc bén như một thanh gươm, anh chàng Palomar thoát dần ra khỏi đời sống thường ngày.
Chương “Tiếng hót con chim sáo” (Palomar trong vườn) là phần viết thú vị nhất trong sách. Tiếng chim sáo muôn đời vẫn vậy, luôn là sự vút lên như từ chiếc mỏ nhỏ, loài sáo hót vì bản năng, để ới gọi, tìm kiếm lẫn nhau.
Palomar lắng nghe, rồi tự đặt câu hỏi, tự băn khoăn rằng, tiếng của loài sáo giống với tiếng huýt miệng của con người nhưng loài người có thật hiểu ngôn ngữ của nhau như loài sáo. Và rồi Palomar lồng ghép những cuộc chuyện trò tưởng tượng theo kiểu trao đổi hàng hóa ở người, rồi khi vợ anh trò chuyện thì mọi thứ càng khập khiễng, đầy vô vị.
Palomar thử lặp lại tiếng huýt của loài sáo một cách trung thực nhất nhưng cặp sáo không để tâm, vẫn tiếp tục đối với nhau bằng ngôn ngữ của riêng chúng, Palomar cứ thế mà tự hỏi, trong hoang mang.
Sự hoang mang của Palomar cũng là câu đố của Calvino gửi trong cuốn sách về sự chia cắt của con người với thiên nhiên, từ bao giờ, khi nào chúng ta đã đánh mất đi sự quan sát, thưởng thức đời sống, loài người có bao giờ coi trời đất, muôn loài là những người bạn trên hành tinh hay đơn thuần chỉ là những kẻ xâm lược có trí tuệ.
Tranh vẽ nhà văn Italo Calvino. Tranh: Wesley Merrit. |
Thiên nhiên trong thành phố đều nặng nề, bế tắc
Hết những ngày hè nhưng mùa hè chưa chấm dứt, Palomar đi vào thành phố, lên sân thượng, vào bảo tàng, vào chợ, vào xã hội. Mỗi chương là một sự tự hiểu mới của Palomar về đời sống con người trong phần thiên nhiên đang ngày một tan tác.
Trình tự của cuốn sách từ bãi biển tới thành phố là một sự quay vòng giữa việc tách biệt khỏi xã hội rồi lại quay về nhưng thời gian ngắn ngoài thiên nhiên đã tẩy rửa, đánh thức trong Palomar ý niệm về giá trị của sự quan sát đời sống, nhìn, đọc và khám phá mọi bản ngã bị ngủ quên trong quá trình nhập cuộc vào thứ gọi là nền văn minh nhân loại.
Loài người có coi trời đất, muôn loài là những người bạn trên hành tinh; hay chỉ đơn thuần là những kẻ xâm lược có trí tuệ.
Nếu ngoài thiên nhiên, mọi vật, từ chim, cỏ, cây, mặt trời, mặt trăng đều là vật sống, đầy tự do thì khi vào thành phố, Palomar chỉ thấy những mô hình, những cổ vật trong bảo tàng, các loài thú sống trong cũi để mua vui, mọi thứ đều nặng nề, bế tắc, con người sống bằng sự trao đổi, bầy hươu cao cổ cũng cố tìm một cuộc chạy trốn nhưng mãi loanh quanh trong chuồng nhốt của vườn thú…
Cuối cùng, sự im lặng dẫn Palomar vào việc học sự đã chết, đóng giả một người chết để quan sát xem thế giới không có anh sẽ về đâu.
Palomar giả chết, mặc niệm như mình không còn tồn tại để tách khỏi cộng đồng người đang ngày một nhiều lên, đây không hẳn là một trò chơi hay sự chạy trốn, cũng chẳng giống một nỗi chán chường, thất vọng và mệt mỏi, có lẽ Palomar đang đi vào một câu hỏi lớn để tìm một câu trả lời lớn, cho đến ngày thức giấc hoặc chết hoàn toàn…
Rất khó để biết bởi cuốn sách bỏ ngỏ ở đó. Palomar như một người suy tư luôn tìm kiếm lời giải đáp cho sự hòa hợp giữa cộng đồng người và thế giới tự nhiên, không phải sự tàn phá để xây lên những kiến trúc, dày đặc người để thế chỗ những loài vật đã bị săn bắn đến tuyệt chủng.
Italo Calvino (1923 - 1985) là nhà văn hậu hiện đại người Italy. Ông là con của hai nhà thực vật học Mario Calvino và Evelina Mameli (cháu của Goffredo Mameli) và em trai của Floriano Calvino, nhà địa chất học nổi tiếng.
Năm 1976 ông được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu. Các tác phẩm đã in ở Việt Nam: Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôi, Hiệp sĩ không hiện hữu, Những thành phố vô hình, Nếu một đêm đông có nguười lữ khách.