Một kịch bản được nhiều người hình dung trước khi Man City đặt chân đến Việt Nam là sự xuất hiện của “Running man 2.0”, sẵn sàng chạy theo xe của thầy trò HLV Pellegrini hàng km.
Nhưng kịch bản ấy đã không thành hiện thực vì trong chương trình của Man City không có khoảng thời gian nào dành cho việc tham quan phố phường Hà Nội. Hoặc nếu có, điều đó chỉ diễn ra với tư cách cá nhân như việc HLV Pellegrini tranh thủ buổi sáng 26/7 thưởng thức ly cà phê tại phố Nguyễn Hữu Huân.
Vệ sĩ của Man City ngăn cản không cho người hâm mộ tiếp cận xe ô tô. Ảnh: Anh Tuấn |
Tuy vậy, ngay cả khi đoàn Man City có đi dạo phố thì các “Running man 2.0” cũng khó tiếp cận được những ngôi sao của á quân Premier League. So với Arsenal, đội ngũ vệ sĩ của Man City hùng hậu và cũng khắt khe hơn nhiều.
Trong suốt những ngày có mặt tại Việt Nam, lực lượng bảo vệ của á quân Premier League tỏ ra không mấy thân thiện và luôn tạo thành rào chắn ngăn cách giữa người hâm mộ với các cầu thủ Man City.
Đúng là yêu cầu an ninh, an toàn cần được đặt lên hàng đầu ở những nơi xa lạ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự xa cách có chủ ý.
Nếu từng theo dõi buổi tập mở của Arsenal năm 2013, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận sự thân thiện và gần gũi của thầy trò HLV Arsene Wenger. Điều đó đến từ cách họ bước ra sân, giơ tay chào khán giả cho đến hình ảnh “Giáo sư” vui vẻ ký tặng lên ngực áo của một fan nữ, hay các cầu thủ chạy lại sát khán đài để trao quà tặng cho CĐV…
Trong khi đó, bất chấp sự hò reo chào mừng, thầy trò HLV Pellegrini tiến thẳng ra sân và tập trung tối đa vào buổi tập của họ. Cách các cầu thủ Man City “giao lưu” với khán giả sau đó cũng khiến nhiều người thấy hụt hẫng vì sự sơ sài và mang tính chất công việc.
Vệ sĩ của Man City chuyên nghiệp và lạnh lùng như cách đội bóng Anh thể hiện ở Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn |
Sáng 26/7, khung bạt rất rộng được dựng trong khuôn viên của làng trẻ em SOS Hà Nội với mục đích đấy sẽ là nơi các em giao lưu cùng cầu thủ Man City qua vài động tác chuyền ban quả bóng đơn giản. Nhưng cuối cùng, hoạt động đó không diễn ra như dự kiến.
Nhanh chóng xuất hiện và rút lui, những nụ cười chỉ nở trên môi David Silva, Jesus Navas cùng đồng đội trong tình huống bắt buộc. Đó là sự khác biệt nữa so với cách Arsenal thật sự hòa mình vào các hoạt động cộng đồng tại Việt Nam năm 2013.
Nếu chưa chóng quên, HLV Arsene Wenger từng đưa ra lời khuyên chân thành dành cho bóng đá Việt Nam: “Các bạn hãy quan tâm đầu tư cho bóng đá trẻ. Đó là nền tảng phát triển của bất kỳ CLB, nền bóng đá nào trên thế giới”.
Còn HLV Pellegrini nói: “Tôi mới đến đây được 2 ngày nên không thể đưa ra lời khuyên cho các bạn” - một phát biểu đúng như “trong sách” và khó chê trách, nhưng người ta không thấy tình cảm trong câu nói đó.
Tối 25/7, hàng trăm CĐV mặc áo “Man xanh” đứng đợi trước cổng sân bay Nội Bài dưới cơn mưa và theo đội về khách sạn. Tại đây, họ tổ chức buổi tiệc mừng sinh nhật Fernando và Clichy nhưng không khí cũng thua xa với khoảnh khắc mà dàn sao Pháo thủ mang đến 2 năm trước.
Một fan bị nhắc nhở khi định selfie cùng Sterling. Ảnh: Tùng Lê. |
Tất nhiên, không thể đòi hỏi á quân Premier League thể hiện tình cảm quý mến với đất nước và nền bóng đá còn quá xa lạ với họ. Nhưng ít nhất, Man City đã không cho thấy tinh thần muốn nhân thêm sự mến mộ dành cho “nửa xanh thành Manchester” khắp toàn cầu như tuyên bố của họ.
Cách ứng xử khác biệt giữa Man City và Arsenal liệu có liên quan đến việc một CLB có truyền thống ngắn ngủi, được xây dựng bằng túi tiền của các ông chủ với một CLB giàu bản sắc, được xây dựng theo triết lý cống hiến vì CĐV?