Hôm 21/3, sau khi Signature Bank - một ngân hàng có trụ sở ở New York - bị buộc phải đóng cửa, 4 ngân hàng khác đã phải lên tiếng thanh minh rằng họ không liên quan gì đến vụ sụp đổ này vì có cái tên giống hệt, theo The Economist.
Tương tự, chỉ vài tuần sau đó, khi ngân hàng First Republic Bank ở California phá sản, một số nhà đầu tư lại bán tháo cổ phiếu của Republic First Bancorp vì trùng tên. Sự nhầm lẫn về tên gọi này đã khiến cổ phiếu của ngân hàng ở Philadelphia sụt giảm tới 28%.
Tại sao lại có quá nhiều trường hợp gây bối rối đến vậy? Theo các chuyên gia, nguyên nhân đơn giản là vì nước Mỹ hiện có quá nhiều ngân hàng.
Số ngân hàng tại Mỹ hiện nhiều gấp 10 lần Anh và 20 lần Đức. Ảnh: Business Today. |
Quá nhiều ngân hàng
Theo số liệu của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC), hiện Mỹ có hơn 4.100 ngân hàng thương mại, trong khi con số này ở Anh - một trung tâm tài chính khác trên thế giới - chỉ là 353, còn Đức là 261 ngân hàng.
Theo The Economist, lý do lớn nhất khiến hệ thống ngân hàng Mỹ trở nên phân mảnh bắt nguồn từ những luật lệ có từ thế kỷ XIX. Đó là những quy định giới hạn phạm vi hoạt động của các ngân hàng và thay đổi theo từng bang.
Một số bang cho phép các ngân hàng mở chi nhánh tại bất kỳ đâu trong bang, nhưng ở một số nơi, các ngân hàng chỉ được phép hoạt động trong thành phố hoặc khu vực mà họ đặt trụ sở chính. Một số bang thậm chí còn cấm ngân hàng của bang khác đến hoạt động.
Mục đích của những quy định này là để ngăn các ngân hàng trở nên quá quyền lực. Tuy nhiên, theo ông Randall Kroszner - Giáo sư tại trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago, vào đầu những năm 1800, khi những điều luật này bắt đầu nở rộ, các bang đã kiếm được nguồn thu rất lớn nhờ cổ tức và tiền nộp thuế từ các ngân hàng. Do đó họ có xu thế bảo hộ cho các ngân hàng của bang mình.
Đến những năm 1970, chính phủ Mỹ bắt đầu dỡ bỏ những quy tắc này. Cùng với sự nổi lên của ngành công nghệ và những sản phẩm tài chính mới - trong đó có máy ATM, các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ hay hệ thống chấm điểm tín dụng vượt bậc - những ngân hàng ở xa cũng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính mà trước đây chỉ ngân hàng địa phương mới có.
Năm 1978, Maine trở thành bang đầu tiên chấp nhận các ngân hàng tại khu vực khác. Đến năm 1994, tất cả các bang trừ Hawaii cũng áp dụng luật tương tự. Cùng năm đó, chính phủ thông qua luật dỡ bỏ hoàn toàn các giới hạn địa lý còn lại.
Điều này khiến ngành ngân hàng Mỹ co hẹp đáng kể. Năm 1983, Mỹ có gần 14.500 ngân hàng thương mại. Hai thập kỷ sau, con số đã giảm xuống còn 7.700 và hiện tại chỉ còn hơn 4.000.
Ngân hàng địa phương vẫn được ưa chuộng
Theo thống kê của FDIC, 4 ngân hàng JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo hiện thống trị hệ thống ngân hàng Mỹ. Là 4 ngân hàng lớn nhất, họ đang nắm giữ 42% tổng tài sản của toàn ngành, tăng mạnh so với tỷ lệ 11% ở thời điểm năm 1990.
Tuy nhiên, có một thực tế là vị trí địa lý vẫn đóng vai trò quan trọng trong quyết định lựa chọn sẽ vay tiền từ ngân hàng nào của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Những ngân hàng nhỏ của địa phương vẫn thường được các doanh nghiệp khu vực lựa chọn, đơn giản vì họ muốn chọn những ngân hàng mà mình hiểu rõ.
Theo FDIC, các ngân hàng cộng đồng (community bank) với tài sản từ 10 tỷ USD trở xuống hiện chỉ chiếm 15% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, đối với các mảng như cho vay bất động sản thương mại hay nông nghiệp, họ đạt tỷ trọng gấp đôi là 30%. Còn đối với mảng cho vay các doanh nghiệp nhỏ, những ngân hàng này chiếm tới gần 40%.
Các ngân hàng nhỏ lẻ vẫn được ưa chuộng nhiều. Ảnh: The Hill. |
Dù vậy, cuộc khủng hoảng gần đây khả năng cao sẽ khiến mạng lưới ngân hàng Mỹ co hẹp hơn nữa.
Năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật nhằm nới lỏng quy định quản lý các ngân hàng nhỏ. Theo đó, các ngân hàng có tài sản từ 250 tỷ USD trở lên (thay vì 50 tỷ USD như trước) mới phải áp dụng những quy định quản lý chặt chẽ nhất, đồng nghĩa các ngân hàng cỡ trung sẽ được miễn trừ khỏi một số yêu cầu về vốn, thanh khoản cũng như các bài kiểm tra áp lực.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng vừa rồi mà trong đó chủ yếu là các ngân hàng tầm trung gặp rắc rối, các nhà hoạch định chính sách đang xem xét quay về ngưỡng 50 tỷ USD, tức sẽ có thêm khoảng 30 định chế tài chính bị quản lý chặt chẽ hơn.
Nếu điều này chính thức xảy ra, nhiều ngân hàng sẽ buộc phải sáp nhập với ngân hàng khác để thích nghi. Kết quả là nước Mỹ sẽ có ít ngân hàng hơn, và nếu may mắn thì sẽ ít gặp khủng hoảng hơn.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.