Theo New York Times, trọng tâm của thỏa thuận này là việc đình chỉ trần nợ công trong 2 năm tiếp theo chứ không phải tăng trần nợ. Giới hạn này hiện ở mức 31.400 tỷ USD, có nghĩa là từ hiện tại cho đến năm 2025, chính phủ Mỹ sẽ không phải lo về việc không thể vay thêm tiền kể cả khi tổng nợ vượt quá mức đó.
Trên thực tế, điều này là cực kỳ có lợi cho Đảng Dân chủ, đặc biệt là Tổng thống Joe Biden khi không phải lo lắng về việc đàm phán lại trần nợ cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.
Để đổi lấy việc đình chỉ giới hạn này, các đảng viên Đảng Cộng hòa đã yêu cầu ông Biden phải nhượng bộ một loạt chính sách. Đứng đầu trong số đó là giới hạn chi tiêu của liên bang trong 2 năm tới, ngoài ra còn một số vấn đề liên quan đến hỗ trợ người nghèo và an ninh năng lượng.
Tổng thống Biden đã nhân nhượng nhiều chính sách để đạt thỏa thuận về trần nợ. Ảnh: NYT. |
Giảm chi tiêu chính phủ
Theo NYT, thỏa thuận mới yêu cầu chi tiêu chính phủ (trừ quốc phòng) trong năm 2024 sẽ phải giữ nguyên và chỉ được tăng 1% trong năm sau đó. Mức tăng này được dự báo là thấp hơn tốc độ tăng lạm phát, do đó chính phủ Mỹ sẽ cần rất nhiều nỗ lực để kìm chế chi tiêu.
Phạm vi giới hạn sẽ là các khoản ngân sách cho các cơ quan liên bang và chương trình chính phủ mà Quốc hội có thể điều chỉnh định kỳ. Ngoài ra, các chương trình bắt buộc như Medicare (bảo hiểm y tế) và an sinh xã hội không bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng đồng ý tài trợ toàn bộ chi phí chăm sóc y tế cho cựu chiến binh ở mức như đề xuất ngân sách 2024 của Tổng thống Biden, gồm khoản chi 20,3 tỷ USD cho các cựu binh bị phơi nhiễm chất độc.
Với những chi tiết trên, nhiều chương trình liên bang sẽ bị thu hẹp vì khoản tiền được tăng không đủ để bù đắp lạm phát. Dù vậy, Quốc hội vẫn cho phép tăng chi tiêu trong những trường hợp không lường trước như chiến tranh hay bệnh dịch.
Điều khoản này phản ánh đúng nhận xét của ông Biden sau buổi họp ngày 27/5: "Đây là sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng có thứ mình muốn".
Đảng Dân chủ thất bại trong việc yêu cầu nâng trần nợ mà không cắt giảm chi tiêu. Ở phía ngược lại, Đảng Cộng hòa không thành công trong việc yêu cầu cắt giảm các khoản ngân sách lớn. Theo ước tính của Nhà Trắng, nước Mỹ có thể tiết kiệm được gần 1.000 USD nhờ cắt giảm chi tiêu.
Siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp
Một trong những biện pháp được ông Biden và ông McCarthy thống nhất để cắt giảm chi tiêu là siết chặt tiêu chuẩn nhận trợ cấp với phiếu lương thực.
Cụ thể, theo thỏa thuận mới, những người trưởng thành có khả năng lao động nhưng thu nhập thấp và không có người phụ thuộc (con nhỏ, người thân khuyết tật...) từ 49 đến 54 tuổi sẽ cần phải có việc làm nếu muốn nhận phiếu lương thực. Trước đó, nhóm người này có thể nhận trợ cấp tối đa 3 tháng trong mỗi 3 năm kể cả khi thất nghiệp.
Nhà Trắng trên thực tế đã đạt điều mình muốn khi giành được quyền ngoại lệ cho cựu chiến binh và những nhóm dễ bị tổn thương như người vô gia cư. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng hài lòng khi giảm được số người nhận trợ cấp chống đói nghèo, qua đó giảm chi tiêu công.
Tuy nhiên, các yêu cầu mới này cũng khiến nhiều người phẫn nộ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm người lớn tuổi.
Bà Sharon Parrott, Chủ tịch Trung tâm Chính sách ưu tiên, lên án: "Thỏa thuận này sẽ khiến hàng trăm nghìn người lớn tuổi rơi vào nguy cơ mất hỗ trợ lương thực, và phần lớn trong số này là phụ nữ".
Thỏa thuận về tiêu chuẩn trợ cấp giữa ông Biden và ông McCarthy khiến nhiều người phản đối. Ảnh: NYT. |
Rà soát các dự án năng lượng
Cuối cùng, trong thỏa thuận được ký kết, hai bên sẽ thực hiện những điều chỉnh nhỏ đối với Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA). Đây là đạo luật đã tồn tại trong 53 năm qua, trong đó yêu cầu đánh giá liên bang đối với các dự án năng lượng.
Trong thỏa thuận mới này, Đảng Cộng hòa đã đạt được một bước tiến lớn khi áp đặt giới hạn 1 năm đối với các đánh giá về môi trường và 2 năm đối với các báo cáo về tác động môi trường.
Tuy nhiên, các nhà tài trợ dự án vẫn có thể yêu cầu tòa án xem xét lại nếu một cơ quan liên bang không đáp ứng được thời hạn đề ra.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng đã đồng ý khôi phục việc thu hồi nợ sinh viên. Trước đó, nhà lãnh đạo này luôn nỗ lực hỗ trợ tiền vay và trợ cấp hàng triệu USD cho sinh viên trong giai đoạn Covid-19, đồng thời cho hoãn việc trả nợ.
Giai đoạn hoãn nợ này sẽ chấm dứt sau 60 ngày kể từ khi Tổng thống Biden ký dự luật về thỏa thuận mới. Trước đó, Đảng Cộng hòa cũng đề xuất hủy bỏ kế hoạch của Nhà Trắng về việc xóa các khoản nợ từ 10.000 đến 20.000 USD cho sinh viên nhưng không được thông qua.
Thêm vào đó, thỏa thuận cũng giúp thu hồi khoảng 30 tỷ USD tiền cứu trợ chưa sử dụng trong đợt dịch Covid-19 mà Quốc hội đã thông qua năm 2020.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.