Chuyện lạ ở các nước dùng smartphone nhiều nhất thế giới
Người Trung Quốc thích smartphone vì có thể dùng “lén lút”, trong khi người Đức dùng smartphone nhiều nhất để tìm… quán bia.
Vào tháng 2/2013, Trung Quốc trở thành nước có người dùng smartphone lớn nhất thế giới, “đá” Mỹ xuống vị trí thứ 2. Dường như điều đó sẽ không bao giờ thay đổi, vì dân số Trung Quốc có 1,3 tỷ người, lớn hơn nhiều so với 313 triệu của Mỹ.
Dù có điểm chung là số lượng người dùng smartphone lớn, thói quen dùng thiết bị của mỗi quốc gia lại khác nhau.
Trung Quốc: Thích sự “lén lút”
Số người dùng di động: 1,2 tỷ
Số người dùng smartphone: 246 triệu
Hơn một nửa người dùng smartphone Trung Quốc (52%) thích dùng thiết bị vì họ có thể dùng nó một cách “lén lút” mà không bị bắt gặp dễ dàng. Họ cũng thích ứng dụng với 27% thường dùng hơn 21 ứng dụng trên smartphone.
Mỹ: Ai cũng có smartphone
Số người dùng di động: 333 triệu
Số người dùng smartphone: 230 triệu
Số đông những người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 54 đều đã sở hữu smartphone. 40% là người giàu có hơn 65 tuổi, thu nhập 100.000 USD/năm cũng dùng smartphone.
Nhật: Chuộng ứng dụng hơn mạng xã hội
Số người dùng di động: 128 triệu
Số người dùng smartphone: 78 triệu
Người Nhật rất thích ứng dụng, trung bình một người cài tới 41 ứng dụng trên thiết bị. Tuy nhiên, họ không thích mạng xã hội. Khoảng 1/3 người dùng không bao giờ vào mạng xã hội trên thiết bị của họ.
Brazil: Thích ứng dụng xã hội
Số người dùng di động: 259 triệu
Số người dùng smartphone: 55 triệu
Người Brazil rất thích mạng xã hội. 18% ứng dụng tải về ở Brazil là ứng dụng mạng xã hội. Mỹ là quốc gia duy nhất có tỷ lệ này cao hơn (20%).
Ấn Độ: Thích chat trên mạng và vào web
Số người dùng di động: khoảng 700 triệu
Số người dùng smartphone: 44 triệu
Theo Nielsen, tại Ấn Độ, đàn ông dùng smartphone để vào web và dùng ứng dụng, còn phụ nữ dùng để lên mạng xã hội và chat IM.
Anh: Không rời mắt khỏi smartphone
Số người dùng di động: 76 triệu
Số người dùng smartphone: 43 triệu
22% người lớn Anh thừa nhận “nghiện” nặng smartphone, 22% thừa nhận thậm chí còn nghe điện thoại trong phòng tắm.
Hàn Quốc: Siêu thị phục vụ cho smartphone
Số người dùng di động: 56 triệu
Số người dùng smartphone: 32 triệu
Hàn Quốc phát minh ra khái niệm “cửa hàng bán lẻ ảo” cho người dùng smartphone. Các kệ chỉ bày hình ảnh sản phẩm. Người dùng quét (scan) mã vạch sản phẩm và hàng hóa sẽ được giao ngay trong nhà cho họ.
Đức: Tìm hàng bia bằng smartphone
Số người dùng di động: 107 triệu
Số người dùng smartphone: 27 triệu
Người Đức tiêu thụ bia nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau CH Séc. Vì thế, họ dùng smartphone để tìm kiếm nhà hàng hay quán bia nhiều nhất (39%), tiếp đó là kiểm tra tài khoản ngân hàng (30%).
Pháp: Muốn đánh thuế smartphone
Số người dùng di động: 72 triệu
Số người dùng smartphone: 26 triệu
Pháp cân nhắc bổ sung “thuế văn hóa” 1% trên smartphone, tương tự truyền hình hay đài phát thanh. Số tiền thu về được gây quỹ để sáng tạo nội dung số bằng tiếng Pháp như sách, nhạc, phim.
Canada: Quê hương của các ứng dụng uy tín
Số người dùng di động: 27 triệu
Số người dùng smartphone: 23 triệu
Có nhiều nhà phát triển ứng dụng tốt tại Canada, vì thế nước này cũng có nhiều ứng dụng đặc biệt. Apple thậm chí còn có hẳn một mục “Great Canadian Apps” trong App Store cho chúng.
Nga: Có ứng dụng cho phạm nhân
Số người dùng di động: 256 triệu người
Số người dùng smartphone: 22 triệu nguời
Phạm nhân tại Nga gần đây cũng có ứng dụng đặc biệt, cho phép người nhà ở bên ngoài gửi tin nhắn và hình ảnh tới. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là không phải phạm nhân nào cũng có smartphone.
Tây Ban Nha: Không thể ăn uống thiếu smartphone
Số người dùng di động: 56 triệu
Số người dùng smartphone: 18 triệu
Theo một cuộc khảo sát của hãng Apigee, Tây Ban Nha xếp đầu bảng trong số các quốc gia phụ thuộc vào ứng dụng di động, với 93% cho biết không thể “sống qua ngày” nếu không có ứng dụng, 11% không thể đặt bữa tối mà không có ứng dụng.
Theo ICT News