Hơn ai hết, Hữu Thắng ở rất gần cả Vinh và Quyến trong quãng thời gian hai cầu thủ đồng hương ngấp nghé tuổi 20. Cái tuổi đầy ước mơ và hoài bão.
Quyến khi ấy đã là một tài năng được thừa nhận và “thổi” lên với nhiều tước hiệu như thần đồng, cậu bé vàng… Tiền tài, danh vọng tự nhiên tìm đến Quyến kể từ sau bàn thắng đổi đời vào lưới Trung Quốc ở giải U16.
Trong khi Văn Quyến chật vật ngay cả trên sân phủi... |
SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, Quyến mặc nhiên có một suất trong đội hình chính thức. Quyến là mẫu tiền đạo quan trọng đến mức mỗi quả đá phạt thành bàn trong buổi tập cũng được ông thầy Alfred Rield vỗ tay tán thưởng. Quyến thành trái tim của mọi sự quan tâm, tâng bốc và hy vọng.
Vinh thì khác. Lúc hào quang bủa vây lấy Quyến thì Vinh vẫn chỉ là một kép phụ miệt mài lấy cần cù bù tố chất. Vinh phấn đấu trầy vi tróc vẩy để chen được vào đội một Sông Lam, để được làm một trong những vệ tinh của Quyến.
Hữu Thắng khi ấy đã treo giày 2 năm và được đôn lên ngồi ghế HLV trưởng SLNA. Giải đấu ấn tượng đầu tiên của ông chính là JVC Cup 2003, một cái cúp được tạo ra để ĐT U23 Việt Nam diễn tập trước thềm SEA Games.
Cầm quân dự JVC Cup, thực chất Hữu Thắng chỉ có trong tay đội hình B của Sông Lam. Những cầu thủ hay nhất như Văn Quyến, Huy Hoàng, Lâm Tấn, Hải Nam, Như Thuật… đã theo HLV Nguyễn Thành Vinh lên tuyển hết.
... thì Công Vinh vẫn là linh hồn của ĐTVN. |
Nhưng thật diệu kỳ, phần Sông Lam còn lại ấy đã chơi một thứ bóng đá đầy men say. Hữu Thắng có bước khởi đầu đầy uy tín, nó giúp sự nghiệp của ông về sau hanh thông đáng kể khi được lên ĐT U20, mời ra “cứu” HN T&T, quay trở lại như một người hùng ở SLNA, và hiện nay là luồng gió mới của ĐTVN – như chúng ta đang thấy.
Dĩ nhiên, nhìn lại bước khởi đầu ấy, Hữu Thắng chưa bao giờ quên những đóng góp của Công Vinh. Một Công Vinh gầy gò, mảnh dẻ nhưng nghị lực phi thường đã bất ngờ toả sáng hơn bất cứ ngôi sao nào khác ở JVC Cup. Sáng tới mức ghi điểm cho mình và ghi điểm hộ cả cho thầy.
Sau JVC Cup, cái tên Công Vinh được bổ sung ngay vào danh sách ĐT U23. Một bước ngoặt thực sự của cuộc đời Vinh “còm”, bởi từ đó trở đi, trong mọi giải đấu lớn nhỏ khác nhau, bóng đá Việt có thể thiếu Văn Quyến chứ không bao giờ thiếu Công Vinh.
Nhiều người vẫn nói, Công Vinh có được tất cả như hôm nay là nhờ cú vấp ngã của Văn Quyến ở SEA Games 2005 - Bacolod. Phán xét của dư luận thì thật vô cùng, nhiều điều không phải không có lý, nhưng ở đây là câu chuyện về nỗ lực và ý chí. Mà câu chuyện ấy, Hữu Thắng là người hiểu hơn hết thảy.
Ông Thắng rất thương Quyến, không phải bởi Quyến cũng có những thời khắc khốn khổ vì lao lý như ông. Lý do chính là Quyến có nhiều thứ thiệt thòi: thiếu tình cảm, thiếu tinh tế ứng xử, thiếu cả cái bản lĩnh mà một người cha lẽ ra đã phải truyền cho.
Ngày 20/8/2011, Công Vinh nhận giải thưởng bàn thắng đẹp nhất tháng 7, được trao trên sân Vinh. |
Khi Quyến trở lại sau án treo giò, Hữu Thắng là người bảo vệ Quyến mạnh mẽ nhất. Không chỉ đấu tranh giữ Quyến ở Sông Lam, Hữu Thắng còn thuyết phục được đội bóng trả lương cho Quyến như cho một thủ lĩnh, một biểu tượng tương lai.
Nhưng đổi lại là gì? Là một Văn Quyến béo ra, chậm chạp hơn, lười tập, hay chấn thương lãng xẹt và mài mòn băng ghế dự bị của CLB. Quyến trở thành gánh nặng theo cả nghĩa đen lẫn bóng, không phải một vài tháng, mà những 3 năm.
Cùng thời gian ấy, Công Vinh đi vào lịch sử với cú đánh đầu ngược mang về chức vô địch AFF Cup 2008, du học Bồ Đào Nha, kiếm những hợp đồng nhiều chục tỉ nhờ chuyển nhượng…
Văn Quyến được HLV Calisto đặc cách gọi lên tuyển nhưng ngồi chơi mấy bữa rồi xin về vì đau gối thì Công Vinh tự tập theo giáo án của bác sỹ thuê riêng từ châu Âu để cố gắng hồi phục những chiếc dây chằng được nối. Quyến nhẹ nhàng đốt sự nghiệp của mình cháy nhanh hơn, 30 tuổi đã giải nghệ, còn Vinh cắn răng khổ luyện để kéo dài phong độ đỉnh cao ở tuổi 32.
Khi Quyến tuyên bố giã từ sân cỏ sau những ngày mòn mỏi dự bị ở Ninh Bình, nhiều người thở phào coi đấy là một sự giải thoát. Nhưng khi Vinh manh nha ý định giải nghệ sau AFF Cup 2016, không ít khán giả vẫn mong anh thay đổi quyết định của mình. Có mâu thuẫn không, khi dư luận lâu nay vẫn quen âu yếm Quyến mà cay nghiệt với Vinh?
Hữu Thắng nhìn thấy tất cả những điều này. Năm 2012, khi ông để Văn Quyến rời SLNA đến Xuân Thành SG là lúc tình thương và lòng kiên nhẫn chạm đáy. Nhưng năm 2013, khi ông giải cứu Công Vinh vào phút chót khỏi cảnh thất nghiệp (sau đó Vinh mặc áo số 89 để kỷ niệm), thì đó lại là lúc lòng nghĩa hiệp cất lên. Không như nhiều người khác, Hữu Thắng chưa bao giờ coi Công Vinh là cầu thủ hết thời.
Niềm tin của Hữu Thắng đặt vào Công Vinh gần như là tuyệt đối, dù ở SLNA hay lúc này, trên ĐTQG. Đổi lại, Hữu Thắng không chỉ có một đội trưởng mẫn cán, một tiền đạo chuyên ghi những bàn quan trọng mà còn sở hữu một cánh tay nối dài cho mình ở trên sân
Hữu Thắng bây giờ nhắc về Văn Quyến vẫn luôn nuối tiếc một tài năng đặc biệt không được giữ gìn đúng cách. Còn nhắc về Công Vinh, đó thường xuyên là những lời ngợi khen, trân trọng và pha một chút hàm ơn.
Có vẻ như trong thâm tâm Hữu Thắng, lứa pha lê Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh là của để dành cho SEA Games, còn thành bại ở kỳ AFF cuối năm nay, không ai khác, vẫn là do Công Vinh quyết định.
Phạm Văn Quyến sinh năm 1984, là cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA. Năm 2000, Quyến đặt dấu mốc chói sáng với bàn thắng ghi vào lưới U16 Trung Quốc. Năm 2003, anh giúp ĐT Việt Nam đánh bại đội hạng Tư thế giới Hàn Quốc 1-0. Năm 2005, Quyến dính vào vụ bán độ SEA Games ở Bacolod (Philippines), bị treo giò đến 2009, và từ thời điểm đó, sự nghiệp của anh xuống dốc không phanh. Năm 2014, Quyến từ giã sân cỏ sau nhiều tháng dự bị mòn mỏi ở Ninh Bình.
Lê Công Vinh sinh năm 1985, cùng khởi nghiệp ở SLNA như Văn Quyến. Dấu ấn nổi bật nhất của Công Vinh là bàn thắng bằng đầu giúp ĐTVN vô địch AFF Cup 2008. Anh đã từng khoác áo nhiều CLB: SLNA, HN T&T, HN.ACB, Bình Dương, Leixoes (Bồ Đào Nha), Sapporo (Nhật Bản)… Công Vinh đang giữ kỷ lục về số lần khoác áo ĐTQG và ghi bàn cho ĐTQG. Anh tuyên bố sẽ giải nghệ sau AFF Cup 2016.