Công Vinh là biểu tượng đương đại của đội tuyển và bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà |
Ánh hào quang ấy phải thuộc về Công Vinh, người vừa xác lập cột mốc 12 trận đá chính liên tiếp cho đội tuyển Việt Nam.
Trước Syria, Công Vinh vẫn thể hiện mình là người bền bỉ nhất, chơi thứ bóng đá đẳng cấp, làm những điều tốt nhất mà chúng ta có thể kỳ vọng từ một cầu thủ đã 31 tuổi.
Bước ra thảm cỏ Mỹ Đình tối 31/5, Công Vinh đã có cho mình 12 trận đá chính liên tiếp trong 3 năm qua (giải chính thức và giao hữu). Lần cuối cùng anh phải ngồi dự bị ở tuyển Việt Nam là trong trận gặp Indonesia ngày mở màn AFF Cup 2014. HLV Toshiya Miura có lẽ vẫn tiếc nuối vì quyết định này. Nếu ông cho Vinh đá chính từ đầu, tuyển Việt Nam có thể giành chiến thắng. Vào sân từ phút 55, số 9 chỉ cần đúng 13 phút trước khi ghi bàn cho đội bóng áo đỏ.
Sau bàn thắng ấy, Công Vinh không còn ngồi ngoài. 12 trận đá chính liên tiếp ở AFF Cup, vòng loại World Cup và trước Triều Tiên, Syria, Công Vinh không bị thay ra dù chỉ 1 lần. Anh ghi 8 bàn trong quãng thời gian ấy, xác lập hiệu suất 0,66 bàn/trận. Trong 8 bàn ấy, có những pha lập công vào lưới Iraq, Syria và Malaysia.
Suốt 553 ngày liên tiếp, Công Vinh là sự lựa chọn số một trên hàng công nói riêng và của đội tuyển Việt Nam nói chung. Hai cái tên tiệm cận Công Vinh về số lần ra sân là Nguyên Mạnh (11 trận đá chính) và Ngọc Hải (10 trận) đều thi đấu ở tuyến phòng ngự - nơi sự ổn định là yêu cầu tiên quyết.
Công Vinh là người truyền lửa cho lứa đàn em đầy triển vọng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Ngọc Hải... Ảnh: Tùng Lê |
Trong 3 năm ấy, tuyển Việt Nam đã qua 2 đời huấn luyện viên khác nhau với 2 triết lý hoàn toàn trái ngược. Ngày Công Vinh bắt đầu kỷ lục của mình, Công Phượng chưa được gọi lên đội tuyển, Leicester City vẫn chơi tại giải Hạng Nhất Anh còn Jose Mourinho đang ở Chelsea.
Bây giờ, Vinh đã có tổng cộng 72 trận cho tuyển quốc gia, giữ kỷ lục về số lần ra sân và số bàn thắng (44 bàn). Anh và Thành Lương là 2 cầu thủ đá chính còn sót lại của thế hệ vô địch năm 2008, cũng là cái tên nhiều tuổi, giàu thâm niên nhất trong đội hình hiện tại.
Chuyện về Công Vinh là câu chuyện về một cầu thủ có xuất phát điểm bình thường đã làm nên những điều phi thường. Đó là câu chuyện về một sự bền bỉ đã kéo dài hơn chục năm trời, về hành trình bước về phía ánh sáng của một tên tuổi không được thừa nhận, luôn phải đấu tranh giữa những ranh giới mong manh và nghi kỵ từ mọi phía.
Cả đến tận bây giờ, khi đã nắm trong tay đủ mọi vinh quang cùng đội tuyển Việt Nam, Công Vinh vẫn phải không ngừng khẳng định bản thân. Nói về anh, vẫn có những chữ “nếu”, vẫn có sự “giá như”, vẫn có những so sánh với Văn Quyến. Đó có lẽ là thứ định kiến đeo đẳng kinh khủng nhất trong cuộc đời của Công Vinh. Đối mặt với nó, Vinh chẳng có gì ngoài sự kiên trì và bền bỉ phi thường. Cùng thế hệ với Vinh, Minh Phương, Phước Tứ, Dương Hồng Sơn đều đã giải nghệ. Chỉ còn mình anh ở đây ngạo nghễ, như đang thách thức lịch sử và các kỷ lục.
Một thập kỷ sau khi Văn Quyến ra đi, Công Phượng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên tái hiện được những cảm xúc của người đàn anh. Phượng cũng là đối thủ kế tiếp của Công Vinh trong cuộc chiến thần tượng. Đêm qua, những khán đài Mỹ Đình đã dậy sóng khi Công Phượng khởi động bên ngoài đường pít. Công Vinh đã chinh phục lịch sử nhưng anh không chinh phục được trái tim của những người hâm mộ khó tính. Những khoảnh khắc kỳ diệu ở AFF Cup 2008, Iraq 2015 hay Syria 2016 chẳng bao giờ là đủ để Công Vinh được yêu quý như hai người đồng đội.
Những tràng pháo tay, sự nghịch lý ghê gớm ấy là điều Công Vinh đã luôn phải đối mặt trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng Vinh hãy yên tâm, vì trong ngôi đền thiêng của bóng đá Việt Nam, đã từ lâu, luôn có một vị trí trang trọng dành cho anh.