Công ty quốc phòng GDMA đóng tại Singapore do một doanh nghiệp người Malaysia tên là "Fat Leonard" điều hành. Doanh nhân này được nhiều chỉ huy hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương biết tiếng.
Tuy nhiên, các công tố viên cho hay, Leonard Francis đã giao thiệp với các mối quan hệ để thu thập bí mật quân sự bằng cách biếu vé xem Lady Gaga biểu diễn, hối lộ và sắp xếp cho gái mại dâm tiếp xúc với một chỉ huy Mỹ tên Michael Vannak Khem Misiewicz, trong vụ bê bối làm chấn động lực lượng hải quân Mỹ.
Michael Vannak Khem Misiewicz điều khiển tàu sân bay như một quân cờ để có vé xem ca nhạc và gái mái dâm. |
Misiewicz và Francis đã dịch chuyển các tàu hải quân Mỹ như quân cờ, chuyển hướng tàu sân bay, tàu khu trục và các tàu khác tới các cảng ở châu Á - với sự giám sát lỏng lẻo - tới những nơi Francis có thể thổi chi phí lên cao. Từ đó, GDMA sẽ tăng giá nhiên liệu, thực phẩm và các dịch vụ khác cung cấp cho hải quân tới hàng triệu đô.
Vào thời điểm đó, Misiewicz là phó ban tác chiến thuộc Hạm đội 7 - chuyên giám sát các chiến dịch từ Nhật tới Diego Garcia tại Ấn Độ Dương và từ Vladivostok, Nga tới Australia. Trước khi được giao nhiệm vụ tại Hạm đội 7, Misiewicz là sĩ quan chỉ huy của tàu khu trục USS Mustin.
"Đó là vấn đề khá lớn khi một người có thể điều tàu đi nơi này nơi khác và bị một nhà thầu mua chuộc", thiếu tướng hải quân về hưu Terry McKnight - người nắm rõ vụ điều tra này cho hay.
Cho tới giờ, giới chức Mỹ đã bắt Misiewicz, Francis, tổng quản lý GDMA phụ trách các hợp đồng toàn cầu Alex Wisidagama và một nhà điều tra kỳ cựu của hải quân là John Beliveau II.
Beliveau bị tố cáo giúp Francis nắm được thông tin về cuộc điều tra và hướng dẫn doanh nhân này cách trốn tội để đổi lấy các chuyến đi xa hoa, được gái mại dâm phục vụ và hơn nữa.
Những cáo buộc được công bố tại một phiên tòa liên bang là dấu hiệu cho thấy an ninh quốc gia Mỹ bị vi phạm nghiêm trọng và tình trạng tham nhũng xảy ra ở cả những quan chức cấp cao tăng lên.
Một phiên tòa diễn ra vào ngày 8/11 sẽ ấn định ngày xét xử chỉ huy Misiewicz.