Những nhà mái tranh vách đất bên bờ sông trong vùng Sundarbans. Chúng không thể giúp người dân ngăn chặn những cuộc tấn công của hổ. Ảnh: BBC |
Dường như những con hổ ở vùng Sundarbans hung dữ hơn so với hổ ở những vùng khác trên thế giới. Không ai hiểu tại sao chúng hung dữ hơn, song một số người đoán rằng độ mặn quá cao của nước có thể là nguyên nhân. Song giới bảo tồn dự đoán tình trạng môi trường sống thu hẹp và tình trạng khan hiếm mồi là nhân tố chính. Với một triệu người sống gần rừng đước, tình trạng thiếu thức ăn trở thành vấn đề đối với cả người lẫn hổ. Hai loài săn lùng con mồi của nhau.
Khi các nhà bảo tồn tìm hiểu tình hình tại một làng ở Sundarban, người dân nói hổ giết khoảng 80 vật nuôi của họ trong một năm – bao gồm chó, dê, trâu và bò. Dân làng truy lùng hổ để giết. Để ngăn chặn tình trạng ấy, các tổ chức bảo tồn địa phương thành lập 49 đội phản ứng nhanh để đối phó với hổ. Mỗi khi hổ lạc vào một làng, đội phản ứng sẽ không giết mà đuổi chúng vào rừng bằng lửa và tiếng nổ của pháo đất. Nếu lửa và pháo đất không khiến hổ sợ, họ sẽ bắn phi tiêu tẩm thuốc mê để khống chế hổ rồi đưa chúng vào rừng, BBC cho biết.
Mặc dù vậy, các vụ trả thù hổ vẫn xảy ra. Vào tháng 12/2013, một nhóm dân làng gần trạm kiểm lâm Ghagra Mari đã truy lùng một con hổ rồi giết sau khi nó sát hại một người.
Ngư dân Deban Mandal kể lại câu chuyện ông ôm chặt một con hổ khi nó tấn công ông. Ảnh: BBC |
Người dân địa phương chẳng quan tâm tới việc hổ có thể tuyệt chủng vào một ngày nào đó.
“Tại sao một loài thú dữ dằn như thế có thể tuyệt chủng nhỉ?”, Deban Mandal, một ngư dân, đặt câu hỏi.
Deban kể rằng ông từng nghe trực tiếp nhịp tim của một con hổ. “Nó đập mạnh hơn nhiều so với tim tôi”, ông mô tả.
Hôm ấy Deban cùng vài ngư dân tới khu vực Kultoli Khal của vùng Sundarbans để đánh cá. Họ kéo thuyền vào bờ ngay trước khi mặt trời mọc. Thủy triều khá thấp khi họ bước vào những lạch nhỏ dẫn vào rừng đước. Khung cảnh xung quanh rất yên tĩnh. Nhóm ngư dân chỉ nghe thấy tiếng bước chân của họ.
Deban bước về phía rìa của một lạch để cầu nguyện. Khi đó mặt trời vừa lặn và sương mù vẫn bốc lên từ mặt nước. Trong lúc Deban đặt lưới, một con hổ từ đâu đó lao vào ông.
“Nó gầm to như tiếng sấm. Tôi đứng sững vì sợ. Do con hổ quá to, tôi nghĩ tôi sẽ ngã. Vì thế tôi ôm thân của nó và dí đầu vào ngực nó để nó không thể tát hay cắn. Khi ấy tôi có thể nghe tiếng đập cực nhanh của tim con hổ. Tôi có thể cảm nhận hơi thở của con hổ trong lúc nó cố gắng đẩy tôi ra. Con mãnh thú nhìn tôi. Đôi mắt nó mở to. Tôi nghĩ nếu tôi cứ giữ chặt thân nó như thế, nó sẽ không thể cắn tôi”, Deban mô tả.
Nhưng sau nhiều cú lắc của con hổ, Deban văng ra và con vật cắn vào cổ ông. Lúc ấy Deban tin rằng ông sẽ chết. Một trong hai bạn chai của ông leo lên cây, song người còn lại quyết định cứu ông.
“Anh ấy cầm rìu và một vật gì đó khá dài, có lẽ là một cành cây, và phang vào đầu con hổ. Khi vật đó giáng trúng đầu, con hổ buông tôi và chạy”, ông nói.
Ông chỉ những vết sẹo trên cổ do móng vuốt của con hổ gây nên.
“Giờ đây, mỗi khi thấy hổ, tôi luôn cảm thấy hãi hùng. Khi ông chủ bảo chúng tôi sang bờ sông bên kia, tôi nói rằng con hổ sẽ vồ tôi. Ông ấy hỏi: Tại sao hổ lại vồ anh? Tôi nói rằng nó luôn bí mật theo dõi tôi từ rừng vì nó nhớ mặt tôi. Nếu tôi qua sông, nó sẽ tìm tôi”, ông tâm sự.
Khuôn mặt của Sukumar Mondol biến dạng sau vụ hổ tấn công. Thị lực và thính lực của ông giảm mạnh. Ảnh: BBC |
Sukumar Mondol, một người khác, hứng chịu những vết thương nghiêm trọng hơn. Khuôn mặt anh biến dạng. Anh không thể nghe hay nhìn một cách rõ ràng, đồng thời chỉ có thể nói ngọng một cách khó khăn.
“Hôm ấy tôi đang ngồi trên bờ sông thì một tiếng gầm vang lên. Trong vòng một phút, một con hổ có chiều dài khoảng 2,7 m xuất hiện. Nó tát liên tiếp khiến tay của tôi nát tươm. Sau đó nó cắn vào đầu tôi. Lúc ấy tôi cảm thấy tôi sắp chết vì tôi không có cách nào để thoát khỏi nó. Chẳng ai có thể giúp tôi”, Sukumar tường thuật vụ việc.
May mắn thay, một phụ nữ đã cứu Sukumar bằng cách giáng gậy vào thân con hổ bằng toàn bộ sức lực của cô. Sau đó những người khác xuất hiện. Họ dùng khăn để cầm máu từ những vết thương rồi đưa nạn nhân lên thuyền. Họ phải vượt qua quãng đường 60 km để đưa anh tới bệnh viện ở thành phố Khulna.
Sau khi điều trị trong bệnh viện vài tuần, Sukumar về nhà, song anh không thể làm việc như xưa.
“Từ hôm 27/7/2011 tới nay tôi không vào rừng., Con hổ đó rất hung dữ. Nó bắt người để ăn. Chúng tôi sống trong lãnh địa của nó. Nhờ ơn thánh thần mà tôi thoát chết”, anh nói.