Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện giải đề toán nổi tiếng nhân loại được dựng thành phim

Câu chuyện “giải nhầm bài tập về nhà” của George Dantzig đã được mượn để phóng tác thành phim Good Will Hunting (1997) đạt được nhiều giải thưởng điện ảnh.

Câu chuyện “giải nhầm bài tập về nhà” của George Dantzig đã được mượn để phóng tác thành phim Good Will Hunting (1997) đạt được nhiều giải thưởng điện ảnh, bao gồm tượng vàng Oscar danh giá cho kịch bản gốc xuất sắc. Bộ phim xoay quanh nhân vật Will Hunting là một thanh niên 20 tuổi có bộ óc thiên tài về toán học, làm nghề lao công trong trường đại học MIT.

Trong phim, ông giáo sư viết một đề toán khó lên bảng, thách đố sinh viên tìm ra bài giải. Lúc không có ai, anh chàng lao công Will Hunting dọn vệ sinh giảng đường thấy đề toán đó bèn giải thử. Hôm sau, giáo sư hỏi ai là người đã ghi bài giải này lên bảng, tất nhiên là không sinh viên nào giơ tay.

Ông giáo sư bèn ghi một bài toán khó khác, và lại thách đố sinh viên. Một lần nữa, anh lao công Will Hunting ghi bài giải kế bên, và anh lại giải đúng. Nhưng lần này, anh bị giáo sư phát hiện. Phần còn lại của bộ phim là mạch chuyện rất sâu sắc về quan điểm cuộc đời, những tổn thương tâm lý, năng lực thiên phú của một con người, đã làm rung động hàng triệu khán giả điện ảnh.

Giai nham anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Malevus.

Anh lao công Will Hunting được khắc họa là một nhân vật có gene thần đồng bẩm sinh. Trong phim, nhân vật chính có năng lực thiên phú về một lĩnh vực nào đó (trong trường hợp này là Toán) không giống phần đông chúng ta.

Nhưng, những biến cố, chuyển động tâm lý của nhân vật thì giống người bình thường chúng ta. Khán giả ấn tượng với khía cạnh phi thường của nhân vật, nhưng vẫn cảm thấy đồng cảm, đồng điệu với khía cạnh đời thường của nhân vật đó. Trong cái bất ngờ xa lạ, có cái thân quen.

Phỏng theo câu chuyện có thật, nhưng kịch bản điện ảnh như trên có tác dụng phụ là nó tạo ra cái hiểu đúng nhưng chưa đủ về nhân vật có thật là chàng sinh viên George Dantzig. Từ bé, George Dantzig được nuôi dưỡng kiểu con nhà nòi toán học. Bố anh là một nhà toán học, thường thử thách con trai mình bằng nhiều bài toán khó. Cách dạy dỗ này đem tới cho George Dantzig một sự bền chí trước một bài toán khó. Nếu không có tuổi thơ như vậy, một người khác có thể đã đầu hàng trước bài toán kinh điển nhân loại chưa có lời giải.

Một điều thú vị nữa là, trong một cuộc phỏng vấn, George Dantzig trả lời rằng, nếu sự nhầm lẫn không xảy ra, nói cách khác, nếu ông sớm biết đây là bài toán nhân loại chưa giải ra chứ không phải bài tập về nhà, thì có lẽ ông đã... đầu hàng. Sự việc “em tưởng...” (đây là bài tập về nhà) khiến ông tự vận vô mình một quyết tâm là giải cho bằng được, và thế là ông giải được thật.

Tuổi thơ của George Dantzig và cuộc phỏng vấn trên không được quảng bá mạnh mẽ như câu chuyện làm nhầm bài tập về nhà nổi tiếng của ông. Đây là một ví dụ cho thấy câu chuyện truyền cảm hứng trên truyền thông đại chúng có ưu điểm là truyền năng lượng tích cực đến khán giả. Nhưng, khuyết điểm là khán giả tiếp cận với mặt này nhiều hơn mặt kia của cùng một câu chuyện.

Điều đó có thể khiến một số khán giả cảm thấy được truyền cảm hứng để xắn tay áo lên làm theo, đặt kỳ vọng bản thân có thành tựu tương tự, nhưng dự trù thời gian, sức lực thực hiện chưa đủ khả thi - một phần là do họ bị khuyết một phần thông tin.

Tôi không bài xích những câu chuyện truyền cảm hứng. Tôi tin rằng mỗi câu chuyện thường có nhiều mặt đáng để tìm hiểu. Eddie Cantor, diễn viên hài người Mỹ có sự nghiệp thành công ở nhiều lĩnh vực khác nữa, có câu nói nổi tiếng, “It takes 20 years to make an overnight success” (Phải mất 20 năm để làm nên một cú thành công chớp nhoáng).

Đằng sau mỗi câu chuyện thành công luôn đi cùng một bài học về sự kiên trì lao động. Ngoài ra, thiên tài thì cũng giống con người ta ở chỗ, họ cũng mắc lỗi, ví dụ như là lỗi “em tưởng...” (đây là bài tập về nhà).

Giới hạn của một người chưa hẳn là thành tích của họ, cũng chưa hẳn là lỗi lầm của họ. Nếu cuộc đời mỗi người là một bài nhạc, thì dù nổi tiếng hay vô danh, mỗi người đều trải qua nốt thăng, nốt trầm, lẫn nốt “nhầm”. Truyền thông nỗ lực mang đến cho bạn những sự thật, nhưng tiếp nhận bao nhiêu sự thật và như thế nào có ích cho bạn nhất là lựa chọn của bạn.

Ai Huynh/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY