Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia WB: Việt Nam chi còn thấp cho xử lý rác thải rắn sinh hoạt

Ông Ashraf El-Arini, chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, cho rằng kinh phí Việt Nam dành cho quản lý rác thải rắn sinh hoạt thấp 5-8 lần so với các nước thu nhập trung bình khác.

Ông El-Arini, chuyên gia môi trường từ Ngân hàng Thế giới, chỉ ra rằng tổng kinh phí cho lĩnh vực xử lý rác thải rắn trong năm 2020 ở Việt Nam ước tính là 14.336 tỷ đồng, tương đương 0,23% GDP, trong khi đó, chi tiêu toàn cầu cho quản lý chất thải là 0,5% GDP. Ảnh: Tiến Đạt.

“Kinh phí phân bổ cho lĩnh vực này (quản lý rác thải rắn sinh hoạt -PV) còn thấp, đặc biệt là cho xử lý - tiêu hủy và đầu tư”, chuyên gia môi trường nói trong hội nghị chiều 12/4 của Nhóm Công tác chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP).

Ông El-Arini chỉ ra rằng tổng kinh phí cho lĩnh vực này trong năm 2020 ở Việt Nam ước tính là 14.336 tỷ đồng, tương đương 0,23% GDP, trong khi đó, chi tiêu toàn cầu cho quản lý chất thải là 0,5% GDP.

Dựa trên mẫu so sánh là một số thành phố (Đà Nẵng, Hải Phòng và Hà Nội) của Việt Nam, vị chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định kinh phí cho xử lý chất thải sinh hoạt đang thấp hơn 5-8 lần so với các quốc gia có thu nhập trung bình khác.

rac thai sinh hoat anh 1

Ông Ashraf El-Arini, chuyên gia môi trường từ Ngân hàng Thế giới. Ảnh: LinkedIn/Ashraf El-Arini.

Một vấn đề khác cũng được nhắc đến trong bài phát biểu của ông El-Arini là áp lực lên ngân sách của Việt Nam.

Theo ông El-Arini, hiện nay, hai nguồn kinh phí chính cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam là từ ngân sách nhà nước và từ phí vệ sinh môi trường.

Trong năm 2020, ngành quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam nhận 10.897 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó phần lớn (hơn 9.000 tỷ đồng) là chi phí vận hành, số còn lại là chi phí đầu tư. Cùng năm, ngành này nhận 3.439 tỷ đồng từ phí vệ sinh môi trường, được dùng toàn bộ cho chi phí vận hành.

Như vậy, nếu kinh phí dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt tiếp tục tới chủ yếu từ ngân sách nhà nước và phí vệ sinh môi trường không thay đổi, gánh nặng tài chính của chính quyền có thể sẽ tăng đáng kể trong tương lai (từ 154% tới 720% so với hiện tại, tùy kịch bản).

rac thai sinh hoat anh 2

Quang cảnh hội nghị thường niên của Nhóm công tác Chương trình Đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) vào chiều 12/4. Ảnh: Quốc Đạt.

Từ đó, ông El-Arini khuyến nghị Việt Nam dần dần dùng phí vệ sinh môi trường để trang trải chi phí vân hành, còn ngân sách nhà nước được dùng để cung cấp vốn đầu tư.

Điều này sẽ giúp thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân vào hoạt động xử lý chất thải rắn sinh hoạt, cũng như giải phóng nguồn lực cho các khoản đầu tư thiết yếu mà không thể huy động từ tư nhân, theo vị chuyên gia Ngân hàng Thế giới.

Khi đó, nguồn vốn được giải phóng từ ngân sách nhà nước cùng nguồn bổ sung từ các tổ chức tài chính quốc tế có thể được sử dụng cho các khoản đầu tư trọng điểm, như để đóng cửa các bãi rác hay nâng cấp các bãi chôn lấp không hợp tiêu chuẩn.

Đường phố Paris ngập trong rác thải

Rác thải chất đống trên đường phố ở nhiều khu vực của thủ đô Paris (Pháp), sau các cuộc đình công của nhân viên thu gom về kế hoạch cải cách hưu trí ở nước này.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm