Thị trường trái phiếu doanh nghiệp các năm trước phát triển nóng và đạt đỉnh trong năm 2021 với tổng lượng phát hành khoảng 600.000 tỷ đồng. Đây xu hướng tất yếu của nền kinh tế khi quy mô mới chiếm 15% GDP, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Malaysia hay Singapore.
Tuy nhiên, quy mô thị trường đã thu hẹp đáng kể từ đầu năm 2022 đến nay. Nguyên nhân chính là từ thay đổi về chính sách, cũng như các biện pháp lành mạnh hóa thị trường của cơ quan chức năng.
Trái phiếu là sản phẩm rủi ro
Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán TCBS cho rằng kênh trái phiếu mới phát triển nên có bộc lộ những yếu điểm riêng như chạy đua về phát hành, chạy đua lãi suất, khối lượng tăng không đồng đều với chất lượng... trong khi nhà đầu tư cá nhân chưa có kinh nghiệm.
"Nhiều nhà đầu tư coi trái phiếu doanh nghiệp như một sản phẩm tiết kiệm, lựa chọn trái phiếu theo lãi suất, chính vì vậy mà khi có một số vi phạm trong phát hành thì nhà đầu tư hoang mang", bà Hoạt nói trong talkshow Chọn danh mục mới đây.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia phân tích tại TCBS cho biết trái phiếu là sản phẩm có những rủi ro nhất định. Ảnh: ĐTCK. |
Đầu tư vào trái phiếu là có rủi ro, bởi bản chất vẫn là nhà đầu tư đang cho doanh nghiệp vay tiền và có những rủi ro nhất định. Do vậy, nhà đầu tư cá nhân cần phải tìm hiểu cách để quản trị rủi ro khi đầu tư.
Sau nhiều biến cố thời gian qua, thị trường trái phiếu đang có những thay đổi nhất định. Bà Hoạt nhận thấy người mua đã quan tâm nhiều hơn đến phân tích rủi ro trái phiếu để phù hợp với khẩu vị đầu tư, không phải cứ lãi suất cao là tốt.
Thêm nữa, nhà đầu tư càng quan tâm nhiều đến thanh khoản và trạng thái tài chính của mình để đảm bảo thanh khoản, nhất là những nhà đầu tư có kế hoạch dòng tiền nhằm phân bổ tài sản hợp lý.
Chuyên gia TCBS còn quan sát thấy thị trường trong 3 tháng vừa qua có sự quan tâm đến trái phiếu niêm yết, của doanh nghiệp đầu ngành và thời hạn ngắn. Nhu cầu mua trái phiếu niêm yết tuần trước đạt 100 tỷ/ngày, nhà đầu tư nhanh nhạy đã rút ở các kênh khác để mua trái phiếu do có giá chiết khấu hấp dẫn.
Ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng phân tích FiinRatings, cũng nhấn mạnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không phải sản phẩm tiết kiệm nên mức độ an toàn sẽ phụ thuộc vào lãi suất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao.
Một rủi ro mà tất cả các trái chủ cần quan tâm là nguy cơ tín dụng, đây cũng là rủi ro cốt lõi mà các tổ chức tín nhiệm xem xét. Như FiinRatings dựa trên rủi ro tín dụng để đánh giá năng lực trả nợ của tổ chức phát hành, sau đó mới xem xét các yếu tố khác.
VỊ chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cần tìm hiểu về lịch sử doanh nghiệp cũng như các yếu tố rủi ro tài chính diễn ra trong quá khứ, những thông tin liên quan đến nghĩa vụ trả nợ, các rủi ro thanh khoản và định giá lãi suất...
Cần khôi phục niềm tin đầu tư
Thị trường trái phiếu Việt Nam dù phát triển nóng vẫn có quy mô chưa quá lớn, nhiều dư địa để phát triển nhưng đang gặp thách thức trong ngắn hạn. Kênh dẫn vốn này vẫn có những lợi ích rõ ràng cho các bên tham gia thị trường.
Theo ông Khang, nhà đầu tư trái phiếu và cả doanh nghiệp phát hành đang chạy theo lãi suất trong 2 năm qua, cũng như thường sẽ có hành động theo đám đông khi xuất hiện những thông tin tiêu cực.
Nhà đầu tư trái phiếu thường bị hạn chế về thông tin dễ dẫn đến hành động theo đám đông. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư là giải pháp ngắn hạn và tôi hoàn toàn đồng ý nên khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào công cụ chuyên nghiệp như các quỹ mở', ông Khang nêu.
Tuy nhiên, chuyên gia FiinRatings lưu ý kể cả đầu tư vào quỹ mở thì nhà đầu tư vẫn hành động theo đám đông như bán chứng chỉ quỹ trước hạn. Do đó, vấn đề gốc rễ là nhà đầu tư thiếu thông tin, thiếu công cụ độc lập giúp nhận diện được những rủi ro đầu tư.
Các hoạt động kinh doanh tốt mà bị ảnh hưởng bởi tin đồn có thể minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của công ty, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường.
Còn tổ chức phát hành gặp vấn đề thì cần tôn trọng trái chủ bằng cách công khai minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ để ổn định tâm lý. Bởi, khi không có thông tin, trái chủ sẽ hành động rất là nhanh chóng theo đám đông.
Ở phía nhà đầu tư, ông Khang khuyến nghị cần bình tĩnh xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ để không phải bán rẻ tài sản khi doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định.
Giải pháp trung hạn cho vấn đề đó chính là các quỹ bình ổn. Đây là biện pháp đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và các quỹ này sẽ có những điều kiện cụ thể để có thể giải ngân vào những đối tượng cụ thể.
Giải pháp dài hạn là xây dựng thị trường thứ cấp giao dịch tập trung những trái phiếu riêng lẻ - vốn chiếm 95% khối lượng giao dịch trên thị trường. Nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi có thị trường thứ cấp mạnh mẽ nhằm tăng tính thanh khoản cho trái phiếu.
Bà Nguyễn Thị Hoạt bổ sung yếu tố để tăng niềm tin với thị trường trái phiếu là các doanh nghiệp phải đưa đúng sản phẩm và đưa thông tin đẩy đủ nhất, minh bạch nhất cho nhà đầu tư.
Tổ chức phát hành chỉ phát hành khi có đủ điều kiện, có thể chủ động tham gia xếp hạng minh bạch, đi từ tổ chức tư vấn phát hành trái phiếu, phải làm việc chuyên nghiệp hơn, tăng cường thông tin minh bạch cho nhà đầu tư.
Ở góc độ quản lý, hành lang pháp lý về trái phiếu càng ngày càng chuẩn chỉnh. Chuyên gia TCBS nhận thấy cơ quan quản lý đã thể hiện sự nhạy bén khi có sửa đổi kịp thời trên thị trường, chẳng hạn quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đối với nhà đầu tư, cần xác định rủi ro của bản thân để lựa chọn đúng sản phẩm, cập nhật thông tin về trái phiếu doanh nghiệp để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc có thể ủy quyền đầu tư cho công ty quản lý quỹ, quỹ mở trái phiếu.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế