Trong tháng 9, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục xu hướng giảm với giá trị phát hành đạt 16.100 tỷ đồng, giảm 18% so với tháng trước và 76% so với cùng kỳ.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Ảnh: VBMA. |
Dù vậy, báo cáo của FiinRatings nhận định rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ở mức thấp. FiinRatings cho rằng các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin, tránh bán tháo và cắt lỗ khi chưa đánh giá được sức khỏe tài chính của họ.
Thị trường còn nhiều trái phiếu doanh nghiệp chất lượng thuộc các lĩnh vực sản xuất, bán lẻ. Với lợi thế không phụ thuộc vào chu kỳ, dư địa tăng trưởng lớn, lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp bán lẻ có thể coi là an toàn.
Mới đây, tập đoàn Masan vừa công bố chào bán ra công chúng 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Hai lô trái phiếu của Masan dự kiến được phát hành trong nửa đầu năm sau. Lãi suất trái phiếu được tính bằng mức bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng của 4 ngân hàng tham chiếu (BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MBBank) cộng 4,1%.
Trong văn bản công bố thông tin, Masan cho biết công ty đáp ứng đủ 9 điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng như quy mô vốn điều lệ, hiệu quả hoạt động kinh doanh năm liền trước (có lãi), không có lỗ tích lũy, không có các khoản nợ quá hạn.
Doanh nghiệp này cũng công khai các chỉ tiêu tài chính ba kỳ gần nhất đã được kiểm toán hoặc soát xét năm 2020, 2021 và nửa năm 2022.
Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các quy định, nghiên cứu thông tin về doanh nghiệp và trái phiếu phát hành trước khi quyết định đầu tư. |
Việc Masan phát hành ra công chúng và đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán hướng đến khắc phục khiếm khuyết của hình thức phát hành riêng lẻ. Minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành là điều kiện tiên quyết cho thị trường trái phiếu lành mạnh, khi nhà đầu tư tham gia đều được cung cấp đầy đủ thông tin và ý thức mức độ rủi ro của sản phẩm.
Với Masan, lợi thế nằm ở hồ sơ tín dụng đáng tin cậy, thanh khoản và dòng tiền tốt, hứa hẹn đủ khả năng thanh toán khoản vay đúng kỳ hạn. Trong báo cáo mới đây của IFR - thành viên Sở giao dịch Chứng khoán London - hồ sơ tín dụng của Masan được đánh giá là mạnh.
Minh chứng cho điều này là việc Masan thành công kêu gọi khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD từ gần 40 tổ chức tài chính quốc tế vào tháng 7, thể hiện năng lực tín dụng của doanh nghiệp trong thị trường tài chính biến động. Masan cũng thuộc số ít các doanh nghiệp trong nước đủ tiêu chuẩn gọi các khoản vay hợp vốn từ tổ chức tài chính nước ngoài.
Nguồn vốn mạnh và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh được công ty sử dụng hiệu quả, tái đầu tư để mở rộng hệ thống bán lẻ, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như các hoạt động M&A. Ở mảng bán lẻ, Masan ra mắt WINLife - mô hình tích hợp 30 cửa hàng WinMart+ được chuyển đổi thành các cửa hàng WIN - phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu: WinMart (nhu yếu phẩm), Techcombank (dịch vụ tài chính), Phúc Long (trà và cà phê), Dr. WIN (chăm sóc sức khỏe) và Reddi (dịch vụ viễn thông).
Mô hình mới này tăng xấp xỉ 20% doanh thu/m2 trong giai đoạn thí điểm so với trước khi chuyển đổi, chủ yếu do lưu lượng khách hàng tăng. Ban điều hành của Masan đặt mục tiêu mở 80-120 cửa hàng WIN vào cuối năm nay.
Thời gian tới, Masan sẽ tập trung mở mới hơn 300 cửa hàng trong quý IV, phát triển chương trình hội viên, ra mắt 23 sản phẩm nhãn hàng riêng. Hiện tập đoàn nắm giữ gần 50% thị phần kênh bán lẻ hiện đại với hơn 3.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Đối với nhóm hàng tiêu dùng nhanh, Masan chú trọng hoạt động R&D trong các ngành hàng chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi, tiếp tục đẩy mạnh đà tăng trưởng hiện tại của mảng đồ uống, cà phê và bia.
Sau khi mua lại chuỗi trà và cà phê Phúc Long, Masan đặt mục tiêu đưa thương hiệu này lên một tầm cao mới. Hệ thống này dự kiến khai trương thêm 30 cửa hàng flagship, xây dựng hệ thống vận hành và quy trình nhằm chuẩn bị cho việc siêu mở rộng quy mô trong năm 2023.