“Ở Milan, vùng ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19, các biện pháp phong tỏa khá lỏng lẻo. Tôi có thể thấy giao thông công cộng vẫn chạy, mọi người vẫn đang di chuyển, có nhóm người tụ tập ở khách sạn và không đeo khẩu trang”, phó chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc, Sun Shuopeng, cho biết tại một cuộc họp báo ở Milan ngày 19/3.
“Tôi không hiểu mọi người ở đây tư duy như thế nào. Chúng ta thực sự phải 'bỏ đi' các hoạt động kinh tế, tương tác xã hội thông thường. Chúng ta phải ở nhà... Việc hạn chế số ca tử vong xứng đáng để chúng ta dùng mọi biện pháp”, ông nói.
Quan điểm của ông Sun một lần nữa cho thấy sự khác biệt trong cách chống dịch giữa Trung Quốc và phương Tây.
Mọi người giơ ngón trỏ tán dương các y bác sĩ tình nguyện đã chiến đấu chóng dịch ở Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Số ca tử vong ở Italy đã vượt qua Trung Quốc. Italy ghi nhận số người chết cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào ngày 18/3, với 475 người chết, nhưng tốc độ gia tăng số ca tử vong đã chậm lại. Số người chết ngày 19/3 ở Italy là 427.
Trong khi đó, theo số liệu được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 20/3, Trung Quốc đại lục (không tính Hong Kong, Macao và Đài Loan) ghi nhận 39 ca nhiễm mới trong ngày 19/3, toàn bộ đều là người vừa nhập cảnh Trung Quốc. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca nhiễm mới phát sinh trong nước.
Trung Quốc cũng ghi nhận chỉ 3 ca tử vong trong ngày 19/3, mức thấp nhất theo ngày trong hai tháng qua tính từ ngày 21/1, hai ngày trước khi Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh.
Tính đến chiều 20/3, Italy đã có 41.035 ca nhiễm và 3.405 ca tử vong. Còn Trung Quốc có 80.967 ca nhiễm và 3.248 ca tử vong. Nếu so sánh dân số 60 triệu dân của Italy và 1,4 tỷ dân của Trung Quốc, có thể thấy Italy đang hứng chịu thương vong to lớn từ dịch Covid-19.