"Vấn đề lớn nhất là tình hình an ninh tại hiện trường và bảo vệ bằng chứng. Đây là điều phải thực hiện đầu tiên", ông Nick Stoss, cựu giám đốc điều tra tai nạn hàng không tại Cơ quan an toàn vận tải Mỹ nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông David Deas, cựu phát ngôn viên Bộ Giao thông Anh, trả lời trên CNN rằng: "Cơ quan an ninh phải nhanh chóng phong tỏa hiện trường. Bảo vệ an ninh hiện trường tai nạn là bước đi quan trọng đầu tiên mà các chính quyền phải thực hiện trong mọi cuộc điều tra" .
Tuy nhiên, hiện trường vụ rơi máy bay của Malaysia Airlines rộng lớn trở thành thách thức cho chính phủ Ukraina trong việc bảo đảm an ninh tại khu vực này. Các quan sát viên quốc tế gọi đây là "hiện trường tội ác lớn nhất thế giới".
Hiện trường tai nạn của chuyến bay MH17. Ảnh: Reuters |
Sau khi phong tỏa hiện trường, việc xử lý và dọn dẹp là quá trình tốn thời gian nhất. Vì quy mô rộng lớn tại khu vực tai nạn mà ông Tom Fuentes, nguyên trợ lý giám đốc FBI, cho rằng quá trình dọn dẹp và điều tra sẽ huy động "hàng trăm người trong vài tháng". "Họ cần nhiều xe tải lớn để chở thi thể nạn nhân. Sau đó chính quyền phải điều động xe tải, cần cẩu để dọn xác máy bay đến nơi để tái lắp ráp các mảnh vỡ, kiểm tra và xác định chính xác máy bay đã gặp tai nạn gì".
Ngày 19/7, cuộc họp giữa các quan chức Nga, Ukraina và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhất trí về việc thành lập một vùng an ninh gần 20 km2 xung quanh hiện trường tai nạn của chuyến bay MH17. Tuy nhiên, phe ly khai phủ nhận thông tin này và tuyên bố chưa có thỏa thuận như vậy.
Thủ tướng Australia Tony Abbott ngày 20/7 đã bày tỏ lo ngại khi hiện trường "hoàn toàn hỗn loạn" tại nơi rơi máy bay ở Ukraina và tình trạng "không ai có thẩm quyền" trên mặt đất do phe ly khai đang kiểm soát khu vực miền đông.