Chiều 4/7, Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo Hwasong-14. Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên KCTV cho biết tên lửa bay trên không trung gần 40 phút, đạt độ cao 2.802 km và đi được quãng đường 933 km.
Người dẫn chương trình KCTV tự hào tuyên bố Bình Nhưỡng đã đạt được tham vọng ấp ủ hàng thập kỷ qua với vụ phóng tên lửa ngày 4/7. Bình Nhưỡng khẳng định đây là vụ thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên.
Tương tự lần phóng tháng 5
Theo CNN, dữ liệu phóng đang được phân tích nhưng một số nhà nghiên cứu chỉ ra những điểm giống nhau so với lần phóng tên lửa Hwasong-12 trong tháng 5. Tên lửa Hwasong-12 khi đó đạt độ cao 2.100 km và bay được quãng đường 787 km, với thời gian 30 phút.
Ông Kim Dong-yub, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định tên lửa mới có thể đạt tầm bắn 4.500 km nếu phóng ở quỹ đạo thông thường.
Chuyên gia David Wright, giám đốc chương trình An ninh Toàn cầu, cho rằng nếu báo cáo về độ cao và thời gian bay là chính xác, tên lửa này có thể đạt tầm bắn 6.700 km.
Một loại tên lửa chưa rõ định danh mà Triều Tiên khoe trong cuộc diễu binh ngày 15/4. Ảnh: CNN. |
Một số nhà phân tích khác cho rằng thời gian bay của lần phóng này kéo dài hơn lần trước, Bình Nhưỡng dường như đang cố gắng thử nghiệm quỹ đạo siêu cao, nhằm đưa tên lửa ra ngoài bầu khí quyển trái đất và quay ngược trở lại.
Melissa Hanham, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí James Martin, cho biết Triều Tiên có thể đang thử nghiệm động cơ mới cho gia đình tên lửa Hwasong.
“40 phút là thời gian bay rất dài, nếu thực hiện theo quỹ đạo thông thường Hwasong-14 có thể trở thành một ICBM. Tuy nhiên, thời gian bay kéo dài có thể do quỹ đạo bay không ổn định”, bà Hanham nói.
Bà cho biết thêm, việc phóng tên lửa đúng ngày 4/7 có thể là một phần trong động cơ chính trị của Bình Nhưỡng nhưng dường như là một khó khăn về kỹ thuật.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết đã theo dõi quá trình phóng trong thời gian 37 phút và mô tả nó là một tên lửa đạn đạo tầm trung. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) đánh giá vụ phóng tên lửa không gây ra mối đe dọa cho Bắc Mỹ.
Khó thử nghiệm ICBM
Hiện tại, thông tin về tên lửa Hwasong-14 khá mơ hồ. Một số nguồn tin không chính thức nói rằng Hwasong-14 còn gọi là KN-14, một phiên bản phát triển từ KN-08.
Trong cuộc diễu binh vào ngày 15/4 vừa qua, Bình Nhưỡng đã công bố 2 loại tên lửa đạn đạo mới có kích thước đồ sộ đặt trên xe chuyên dụng.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12. Ảnh: CNN. |
Một loại có hình dáng bên ngoài rất giống tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga, tên lửa còn lại giống DF-31A của Trung Quốc. Người ta chưa thể xác định Hwasong-14 có phải là một trong hai loại tên lửa mới đó hay không.
Mặt khác, Triều Tiên rất khó để thử nghiệm một ICBM đúng nghĩa. Nếu Bình Nhưỡng muốn bắn thử một ICBM ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tên lửa buộc phải bay qua Nhật Bản, điều này có thể trở thành hành động tuyên chiến đối với Tokyo và Mỹ.
Nếu hướng tên lửa về phía nam sẽ phải bay qua Hàn Quốc, đây cũng có thể là hành động gây chiến với Seoul. Do đó, Bình Nhưỡng buộc phải phóng tên lửa lên rất cao, từ đó tính toán tầm bắn.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi quỹ đạo bay đòi hỏi phải được thử nghiệm thực tế vì nó liên quan đến hệ thống dẫn hướng, từ kết quả thử nghiệm người ta mới có thể hiệu chỉnh tham số để tên lửa chính xác hơn.