Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia quốc tế góp ý gì với Thủ tướng về chiến lược phát triển?

Các chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển. Đó cũng là cách ứng phó với biến động trên thế giới.

Tại Diễn đàn cải cách và phát triển được tổ chức ngày 19/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mời 12 chuyên gia uy tín nước ngoài để tham vấn, đối thoại, góp ý chiến lược phát triển cho Việt Nam trong thập kỷ tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng diễn đàn là “đầu vào” quan trọng giúp Việt Nam xây dựng chiến lược 2021-2030 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025.

Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Viện Brookings (Mỹ), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam trong thời gian tới, trong đó đa phần nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo và giáo dục.

Dựa vào dịch vụ và đổi mới sáng tạo

Tiến sĩ David Dollars, nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Brookings (Mỹ), nhấn mạnh việc sản xuất hàng hóa đơn thuần không còn phù hợp với các xu hướng trên thế giới. Ông cho rằng Việt Nam khó có thể tìm thấy nhiều cơ hội và phát triển nhanh nếu chỉ dựa vào các ngành sản xuất.

Ông đánh giá hơn một nửa những giá trị gia tăng trên thế giới đang tập trung ở các ngành dịch vụ như truyền thông, tài chính, bán các sản phẩm thông minh, giao thông vận tải, logistics…

dien dan cai cach va phat trien anh 1
Tiến sĩ David Dollars, nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Brookings (Mỹ). Ảnh: MPI.

Do đó, tiến sĩ David Dollars khuyến nghị Việt Nam nên tập trung cải thiện năng suất của nền kinh tế bằng cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngành sản xuất và liên kết với dịch vụ.

“Việt Nam là nền kinh tế hết sức cởi mở, tuy nhiên những ngành như truyền thông, tài chính, dịch vụ nói chung chưa tập trung lắm mà chỉ tập trung vào sản xuất. Do đó cần kết hợp 2 yếu tố này với nhau để đẩy mạnh và phát triển”, ông chia sẻ.

Tiến sĩ David Dollars cũng cho rằng Việt Nam nên tạo điều kiện thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, làm “xương sống” cho nền kinh tế. “Hiện tại doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ, trung bình. Nhưng đây lại là lực lượng tạo ra nhiều công ăn việc làm và phát triển năng động”, ông nói.

Bà Mari Elka Pangestu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cũng đồng quan điểm rằng dịch vụ đang chiếm ưu thế nhiều hơn sản xuất. Kinh tế dựa vào dịch vụ sẽ là chiến lược quan trọng giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ phát triển.

dien dan cai cach va phat trien anh 2

Ông K. Yogeesvaran, nguyên trưởng nhóm soạn thảo chiến lược 2016-2020 của Malaysia, cho rằng Việt Nam nên tập trung vào đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động. Có như vậy mới tận dụng được thời kỳ dân số vàng và vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình.

Để tăng năng suất và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thì phải giải quyết được ở các cấp độ khác nhau như tầm quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Trong đó, ông K. Yogeesvaran nhấn mạnh đến cấp độ doanh nghiệp.

“Cấp độ doanh nghiệp là quan trọng nhất để đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và tăng năng suất. Khi đó cần ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông nói.

“Thế giới biến động khó lường, đầu tư tốt nhất là cho con người”

Tiến sĩ Penelopi Goldberg, Phó chủ tịch cao cấp, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết bối cảnh thế giới hiện tại rất khó lường. Bà cho rằng căng thẳng thương mại giữa các nước lớn ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai thế giới và cả Việt Nam. Do đó, việc xác định chiến lược trong những năm tới là rất khó khăn.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh dù thế giới có biến động thế nào thì điều kiện tiên quyết để phát triển vẫn là giáo dục đào tạo, nhân lực chất lượng cao. Do đó, phó chủ tịch cao cấp WB kêu gọi Việt Nam đẩy mạnh cho giáo dục và đào tạo.

dien dan cai cach va phat trien anh 3
Tiến sĩ Penelopi Goldberg, Phó chủ tịch cao cấp, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới (WB). Ảnh: MPI.

“Tương lai thế giới biến động khó lường. Trong lúc đó, cái chắc chắn nhất, tốt nhất mà Việt Nam cần làm là đầu tư vào con người, cho giáo dục và đào tạo”, bà chia sẻ.

Theo tiến sĩ Penelopi Goldberg, con người là điều kiện tiên quyết cho phát triển. Một quốc gia muốn có thu nhập cao đều phải có chất lượng nhân lực cao. Do đó, Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyên gia từ WB nhấn mạnh Việt Nam rất thành công trong giáo dục trung học phổ thông nhưng giáo dục đại học thiếu đầu tư và kết quả. Do đó, muốn dịch chuyển lên nấc thang cao hơn, Việt Nam cần đầu tư hơn vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đồng quan điểm, ông K. Yogeesvaran cho rằng chỉ có giáo dục đào tạo mới giúp Việt Nam đẩy nhanh đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Khi đó, thời kỳ dân số vàng được tận dụng và mang lại thịnh vượng.

dien dan cai cach va phat trien anh 4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia quốc tế tại diễn đàn. Ảnh: MPI.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP.HCM, đánh giá học sinh Việt Nam rất tài năng ở bậc phổ thông, giành nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc tế. Thậm chí, điểm SAT của học sinh Việt Nam rất cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, “điểm nghẽn” lại nằm ở giáo dục đại học.

Theo đó, giáo dục bậc đại học Việt Nam đang hạn chế, không hiệu quả. Ông khuyến nghị cần đổi mới giáo dục đại học và dạy nghề, từ đó giúp nâng cao trình độ của nguồn nhân lực, điều kiện hàng đầu để đất nước phát triển và thịnh vượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Diễn đàn cải cách và phát triển cung cấp đầu vào giúp Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Ông đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, từ đó tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam.

“Khuyến nghị sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển 2021-2030 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao”, ông nói.

‘Việt Nam phải tiến lên những nấc thang có giá trị gia tăng cao hơn’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam cần thực hiện những hành động mạnh mẽ để đạt được mục tiêu thịnh vượng. Doanh nghiệp Việt cần tiến lên nấc thang cao hơn về giá trị.




Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm