Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin hôm 7/4 bất ngờ chứng kiến mức giảm 4,25% so với 24 giờ trước đó xuống còn 43.400 USD/đồng. Trong vòng 7 ngày qua, giá đã sụt giảm hơn 8%.
Như vậy, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã rơi khỏi ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng. So với đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập cách đây 5 tháng, Bitcoin đã sụt giá 36,71%.
"Giá Bitcoin quay đầu lao dốc sau khi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. Đà tăng của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã mất nhiệt lượng", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) tại UK & EMEA OANDA nhận định với Zing.
Khẩu vị rủi ro là thuật ngữ chỉ quan điểm, mức chấp nhận của mỗi cá nhân, tổ chức về mức độ xuất hiện rủi ro trong việc đầu tư.
Giá Bitcoin rơi khỏi ngưỡng quan trọng 45.000 USD/đồng hôm 7/4. Ảnh: CoinMarketCap. |
Sức ép lớn
"Động lực tăng giá bị triệt tiêu khiến Bitcoin quay trở về dưới ngưỡng giá 45.000 USD/đồng. Điều này có thể khiến giá Bitcoin chịu áp lực hơn nữa trong thời gian tới", vị chuyên gia nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Erlam, trong dài hạn, loại tiền mã hóa này vẫn có thể nhận được khá nhiều hỗ trợ và trở lại đà tăng giá.
Còn theo chuyên gia Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) tại hãng tư vấn OANDA, Bitcoin đang được giao dịch như một loại tài sản rủi ro. "Do đó, giá quay đầu lao dốc khi lãi suất kho bạc tăng lên", ông giải thích.
Động lực tăng giá bị triệt tiêu khiến Bitcoin quay trở về dưới ngưỡng giá 45.000 USD/đồng. Điều này có thể khiến giá Bitcoin chịu áp lực hơn nữa trong thời gian tới
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London)
Giống như những loại tài sản rủi ro khác, giá Bitcoin tăng phi mã sau khi các chính phủ trên toàn thế giới hạ lãi suất, thậm chí xuống mức âm, để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch.
Lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí cơ hội của các loại tài sản rủi ro giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư mua vào.
Dòng tiền do đó đổ vào những tài sản như cổ phiếu và tiền mã hóa. Nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến chi phí cơ hội tăng cao, làm giảm lợi nhuận của những tài sản rủi ro.
"Cùng với đà giảm của các loại tài sản rủi ro khác, giá Bitcoin lao dốc sau khi FED ra tín hiệu mạnh tay kiểm soát lạm phát", ông Moya giải thích.
Các thị trường đỏ lửa sau khi bà Lael Brainard - một thống đốc của FED - phát tín hiệu ủng hộ việc nâng lãi suất và nói rằng việc giảm nhanh bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu ngay trong tháng 5.
“Kéo lạm phát đi xuống là việc rất quan trọng vào lúc này”, bà Brainard phát biểu tại một hội thảo trực tuyến của chi nhánh Minneapolis của FED.
Cùng ngày, một quan chức FED khác cũng khiến thị trường lo ngại. Bà Mary Daly tại chi nhánh San Francisco của FED cam kết nâng lãi suất và bày tỏ nỗi lo ngại về lạm phát. Bà cho rằng mối nguy từ lạm phát cũng đáng lo không kém vấn đề thất nghiệp.
Điều này cho thấy FED có thể sẵn sàng tạm gác mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp để tập trung vào đối phó với lạm phát. "Giá Bitcoin có thể lao dốc xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng. Mức hỗ trợ của đồng tiền này là 38.000 USD/đồng", ông Moya dự báo.
Triển vọng dài hạn
Tuy nhiên, ông cho rằng một số yếu tố vẫn hỗ trợ Bitcoin. Vị chuyên gia chỉ ra các bình luận mới của bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Bà nhận định tiền mã hóa có thể là một công cụ giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây. Nhưng Washington có nhiều quyền hạn trong lĩnh vực này. "Do đó, đến nay, vẫn chưa ghi nhận bất cứ giao dịch lớn nào nhằm lách lệnh trừng phạt được thực hiện qua tiền mã hóa", bà nói thêm.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm hạn chế khả năng kinh doanh và giao dịch của Nga bằng đồng USD và những loại tiền tệ quốc tế khác. Các lệnh trừng phạt nhắm vào những ngân hàng lớn và giới thượng lưu của đất nước.
Điều đó dẫn đến những suy đoán rằng giới nhà giàu Nga có thể dùng tiền mã hóa để lách các đòn trừng phạt quốc tế. Tiền mã hóa thường được biết đến như một giải pháp thay thế những hệ thống tài chính truyền thống.
Bitcoin mất sức hút sau khi FED tìm cách siết chặt các chính sách để kiểm soát lạm phát. Ảnh: CoinMarketCap. |
Thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Fabio Panetta từng cho rằng tiền mã hóa có thể tạo ra một "lỗ hổng lớn" của hệ thống tài chính.
"Nguy cơ lạm dụng tiền mã hóa để lách các lệnh trừng phạt là một lời cảnh báo quan trọng. Nó cho thấy các thị trường cần phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất, bao gồm việc tiết lộ thông tin và chống rửa tiền", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, điều này có thể đi ngược lại với mục đích ban đầu của tiền mã hóa, vốn có tính ẩn danh cao và không cần giao dịch thông qua bất cứ tổ chức tài chính trung gian nào.
"Với những bình luận mới nhất của bà Yellen, thị trường tiền mã hóa có thể tạm bỏ qua mối lo ngại về các quy định mới", ông Moya tại OANDA nói với Zing.