Chuyên gia quân sự Việt Nam nói về nguy cơ chiến tranh Triều Tiên
Đại tá Lê Thế Mẫu nói về chiến lược quân sự và ý đồ thực sự của Triều Tiên sau những tuyên bố chiến tranh vừa qua.
Đại tá Lê Thế Mẫu. |
Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự, Viện Chiến lược Quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) trao đổi về kịch bản chiến tranh Triều Tiên.
Ông Mẫu nói: "Mỹ và Hàn Quốc cùng với NATO khó có thể nhanh chóng tiêu diệt được tiềm lực quân sự của Triều Tiên do Bình Nhưỡng đã có chiến lược cất giấu và bảo vệ các công trình quân sự trong hệ thống hầm ngầm khá kiên cố.
Nếu chiến tranh xảy ra, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mất rất nhiều: cả hai đều bị tàn phá; người dân Triều Tiên sẽ lâm vào tình cảnh chết chóc, đau thương; còn lâu mới có thể có được một đất nước thống nhất mà cả hai miền đều mong muốn".
- Thưa ông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua được các hãng thông tấn quốc tế cho là dâng cao chưa từng có. Ông có cho rằng Bình Nhưỡng sẽ gây chiến?
- Nếu căn cứ vào dư luận báo chí trong mấy ngày qua, dường như chiến tranh sắp nổ ra trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, nếu chú ý phân tích nội dung tuyên bố phát đi từ Bình Nhưỡng thì không hẳn như vậy.
Trên thực thế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tuyên bố rằng Triều Tiên đã “chuyển sang tình trạng thời chiến”, chứ không phải là “tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc như một số phương tiện truyền thông đưa tin. Hai phạm trù này có mức độ khác nhau.
Lực lượng tên lửa Triều Tiên - Ảnh: Chinamil |
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un còn tuyên bố rằng “Triều Tiên sẽ tấn công đổi phương trong trường hợp bị khiêu khích”.
Vậy, nếu Mỹ và Hàn Quốc không có bất cứ hành động khiêu khích nào thì Triều Tiên cũng sẽ không gây chiến.
Còn một chi tiết cũng rất đáng chú ý nữa là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un còn tuyên bố “sẽ sử dụng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ”.
Thực tế, Triều Tiên chưa có tên lửa có đủ tầm bắn đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, lại cũng chưa có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vì họ chỉ mới thử nghiệm đầu nổ hạt nhân mà cũng chưa hoàn thiện. Từ đây đến chỗ chế tạo tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân còn là một quãng đường xa.
Vì thế, khả năng Triều Tiên chủ động gây chiến tranh là rất thấp, mà tuyên bố của họ có lẽ chỉ nhằm mục đích đe dọa.
- Nếu chiến tranh xảy ra, ông đánh giá thế nào về tiềm lực quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, cuộc chiến sẽ có kịch bản nào?
- Theo tôi, cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc và Mỹ đều không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh lớn nữa trên bán đảo này.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh, vì lý do này hay lý do khác, phải xảy ra thì tiềm lực quân sự của hai bên quá khác nhau.
Xét về lượng, Triều Tiên chiếm ưu thế vượt trội. Thí dụ, Quân đội Nhân dân Triều Tiên hiện có khoảng 1,1 triệu binh sĩ, đông gần gấp đôi so với quân số của Hàn Quốc (640.000 binh sĩ), càng đông hơn rất nhiều so với số binh sĩ Mỹ đóng tạị Hàn Quốc (khoảng 28.000 người).
Triều Tiên hiện có hơn 1 triệu binh lính - Ảnh: Chinamil |
Số lượng vũ khí (máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa mặt đất và phòng không...) của Triều Tiên cũng nhiều hơn so với của Hàn Quốc.
Còn xét về chất, Hàn Quốc chiếm ưu thế. Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc thành thạo với loại hình chiến tranh công nghệ cao vì họ đã từng được huấn luyện và diễn tập quân sự với Mỹ theo phương thức tác chiến liên hợp. Quân đội Triều Tiên chưa thích nghi với loại hình tác chiến này.
Nếu chiến tranh xảy ra thì đây sẽ là loại hình chiến tranh công nghệ cao vì có yếu tố Mỹ, tương tự như chiến tranh Cosovo năm 1999 giữa NATO và Nam Tư; hoặc giữa Mỹ và Iraq trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990 và chiến tranh Iraq năm 2003, trong đó các bên sẽ sử dụng vũ khí điều khiển chính xác cao là chủ yếu để tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ của đối phương.
Binh lính Triều Tiên trong một cuộc tập trận - Ảnh: Sina |
Hơn nữa, nếu chiến tranh nổ ra, NATO sẽ can dự về phía Mỹ căn cứ vào Điều 5 của Hiệp ước thành lập liên minh quân sự này, theo đó một thành viên nào của NATO bị tiến công cũng đồng nghĩa với việc cả liên minh này bị tiến công.
Tuy nhiên, cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, nếu nổ ra, kịch bản sẽ không giống với bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà chúng ta đã từng biết đến trong những năm gần đây như chiến tranh Vùng Vịnh (1990), chiến tranh Cosovo (1999), chiến tranh Afghanistan (2001), chiến tranh Iraq (2003) hay chiến tranh Libya (2011).
Đối thủ của Mỹ và NATO sẽ hoàn toàn khác. Đây sẽ là cuộc chiến tàn khốc và quyết liệt chưa từng có với hậu quả không ai có thể lường trước được.
- Báo chí Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên sẽ mau chóng thất bại trước không quân Mỹ như trong cuộc chiến ở Iraq, ông nhận xét gì về điều này?
- Nếu cuộc chiến nổ ra theo kịch bản chiến tranh công nghệ cao, Triều Tiên khó có khả năng đương đầu với sức mạnh quân sự của Liên quân do Mỹ đứng đầu vì cuộc chiến này của Mỹ không nhằm mục đích đánh chiếm lãnh thổ mà là tàn phá tiềm lực quân sự và kinh tế, tạo điều kiện cho các lực lượng đối lập nổi lên lật đổ chính phủ cầm quyền.
Quân đội Triều Tiên - Ảnh: CRI |
Theo kịch bản này, Mỹ và Hàn Quốc có nhiều ưu thế vì họ được trang bị nhiều loại vũ khí điều khiển chính xác cao.
Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cùng với NATO cũng khó có thể nhanh chóng tiêu diệt được tiềm lực quân sự của Triều Tiên do Bình Nhưỡng đã có chiến lược cất giấu và bảo vệ các công trình quân sự trong hệ thống hầm ngầm khá kiên cố.
- Lần nào liên quân Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên cũng đưa ra tuyên bố gay gắt. Nhưng lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có mục đích gì với những hành động tập trận trả đũa và tuyên bố chiến tranh?
- Theo tôi, lần này nhà lãnh đạo Kim Jong-un làm to chuyện nhằm nhiều mục đích.
Một là, gửi thông điệp để cho Washington biết rằng Bình Nhưỡng rất mạnh, được người dân trong nước đoàn kết và ủng hộ, nên Mỹ không thể áp dụng kịch bản “mùa xuân Arab” để thay đổi chế độ cầm quyền ở Triều Tiên.
Chúng ta biết rằng, Triều Tiên đã từng “được” Washington liệt vào danh sách “trục liên minh ma quỷ” như Iraq, Syria, Libya, Venezuela hay Iran, cần loại bỏ chế độ cầm quyền.
Hiện nay Mỹ đã giải quyết xong vấn đề Iraq và Libya, đang giải quyết vấn đề Syria và sắp tới sẽ là Iran. Vừa qua, Mỹ cũng đã từng có ý định áp dụng kịch bản “mùa xuân Arab” ở Venezuela nhưng không thành.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp bàn cùng tướng lĩnh Triều Tiên - Ảnh: Dailymail |
Hai là, nâng cao vị thế của một nhà lãnh đạo tuy còn trẻ như có đủ uy là lực để điều hành đất nước mà biểu hiện rõ nhất là dám thách thức cả Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từng ngỏ ý muốn điện đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng đã bị ông chủ Nhà Trắng từ chối. Điều này đã chạm lòng tự ái của ông Kim Jong-un.
Ba là, buộc Mỹ và các bên trong cuộc đàm phán 6 bên phải nhân nhượng Triều Tiên trong các cuộc gặp sắp tới, kể cả các cuộc đàm phán với Hàn Quốc về quan hệ Liên Triều sau khi Hàn Quốc có Tổng thống mới.
- Một số trang mạng xã hội Hàn Quốc nói người dân nước này không quan tâm lắm tới thông điệp cứng rắn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông có cho rằng các động thái Triều Tiên những ngày qua chỉ nhằm mục đích có lợi trên bàn đàm phán với Hàn Quốc?
- Hành động có phần thái quá của Triều Tiên không chỉ nhằm tạo lợi thế cho họ trên bàn đàm phán với Hàn Quốc, mà còn nhằm các mục đích khác như tạo dựng uy phong cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, tạo sự đoàn kết dân tộc Triều Tiên xung quanh nhà lãnh đạo mới, và răn đe Mỹ.
Tuy nhiên, phân tích hành động của Triều Tiên vừa qua, có thể thấy, bằng cách làm này, Triều Tiên khó đạt được những mục đích đề ra.
- Trung Quốc và Nga sẽ có phản ứng thế nào trong trường hợp chiến tranh nổ ra? Ông có cho rằng Trung Quốc sẽ lại thực hiện chính sách “Kháng Mỹ, viện Triều” như những năm 50 của thế kỷ trước?
Trong trường hợp chiến tranh nổ ra, Nga sẽ có phản ứng trung lập, không đứng về bất cứ bên nào, chừng nào cuộc chiến đó chưa ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Nga và Moscow sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực hạn chế không để chiến tranh lan rộng, vì điều đó đáp ứng lợi ích của tất cả các bên.
Còn Trung Quốc khó có thể thực hiện chính sách “kháng Mỹ, viện Triều” như những năm 50 của thế kỷ trước bởi thế giới ngày nay đã khác căn bản so với thời gian đó. Ngày nay, Trung Quốc vừa là đồng minh của Triều Tiên, lại vừa là đối tác làm ăn với Hàn Quốc và Mỹ.
- Là đồng minh lớn nhất của Bình Nhưỡng và là quốc gia có chân trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, theo ông, Bắc Kinh sẽ thực hiện chính sách gì trong những ngày tới để hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên?
- Theo các tuyên bố chính thức từ Bắc Kinh, chính sách của Trung Quốc trong những ngày tới là sẽ thông qua các biện pháp ngoại giao nhằm hạn chế hành động đe doạ của Triều Tiên.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã từng nhấn mạnh: “Hoà bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á đều phục vụ lợi ích chung, vì vậy các bên liên quan nên cùng nỗ lực để giảm căng thẳng”.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm một đơn vị quân đội Triều Tiên - Ảnh: Chinanews |
Không loại trừ khả năng, Trung Quốc sẽ phối hợp với Nga và Mỹ tìm cách “tháo ngòi” cho tình hình căng thẳng thái quá hiện nay.
Tuy nhiên, theo một luồng tư duy khác, Trung Quốc cũng muốn Triều Tiên làm to chuyện để đe dọa Mỹ và Nhật Bản.
Sau khi đã đạt được mục đích "nắn gân" đối phương, cả Triều Tiên và Trung Quốc sẽ cùng nhau "xuống thang".
- Thưa ông, việc Mỹ tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở bờ biển phía Tây nước này được một số trang mạng xã hội Trung Quốc cho là với mục đích phòng thủ tên lửa phóng từ Bắc Kinh chứ không phải từ Bình Nhưỡng. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Trung Quốc khó có thể thực hiện chính sách “kháng Mỹ, viện Triều” như những năm 50 của thế kỷ trước bởi thế giới ngày nay đã khác căn bản so với thời gian đó. |
- Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Bắc Á nói riêng và ở Châu Á-Thái Bình Dương nói chung là các thành phần của hệ thống phòng thủ chung toàn cầu của Mỹ.
Nó gắn kết với các thành phần bố trí ở châu Âu và Trung Đông, bao gồm 4 tuyến bố trí trên mặt đất, trên biển, trên không và trong vũ trụ, nhằm vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga và Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực nếu xảy ra trong tương lai.
Cho nên, việc Mỹ tuyên bố rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Bắc Á nhằm đánh chặn tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, hay lá chắn tên lửa ở châu Âu là nhằm vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân của Iran, chỉ là cách giải thích dành cho những người không quan tâm tới chuyện quân sự, khiến những người đóng thuế ở Mỹ ủng hộ cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém của Mỹ.
Đó là lý do vì sao Mỹ luôn làm to chuyện về “nguy cơ chiến tranh hạt nhân” từ phía Iran hay Triều Tiên.
- Với việc đưa quân đội đến diễn tập ở Nhật Bản và Hàn Quốc, một số mạng xã hội Trung Quốc nói Mỹ ngày càng có cớ đưa quân đến sát Trung Quốc. Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng Trung Quốc không hề muốn điều đó và sẽ tìm mọi cách ngăn chặn đồng minh Triều Tiên trước khi mọi việc đi quá xa?
- Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về hiện tượng cực ký phức tạp này. Một luồng ý kiến cho rằng, việc Triều Tiên tuyên bố đưa đất nước vào tình trạng chiến tranh với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ có lợi cho hai đối tượng.
Một là, có lợi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với những mục đích như tôi đã phân tích ở trên.
Trung Quốc cũng muốn Triều Tiên làm to chuyện để đe dọa Mỹ và Nhật Bản. Sau khi đã đạt được mục đích "nắn gân" đối phương, cả Triều Tiên và Trung Quốc sẽ cùng nhau "xuống thang". |
Hai là, có lợi cho Mỹ. Việc Triều Tiên làm to chuyện Mỹ tạo điều kiện cho Mỹ nhận được sử ủng hộ của những người đóng thuế ở Mỹ để nhanh chóng thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu tới Châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng tuyên bố ngày 05/01/2012, trong đó có gia tăng lực lượng quân sự và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á.
Vì thế, Trung Quốc tìm mọi cách giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên theo sách lược “rút củi dưới đáy nồi” trong Binh pháp Tôn Tử.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, động thái của Triều Tiên đe dọa chiến tranh nhằm vào Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản là có lợi cho Trung Quốc, nên thực chất là nhằm đe dọa Nhật Bản vốn đang tranh chấp quyết liệt với Bắc Kinh về chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Sự thật ở đâu, chỉ có thực tế mới có thể chứng minh được. Đây cũng là một trong những đặc điểm của cục diện chính trị quốc tế hiện nay, khi mà lợi ích các bên đan xen chằng chịt trong một mê cung vô cùng rắc rối và khó phân biệt theo kiểu trong đối tượng có đối tác và trong đối tác có đối tượng.
Theo VTC News