Tiêm kích tàng hình F-35 (trước) và F-22 của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF |
Tạp chí National Interest cho biết, gần đây, truyền thông Nga đã đăng bài phân tích của một cựu quan chức cấp cao quân đội Nga cho rằng, công nghệ tàng hình là vô dụng. Những tiêm kích tàng hình như F-22, F-35 của Mỹ dễ bị vô hiệu hóa bởi các hệ thống phòng không tiên tiến như S-300, S-400 do Nga sản xuất.
Đại tướng Igor Maltsev, cựu tham mưu trưởng lực lượng phòng không Nga nói với báo Gazeta rằng, công nghệ tàng hình là “điều tưởng tượng được viết lên giấy”.
Michael Kofman, nhà phân tích làm việc tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) cho rằng, tuyên bố của cựu quan chức Nga có vẻ mâu thuẫn với chương trình phát triển tiêm kích tàng hình của nước này. Thực tế, Moscow đang chi hàng chục tỷ USD vào chương trình PAK FA T-50, máy bay ném bom tàng hình PAK DA, tên lửa hành trình tàng hình Kh-101, 102.
Đây là những chương trình cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh không quân Nga và duy trì năng lực răn đe hạt nhân chiến lược của Moscow.
“Chắc chắn rằng, họ không đơn giản chỉ là cạnh tranh với chương trình JSF của Mỹ. Nếu công nghệ tàng hình vô dụng, tại sao Moscow lại chi hàng tỷ USD cho nó”, ông Kofman nói với National Interest.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Mỹ. Ảnh: USAF |
Người Nga cho rằng, công nghệ tàng hình chỉ có tác dụng đối với các radar tần số cao. Do đó, họ có thể thay thế các radar điều khiển hỏa lực tần số cao, hoạt động ở băng tần C, X và Ku để khởi động tên lửa tấn công F-22, F-35.
Lựa chọn khác có thể sử dụng hệ thống dẫn hướng quang học, hồng ngoại để tiêu diệt các máy bay tàng hình. Khi đó, công nghệ tàng hình áp dụng trên các máy bay này sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên, hệ thống dẫn hướng quang học, hồng ngoại chỉ có thể áp dụng cho tên lửa phòng không tầm thấp. Các hệ thống phòng không tầm xa buộc phải sử dụng radar để tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực.
Ông Kofman cho rằng, Nga có thể sử dụng radar tần số thấp để dẫn hướng cho tên lửa, kết hợp với bộ cảm biến quang-hồng ngoại giai đoạn cuối để tấn công máy bay tàng hình. Tuy nhiên các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, công nghệ dẫn hướng này có thể khắc chế bằng cách thay đổi chiến thuật.
Bên cạnh đó, khi tác chiến, các máy bay Mỹ không đơn độc mà thường được bảo vệ bởi các máy bay tác chiến điện tử đi cùng có thể tê liệt khả năng bám bắt mục tiêu của radar. Ngoài ra, việc lắp một ăng ten VHF vào bên trong tên lửa là điều chưa ai làm.
Đại tá Michael Pietrucha, cựu sĩ quan tác chiến điện tử, Không quân Mỹ người đã đưa ra lý thuyết sử dụng radar tần số thấp, băng tần UHF, VHF, kết hợp với tên lửa có bán kính sát thương lớn để tấn công máy bay tàng hình.
Nhưng một số chuyên gia về công nghệ tàng hình của Không quân Mỹ cho biết, ý tưởng của ông Pietrucha có thể chỉ đúng về mặt lý thuyết, nó có thể không hiệu quả trong thực tế.
Ngoài ra, việc Nga đang đẩy nhanh tốc độ và ưu tiên cho chương trình tiêm kích tàng hình PAK FA T-50 cho thấy, tuyên bố của cựu sĩ quan phòng không Nga có thể không chính xác.