Theo Chung Nam Sơn - một trong những chuyên gia về hô hấp hàng đầu Trung Quốc và là cố vấn chính sách Covid-19 của chính phủ, để tiến tới sống chung với dịch, Trung Quốc cần kiểm soát tỷ lệ tử vong ở mức 0,1%. Ngoài ra, hệ số lây nhiễm trong cộng đồng R - hệ số chỉ ra một người bị nhiễm có thể lây cho bao nhiêu người khác - phải giữ ở mức 1 đến 1,5.
“Việc đưa ra những tiêu chí này dựa trên quá trình tiến hành tiêm chủng hàng loạt, thiết lập khả năng miễn dịch cộng đồng, biến việc kiểm soát dịch thành điều bình thường và phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả”, ông Chung nói tại Diễn đàn Thị trưởng Toàn cầu năm 2021 ở Quảng Châu, South China Morning Post đưa tin ngày 12/11.
Ông chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong thấp - chỉ 0,1% - của Trung Quốc đạt được hiện tại là do tỷ lệ lây nhiễm trong nước rất thấp.
“Tỷ lệ tử vong hiện tại của chúng tôi đạt được trong điều kiện đặc biệt. Điều này chưa được kiểm nghiệm trong tình huống sống chung với dịch", ông nói.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu là khoảng 2%, giảm so với 2,2% vào đầu năm nay.
Dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia hôm 12/11 cho biết Trung Quốc hiện đã tiêm được hơn 2,36 tỷ liều vaccine phòng Covid-19.
Ông Chung Nam Sơn - chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Trước đó, ông Chung nhấn mạnh Trung Quốc mở cửa trở lại phụ thuộc vào mức độ kiểm soát đại dịch trên thế giới. Tuy nhiên, số ca bệnh đang gia tăng trên toàn cầu trong thời gian gần đây, khi nhiều quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á chuyển sang chiến lược “sống chung với virus”.
Theo ông Chung, cần mất tới 2-3 năm hợp tác trên toàn cầu để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng toàn thế giới.
Tuy nhiên, Jin Dong-yan - nhà virus học và là giáo sư Khoa học y sinh của Đại học Hong Kong - vẫn nghi ngờ khả năng các tiêu chí do ông Chung đề xuất có thể thành hiện thực, dù ở Trung Quốc đại lục hay ở Hong Kong.
Vaccine Covid-19 hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong, nhưng không có nhiều khả năng ngăn chặn sự lây truyền của virus. Một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân.
Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao đã đạt được tiêu chí tỷ lệ tử vong thấp mà ông Chung đề cập, theo ông Jin.
"Tỷ lệ tử vong do biến chủng Delta đối với những người đã tiêm chủng ở Anh rất thấp, khoảng 0,14-0,18%", ông Jin nói.
Con số này ở Hong Kong và Singapore, nơi có tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 66% và 85% dân số, cũng thấp.
Tuy nhiên, ông Jin cũng chỉ ra rằng dữ liệu từ Trung Quốc đại lục rất khó tính toán vì có nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đồng thời dịch bệnh ở đây cũng ít bùng phát hơn nhiều so với các nước khác.