Hình ảnh về những vụ hành quyết man rợ của IS gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ em. Ảnh: Telegraph. |
"Chúng ta sẽ chặt đầu trẻ em, phụ nữ và người già", một cậu bé trong nhóm trẻ tại thành phố El Mahalla, Ai Cập, nói. Đó là nội dung của một trong hàng trăm video ghi lại cảnh trẻ em mô phỏng các vụ hành quyết của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Michele Hickford, chuyên gia trong ngành truyền thông của Mỹ, viết trên Allenbwest.com rằng: "Lũ trẻ thường bắt chước những điều mà chúng thấy. 'Chàng cao bồi và người da đỏ' là trò chơi quen thuộc vào thời của tôi. Và hiện nay, đó hẳn phải là IS và những kẻ ngoại đạo".
Tiến sĩ Yasri Abdel Muhsen, một nhà tâm lý học, cho biết trên Al Arabiya những đoạn băng mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng phát hành khiến IS trở thành người hùng trong mắt trẻ em. Chúng thích xem lại những đoạn băng đó nhiều lần.
Hồi đầu tháng 3, Gulf News đưa tin một nhóm thiếu niên người Yemen nhốt cậu bé 10 tuổi vào cũi bằng gỗ và đốt. Các em mô phỏng hành động của IS trong vụ hành quyết phi công người Jordan.
Trước đó, một nhóm trẻ em khác cũng ở Yemen mô phỏng vụ chặt đầu 21 người theo đạo Cơ đốc tại Libya của IS. Tuy là một ngôi làng nghèo, nguồn điện là khá khan hiếm nhưng người dân ở đây vẫn có thể xem các video tuyên truyền của IS trên điện thoại di động.
Ảnh hưởng vô thức
Một chiến binh nhí của IS. Ảnh: Twitter |
"Theo một nghiên cứu về tâm lý, 3 giờ giáo dục gián tiếp như việc xem những đoạn video có thể tác động đến 70% hành vi của trẻ. Khi đứa trẻ chứng kiến các vụ hành quyết, nó sẽ bị ảnh hưởng trong vô thức", nhà tâm lý học nhận định.
Muhsen cho hay, những ảnh hưởng trong vô thức có thể dẫn tới hành động mô phỏng. Việc này cũng giống với trường hợp con cái sao chép lời nói, phong thái và cử chỉ của cha mẹ, hoặc những người lớn trong gia đình.
"Đó không phải là lựa chọn mà là bắt chước", nhà tâm lý học nhấn mạnh.
Tiến sĩ Muna Ahmed Hussein, một học giả, cho rằng những thứ mà trẻ em làm phản ánh những điều đang xảy ra trong xã hội.
"Lũ trẻ bắt đầu bắt chước những hành vi tội ác trong xã hội nhưng lại chưa thể nhận thức đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành động đó. Trong tương lai, chúng có thể quen với việc này và thậm chí có thể mắc phải những triệu chứng tâm thần phức tạp", cô nói.
Nữ học giả nhấn mạnh trường hợp chấn động tâm lý của những cựu binh trở về từ chiến trường Iraq. Cô cho hay, việc thường xuyên tiếp xúc với những cảnh tượng bạo lực, máu me và sự chết chóc chính là nguyên nhân.