Căng thẳng địa chính trị gần đây đang đẩy giá năng lượng và giá cả hàng hóa leo thang, từ đó gây ra những mối lo ngại rất lớn về lạm phát trên toàn thế giới và cả tại Việt Nam.
Trong chương trình Bí mật đồng tiền, phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF) bà Nguyễn Hằng Nga đánh giá lạm phát vẫn luôn là "kẻ thù" của thị trường chứng khoán.
"Nếu lạm phát tăng ở một mức vừa phải thì rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng nếu lạm phát ở mức rất cao thì đương nhiên các ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bởi một trong những nhiệm vụ quan trọng của họ là ổn định giá cả hàng hóa", bà Nga diễn giải.
Phó tổng giám đốc VCBF Nguyễn Hằng Nga. Ảnh: BMĐT. |
Chính phủ Việt Nam thường đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Nếu lạm phát vượt mốc này nhưng chỉ là tạm thời thì Ngân hàng Nhà nước có thể chưa đưa ra các biện pháp kiềm chế.
Tuy nhiên bà Nga tin rằng nếu lạm phát vượt quá 4% và có yếu tố kéo dài thì cơ quan nhà nước chắc chắn sẽ có các biện pháp để kiểm soát lạm phát.
"Một khi chính sách kiểm soát lạm phát đưa ra thì chắc chắn dòng tiền sẽ bị thắt chặt, lãi suất tăng, tiền vào chứng khoán sẽ giảm và thị trường chắc chắn sẽ giảm", giám đốc quản lý quỹ lý luận.
Bà Nga nêu thực tế là lạm phát tăng cao không chỉ gây bất lợi cho chứng khoán mà cũng không có lợi cho nền kinh tế, bao gồm cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, giá trái phiếu bất lợi, bất động sản đóng băng...
Ông Phạm Lưu Hưng, phó giám đốc SSI Research cũng tin rằng Việt Nam trong ngắn hạn sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi lạm phát khi Chính phủ đã có cơ chế kiểm soát về giá của hầu hết các mặt hàng chính.
"Tuy nhiên nếu tình hình biến động trên thế giới kéo dài thì Việt Nam có thể gặp vấn đề lạm phát trong dài hạn. Cái mọi người sợ hơn là lạm phát đình đốn - tức là làm phát đi kèm với kinh tế đình trệ - có thể khiến nhà đầu tư bán tài sản tài chính", chuyên gia SSI nói thêm.
Bà Nga cũng đồng tình rằng nỗi lo lạm phát ở Việt Nam trong ngắn hạn không quá lớn. Diễn biến ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào diễn biến các loại hàng hóa trên thế giới nên thế giới có lạm phạt thì Việt Nam cũng có nhưng sẽ không quá lớn.
"Nền kinh tế của Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới và tình hình lạm phát cũng ở tình thế rất khác so với các nước. Kể cả giá cả hàng hóa tăng nhiều thì áp lực lạm phát cũng không quá lớn do cầu ở Việt Nam vẫn đang khá yếu", bà kết luận.