Lãi suất tại Việt Nam có nhiều yếu tố khác với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là chỉ số rủi ro tài chính. Ảnh: Hoàng Hà. |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Điểm sáng trong cơ chế, chính sách cho thị trường Bất động sản Việt Nam 2023", TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng khách vay không nên so sánh lãi suất tại Việt Nam với các nước khác bởi có nhiều yếu tố không giống nhau.
Theo ông, có 4 lý do chính khiến lãi suất tại Việt Nam cao hơn so với các nước khác như Mỹ, Pháp, Australia... Đặc biệt là rủi ro nền kinh tế, rủi ro doanh nghiệp, giao dịch ở Việt Nam rất cao. "Việt Nam được thế giới xếp vào mức độ rủi ro là đầu cơ chứ không phải đầu tư", ông nói.
Lãi vay có tiếp tục tăng?
Vị chuyên gia này nhìn nhận lạm phát tại Việt Nam trong năm nay có thể thấp hơn thế giới một chút. Tuy nhiên thông thường lạm phát ở Việt Nam vẫn luôn cao so với thế giới.
Bên cạnh đó, chi phí giao dịch toàn bộ nền kinh tế Việt Nam là rất cao, điều này đã đội giá lên rất lớn, điển hình rõ nhất đó là chi phí khi mua bất động sản. Cuối cùng là lãi suất gửi tiền đang rất cao, kéo theo lãi vay tăng cao.
"Nếu muốn kéo lãi vay xuống thì cũng phải có lộ trình từ từ. Trong khi đó, NHNN vẫn muốn người dân nhận lãi suất dương, tức mức lãi gửi ngân hàng luôn nằm trên mức kỳ vọng lạm phát tại Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Nhìn lại tình hình năm ngoái, ông cho biết vụ việc quy pháp luật của một số doanh nghiệp đã liên quan trực tiếp hệ thống ngân hàng. Tháng 10/2022 người dân đua nhau rút tiền dẫn tới thanh khoản hệ thống ngân hàng khó khăn, do vậy một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất để hút tiền tệ. Cùng lúc đó, Fed lại liên tục tăng lãi suất.
Theo phân nhóm rủi ro từ NHNN đối với các khoản vay, việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải chịu sự rủi ro 200%, gấp đôi so với những lĩnh vực khác. Do đó, ông Lực đề nghị NHNN cần phân nhóm chỉ số rủi ro theo phân khúc bất động sản. "Từ đó có thể hy vọng lãi suất vay ở các phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực sẽ giảm nhẹ", ông nêu quan điểm.
Đồng thời, với động thái giảm lãi suất huy động từ các ngân hàng, ông dự báo năm nay lãi suất có thể sẽ giảm, tạo điều kiện cho khách vay.
Thị trường có thể "ấm" trở lại trong năm nay
Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia đều có dự báo lạc quan rằng thị trường bất động sản sẽ dần được gỡ khó vào các quý tiếp theo. Niềm tin này dựa trên sự quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành đang tích cực tháo gỡ thị trường bất động sản trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ông Lực cẩn trọng hơn khi dự báo khoảng cuối quý III, thị trường mới dần ấm trở lại.
"Lý do là các vụ việc vi phạm rắc rối có thể được giải quyết xong và các đề xuất về sửa đổi nghị định 65, góp ý dự thảo luật cũng rõ hơn. Bên cạnh đó, thời điểm cuối quý III nhiều khả năng hai gói tín dụng có thể bắt đầu triển khai và phát huy hiệu quả", ông giải thích.
Chuyên gia dự báo thị trường bất động sản có thể "ấm" trở lại trong năm nay. Ảnh: VARS. |
Còn PGS TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng, cho biết hiện nay Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt để tháo gỡ rủi ro cả nền kinh tế chứ không riêng lĩnh vực bất động sản, điều này tạo ra nội lực chính cho thị trường.
"Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn về phía Chính phủ do những chính sách này rất khó gỡ, trước mắt các chính sách về phát triển nhà ở xã hội có thể sẽ được triển khai nhanh. Dự báo thị trường sẽ sớm hồi phục trở lại vào quý III”, ông nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho hay trong tuần vừa qua Chính Phủ đã ban hành loạt dự thảo lấy ý kiến, do đó trong quý I sẽ có nhiều văn bản được ban hành.
"Kể từ quý II thị trường sẽ bắt đầu có thay đổi. Theo đó, một số dự án sẽ được xử lý, đặc biệt là nhóm dự án thiết yếu sẽ được tác động trước còn các nhóm khác cần đợi thêm một thời gian nữa", ông Đính dự báo.
Về góc độ các doanh nghiệp, ông cho rằng chắc chắn họ sẽ không chờ để có Nghị định. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, các doanh nghiệp đang tự cơ cấu, triển khai từ ý tưởng đến giải pháp để chuyển dần các sản phẩm của mình sang nhóm dễ hấp thụ hơn trên thị trường bất động sản để sớm có dòng tiền. "Khoảng đâu đó cuối quý II, thị trường sẽ ổn định", ông nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.