Gần đây, nhà sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình J-20, Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô đã tiết lộ nhiệm vụ chính của máy bay là thống trị bầu trời trong không chiến tầm trung và tầm xa. Chiếm ưu thế trên không sẽ là cốt lõi nhiệm vụ của máy bay chiến đấu này.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ tiếp của J-20 là đánh chặn và tấn công luồn sâu. Điều này phù hợp với các phân tích của tình báo phương Tây về vai trò của J-20. Tuy nhiên, việc Trung Quốc định hình nhiệm vụ chính cho J-20 là chiếm ưu thế trên không khiến giới phân tích phương Tây đánh giá thấp sức mạnh của nó.
J-20 sẽ thua vì không chiến truyền thống
Justin Bronk, chuyên gia về không chiến tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, nói với Business Insider rằng J-20 nếu không chiến với các tiêm kích của Mỹ hoặc châu Âu để kiểm soát bầu trời sẽ là một sai lầm, có thể dẫn đến thua trận.
“J-20 chắc chắn có khả năng trở thành một phương tiện cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không hơn bất kỳ máy bay khác trong biên chế không quân Trung Quốc. Nhưng với một radar mạnh mẽ và nhiều tên lửa không đối không tầm xa trong khoang vũ khí, J-20 không nên sử dụng cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không”, chuyên gia Bronk nói.
Tiêm kích tàng hình J-20 khoe tên lửa trong khoang vũ khí tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải 2018. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Vị chuyên gia cho rằng máy bay chiến đấu tốt nhất của Trung Quốc không có nghĩa là nó có thể chiếm ưu thế trước các tiêm kích Typhoon của châu Âu, thậm chí là F-15 của Mỹ cất cánh lần đầu vào năm 1972.
“Về lực đẩy/trọng lượng, khả năng cơ động trong phạm vi hẹp, J-20 không thể so sánh với các máy bay chiếm ưu thế trên không của Mỹ và châu Âu”, ông Bronk nói. J-20 của Trung Quốc có bước tiến vững chắc trong lĩnh vực máy bay chiến đấu tàng hình nhưng từng đó vẫn chưa đủ.
Không quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng thứ 2 trên thế giới sau Mỹ vận hành máy bay chiến đấu tàng hình. Nó được thiết kế để hạn chế khả năng bị phát hiện từ xa bởi radar. Tuy vậy, khả năng tàng hình của J-20 chủ yếu ở mặt trước, khi nó bay hướng về radar.
Về mặt chiến thuật, các chuyên gia nói rằng J-20 tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng trong vai trò đánh chặn và tấn công hàng hải với khả năng tàng hình. Tuy nhiên, phiên bản J-20 dùng cho hải quân vẫn chưa được chế tạo.
Các chuyên gia cho rằng yếu điểm của J-20 nằm ở động cơ. Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thành công trong việc chế tạo động cơ phản lực đủ tiêu chuẩn cho tiêm kích thế hệ 5. Ông Bronk nhận định Trung Quốc phải mất nhiều năm nữa mới vượt qua được ngưỡng quan trọng này.
Tiêu chuẩn nào cho máy bay chiếm ưu thế trên không
Một máy bay được xem là điển hình cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không cần có những tiêu chuẩn như tốc độ nhanh, khả năng linh hoạt trong phạm vi hẹp, cùng với các tên lửa không đối không siêu nhanh. Các máy bay điển hình cho nhiệm vụ này gồm F-15C của Mỹ, phiên bản F-15 Eagle được cấu hình cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Eurofighter Typhoon của châu Âu.
Giới phân tích cho rằng J-20 có thể sẽ thua trong không chiến với F-15C (ảnh) của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Rafale của Pháp là tiêm kích đa nhiệm nhưng nó vẫn rất xuất sắc trong nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Su-35S của Nga được giới phân tích đánh giá rất cao trong vai trò chiếm ưu thế trên không, thậm chí nó có thể “đấu tay đôi” với F-22 Raptor, tiêm kích tàng hình chiếm ưu thế trên không hàng đầu thế giới.
“Chống lại F-15C và Typhoon, J-20 có tiết diện radar thấp nhưng hiệu suất kém hơn. Ngoài ra, các tên lửa không đối không của J-20 khó có thể so sánh với vũ khí cùng loại của Mỹ, hay Meteor của châu Âu”, ông Bronk nói.
Ông Bronk cho biết thêm, Trung Quốc đang đầu tư phát triển các tên lửa không đối không tốc độ cao. Khoảng cách về năng lực của tên lửa có thể được rút ngắn trong vài năm tới. Nhưng ngay cả khi năng lực tên lửa đã được thu hẹp, thì J-20 vẫn không phải là thiết kế phù hợp cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, vị chuyên gia kết luận.