Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: 'Hủy niêm yết cổ phiếu HAG thì cứ đúng luật mà làm'

Đó là ý kiến của chuyên gia chứng khoán trong chương trình “Bí mật đồng tiền” hôm nay khi được hỏi về câu chuyện hủy niêm yết cổ phiếu HAG ồn ào gần đây.

Trước đó, một nhóm cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) có đơn thư gửi các cơ quan chức năng kêu cứu về việc cổ phiếu HAG có khả năng bị hủy niêm yết khiến nhà đầu tư thiệt hại lớn.

Theo nội dung đơn, việc cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết do doanh nghiệp này lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019) do doanh nghiệp hồi tố lỗ là chưa thỏa đáng, bởi Luật chứng khoán chưa có quy định về hồi tố lỗ.

Nhóm cổ đông này khẳng định năm 2019 công ty vẫn báo lãi, tức dù có hồi tố hay không thì năm 2019 bản chất công ty vẫn lãi. Đồng thời đặt câu hỏi việc hồi tố được thông báo từ tháng 3/2021 nhưng đến nay mới có thông tin hủy niêm yết.

“Nếu HoSE tiến hành hủy đột ngột như vậy sẽ không tuân theo trình tự pháp luật, làm thiệt hại rất lớn cho cổ đông HAG, đặc biệt là những người đã mua cổ phiếu HAG sau thời điểm tháng 3/2021 trên cơ sở căn cứ vào BCTC quý gần đây có lãi”, nội dung đơn nhấn mạnh.

Co phieu HAG,  huy niem yet,  dong tac gia anh 1

Cổ phiếu HAG lao dốc sau thông tin có khả năng hủy niêm yết. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu HAG kết phiên 16/2 tiếp tục giảm sâu 5,13% về 11.100 đồng, tính rộng ra mã này đã mất hơn 29% giá trị kể từ vùng đỉnh trung hạn 15.700 đồng (ngày 17/1).

Chia sẻ quan điểm về câu chuyện này, Phó giám đốc SSI Research Phạm Lưu Hưng khẳng định quyết định cuối cùng là của cơ quan chức năng, nhưng đứng trên quan điểm nhà đầu tư thì cứ đúng luật mà làm.

"Không có chuyện mua hàng kém chất lượng xong rồi trả lại. Khi đầu tư mà đặt cược vào việc công ty sẽ có mức hồi phục mà thực tế lại không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ, không thể nào cứ khi thua lỗ thì bắt cơ quan quản lý thành con tin của họ", ông nói thêm.

Vị chuyên gia nhắc lại việc hủy niêm yết nếu đúng luật thì cứ thế mà làm. Và có vẻ nhà đầu tư hiểu nhầm về khái niệm hủy niêm yết.

"Hủy niêm yết không có nghĩa là không giao dịch được nữa mà sẽ phải chuyển đăng ký giao dịch sang sàn UPCoM. Cổ phiếu vẫn có thể giao dịch được chứ không phải kiểu cổ đông mất hết các quyền lợi giao dịch”, ông Hưng bổ sung.

Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm về câu chuyện trên thị trường quốc tế liên quan đến các thông tin nóng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và căng thẳng chính trị Nga - Ukraine... đến thị trường Việt Nam.

Co phieu HAG,  huy niem yet,  dong tac gia anh 2

Ông Phạm Lưu Hưng (trái) và ông Đinh Đức Minh (phải). Ảnh: Bí mật đồng tiền.

Đối với thông tin FED tăng lãi suất, ông Phạm Lưu Hưng ngạc nhiên khi nhà đầu tư chú ý nhiều đến phiên họp ngày 14/2 của cơ quan này.

Ông nói trong chính sách tiền tệ của các nước lớn trên thế giới thì họ thường “nói nhiều hơn làm”. Các cơ quan này thường có động tác giả, nói như Bernanke là chính sách tiền tệ thực ra 98% là nói và 2% là làm.

"Do đó khi FED nói tăng lãi suất mạnh thì chưa chắc họ đã làm gì, dù vậy thị trường chung đã phản ứng theo kiểu tăng đến 50 điểm. Và cứ như vậy họ đã đạt được mục tiêu dù chưa cần phải sử dụng công cụ điều tiết nào", chuyên gia SSI phân tích.

Động tác giả có vẻ cũng đang xảy ra với câu chuyện căng thẳng giữa Nga và Ukraine nhưng có nhiều tác động đến thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.

Ông Đinh Đức Minh, người điều hành Quỹ VEOF và VIBF (thuộc VinaCapital), chia sẻ tập đoàn cũng họp chiến lược nhưng cuối cùng nhận xét có khi bản thân các nước liên quan còn chưa biết rõ hành động thì nhà đầu tư càng khó biết được.

Đại diện của VinaCapital suy nghĩ nếu chiến tranh xảy ra thì không có lợi cho các bên và kỳ vọng giao tranh sẽ không xảy ra, mà chỉ là động tác giả. Trong trường hợp xảy ra biến cố thì cũng luôn có cơ hội để mua bán cổ phiếu.

Chứng khoán lao dốc 30 điểm

Áp lực bán ở nhóm vốn hóa lớn lan rộng khiến thị trường lao dốc nhanh, VN-Index mất 30 điểm trong khi VN30 mất gần 41 điểm phiên đầu tuần.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm