Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: 'Giá Bitcoin khó trở lại đỉnh cũ'

Chuyên gia quốc tế nhận định giá Bitcoin còn một chặng đường dài để trở lại mức đỉnh cũ, nhất là khi ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng hành động mạnh tay nhằm đối phó với lạm phát.

Theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - vẫn tiếp tục đà giảm. Tính đến 18h ngày 14/3 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin được giao dịch ở mức giá 39.800 USD/đồng, giảm hơn 1% so với 24 giờ trước đó.

Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 757 tỷ USD. Giá Bitcoin bất ngờ giảm mạnh vào ngày 11/4 rồi rơi khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng hôm 12/4.

Trong vòng 2 ngày qua, giá Bitcoin liên tục trồi sụt, nhưng vẫn chưa thể lấy lại mốc 40.000 USD/đồng. So với 1 tuần trước đó, giá đồng tiền này đã lao dốc gần 12%.

Nói với Zing, giới chuyên gia nhận định thị trường tiền mã hóa vẫn bị đè nặng bởi nguy cơ giới chức Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Thêm vào đó, việc Bitcoin liên tục đánh mất những ngưỡng giá quan trọng càng khiến nhà đầu tư dè chừng, từ đó thúc đẩy đà bán tháo.

Tien ma hoa anh 1

Giá Bitcoin bất ngờ giảm mạnh vào ngày 11/4 rồi rơi khỏi ngưỡng quan trọng 40.000 USD/đồng một ngày sau đó. Giá có lúc giảm còn 39.400 USD/đồng, mức thấp nhất trong gần 1 tháng. Ảnh: CoinMarketCap.

Sức ép lớn

"Giá Bitcoin chịu áp lực lớn khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong những cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sắp tới", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA - giải thích với Zing.

FOMC là cơ quan hoạch định chính sách của FED. Cơ quan này vừa phê duyệt đợt nâng lãi suất đầu tiên hôm 16/3. Để giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở Mỹ, FED sẽ có thêm 6 đợt tăng lãi suất trong năm nay và 3 lần vào năm 2023.

Giới quan sát lo ngại FED sẽ tiếp tục hành động mạnh tay bởi tình hình lạm phát ở Mỹ vẫn còn đáng lo ngại. Theo dữ liệu chính thức được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% so với một năm trước đó (trên cơ sở chưa điều chỉnh), cao hơn ước tính 8,4% của Dow Jones. Đây là mức tăng giá chưa từng thấy kể từ thời kỳ lạm phát đình trệ diễn ra vào cuối những năm 1970, đầu thập niên 1980.

Giá Bitcoin chỉ có thể trở lại đà tăng lành mạnh nếu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. Và điều đó xảy ra khi lạm phát được kiểm soát tốt

Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA

Lạm phát cơ bản, tức không tính tới giá lương thực và năng lượng, tăng 6,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/1982.

Những ngày qua, các quan chức FED liên tục phát tín hiệu ủng hộ việc nâng lãi suất. “Kéo lạm phát đi xuống là việc rất quan trọng vào lúc này”, bà Lael Brainard - một thống đốc của FED - phát biểu tại một hội thảo trực tuyến của chi nhánh Minneapolis.

Việc nâng lãi suất sẽ triệt tiêu một trong các động lực tăng giá chính của Bitcoin. Giống như những loại tài sản rủi ro khác, giá Bitcoin tăng phi mã sau khi các chính phủ trên toàn thế giới hạ lãi suất, thậm chí xuống mức âm, để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch.

Lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí cơ hội của các loại tài sản rủi ro giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư mua vào.

Dòng tiền do đó đổ vào những tài sản như cổ phiếu và tiền mã hóa. Nhưng việc FED và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến chi phí cơ hội tăng cao, làm giảm lợi nhuận của những tài sản rủi ro.

Hơn 1.000 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa

Thêm vào đó, theo ông Moya tại OANDA, Hội nghị Bitcoin năm 2022 vừa diễn ra cũng không đem tới thông tin tích cực đáng chú ý nào đối với Bitcoin và tiền mã hóa.

"Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn còn một quãng đường dài để trở lại mức kỷ lục được thiết lập hồi cuối năm ngoái", vị chuyên gia nhận định. Hôm 10/11/2021, giá Bitcoin cán mốc 68.789 USD/đồng sau nhiều ngày tăng phi mã.

Ở thời điểm đó, tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa vượt ngưỡng 2.900 tỷ USD. Giờ, giá Bitcoin đã sụt giảm hơn 42% sau 2 tháng. Hơn 1.000 tỷ USD cũng bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa.

Tien ma hoa anh 2

Giá Bitcoin giảm hơn 42% so với mức đỉnh được thiết lập hồi cuối năm ngoái. Trong vòng 5 tháng qua, hơn 1.000 tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường tiền mã hóa. Ảnh: CoinMarketCap.

Theo chuyên gia Moya, giá Bitcoin chỉ có thể trở lại đà tăng lành mạnh nếu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. "Và điều đó xảy ra khi lạm phát được kiểm soát tốt", ông nói thêm.

Khẩu vị rủi ro là thuật ngữ chỉ quan điểm, mức chấp nhận của mỗi cá nhân, tổ chức về mức độ xuất hiện rủi ro trong việc đầu tư.

"Ngoài ra, người nắm giữ Bitcoin rất dễ nương theo đà bán tháo, tức bán ra khi thấy giá giảm. Do đó, nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 38.000 USD/đồng, chúng ta có thể chứng kiến giá của đồng tiền này rơi tự do", ông Moya cảnh báo với Zing.

Giá Bitcoin chưa ngắt đà giảm

Giá Bitcoin tiếp tục lao dốc khi các thị trường vẫn đang hấp thụ những thông tin xấu liên quan tới quyết định thắt chặt chính sách của FED.

Bitcoin đang bị bóp nghẹt

Bitcoin và thị trường tiền số đang đối mặt với môi trường đầu tư không mấy lạc quan. Lạm phát gia tăng ở Mỹ cũng gây ra bức tranh u tối cho Bitcoin.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm