Đà giảm giá của Bitcoin vẫn đang tiếp diễn. Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 9/4 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - được giao dịch quanh ngưỡng 42.500 USD/đồng, giảm 3,13% so với 24 giờ trước đó.
Giá có thời điểm giảm xuống 42.100 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 807 tỷ USD. Bitcoin đã giảm giá mạnh trong những ngày qua. So với 7 ngày trước đó, giá Bitcoin sụt giảm gần 9%.
Tính từ mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021, Bitcoin đã giảm giá tới 38,27%.
Bitcoin tiếp tục trượt giá trong ngày 9/4. Giới quan sát cảnh báo đồng tiền này có thể mất mốc giá 40.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Tiếp tục đà giảm
Các loại tiền mã hóa khác cũng chìm trong sắc đỏ. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 2,81% so với 24 giờ trước đó xuống còn 1.970 tỷ USD. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - chứng kiến mức giảm 2,53%.
Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất, Terra và Solana chứng kiến giá giảm mạnh nhất với lần lượt 8,44% và 7,32%.
"Giá Bitcoin đang chật vật trở lại đà tăng, sau khi các nhà đầu tư Phố Wall thận trọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với lạm phát", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA - giải thích với Zing.
Còn theo chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London), đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới bị tác động tiêu cực bởi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. "Điều này khiến đà tăng giá của tiền mã hóa mất nhiệt lượng", ông nhận định.
Khẩu vị rủi ro là thuật ngữ chỉ quan điểm, mức chấp nhận của mỗi cá nhân, tổ chức về mức độ xuất hiện rủi ro trong việc đầu tư.
Biến động giá của Bitcoin trong vòng 7 ngày qua. Giá bắt đầu lao dốc mạnh trong ngày 7/4 vì những bình luận từ phía các quan chức FED. Ảnh: CoinMarketCap. |
Giống như những loại tài sản rủi ro khác, giá Bitcoin tăng phi mã sau khi các chính phủ trên toàn thế giới hạ lãi suất, thậm chí xuống mức âm, để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch.
Lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí cơ hội của các loại tài sản rủi ro giảm đi, thúc đẩy giới đầu tư mua vào.
Dòng tiền do đó đổ vào những tài sản như cổ phiếu và tiền mã hóa. Nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ khiến chi phí cơ hội tăng cao, làm giảm lợi nhuận của những tài sản rủi ro.
Thị trường hấp thụ tin xấu
"Cùng với đà giảm của các loại tài sản rủi ro khác, giá Bitcoin lao dốc sau khi FED ra tín hiệu mạnh tay kiểm soát lạm phát", ông Moya giải thích.
Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin có thời điểm vượt ngưỡng 47.000 USD/đồng. Nhưng đồng tiền bất ngờ sụt giá mạnh xuống còn 43.000 USD/đồng hôm 7/4 do những bình luận của các quan chức FED.
Theo ông Moya, các thị trường tiền mã hóa vẫn đang hấp thụ những thông tin xấu, khiến Bitcoin tiếp tục trượt giá.
Hôm 7/4, bà Lael Brainard - một thống đốc của FED - phát tín hiệu ủng hộ việc nâng lãi suất và nói rằng việc giảm nhanh bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu ngay trong tháng 5.
“Kéo lạm phát đi xuống là việc rất quan trọng vào lúc này”, bà Brainard phát biểu tại một hội thảo trực tuyến của chi nhánh Minneapolis của FED.
Triển vọng dài hạn của Bitcoin vẫn rất lạc quan. Nhưng nếu tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư lan rộng ra thị trường, giá Bitcoin có thể lao dốc xuống mức 38.000 USD/đồng
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở tại Mỹ của OANDA
Cùng ngày, một quan chức FED khác cũng khiến thị trường lo ngại. Bà Mary Daly tại chi nhánh San Francisco của FED cam kết nâng lãi suất và bày tỏ nỗi lo ngại về lạm phát.
Bà cho rằng mối nguy từ lạm phát cũng đáng lo không kém vấn đề thất nghiệp.
Điều này cho thấy FED có thể sẵn sàng tạm gác mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp để tập trung vào đối phó với lạm phát. Việc thắt chặt các chính sách cũng làm triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ xấu đi.
Bitcoin sụt giá cùng với các loại tài sản rủi ro khác. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này, cả 3 chỉ số S&P 500, Nasdaq và Dow Jones đều giảm điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc 1,27%, Nasdaq mất 3,86% và Dow Jones trượt 0,28%.
Tuy nhiên, chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge cho rằng tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường đã hấp thụ hầu hết tin xấu. "Giới đầu tư đang chờ đợi những con số tiếp theo", vị chuyên gia nhận định.
"Triển vọng dài hạn của Bitcoin vẫn rất lạc quan. Nhưng nếu tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư lan rộng ra thị trường, giá Bitcoin có thể lao dốc xuống mức 38.000 USD/đồng", ông Moya dự báo.