Theo dữ liệu của CoinMarketCap, kể từ đầu năm nay, phạm vi giao dịch của Bitcoin phần lớn dao động khoảng 35.000-45.000 USD.
Do đó, khi Bitcoin chạm mốc 47.912 USD và lập đỉnh mới trong năm 2022 vào cuối tháng 3, giới đầu tư các chuyên gia kinh tế đã kỳ vọng về một đợt bứt phá khỏi giai đoạn tồi tệ nhất.
Lần đầu tiên trong năm, chỉ số Fear and Greed đạt 56 điểm, phản ánh tâm lý trung lập xen lẫn hy vọng của nhà đầu tư. Đây đồng thời là yếu tố thúc đẩy chỉ số RSI vượt mốc 70 điểm và đưa Bitcoin vào vùng quá mua.
Tháng 4 "đỏ lửa"
Kết thúc tháng 3, Bitcoin chính thức có tháng thứ hai tăng trưởng dương. Song, bước sang tháng 4, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới bất ngờ quay đầu lao dốc, thủng đáy 40.000 USD và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Vốn hóa của Bitcoin nay thu hẹp còn 750 tỷ USD. Với 41% tỷ lệ bao phủ, cơn biến động của Bitcoin cũng kéo tụt tổng vốn hóa thị trường còn 1.830 tỷ USD..
Bitcoin mất 13 ngày để leo từ 40.000 USD lên đỉnh năm và cũng mất chừng đó thời gian để quay về vị trí xuất phát. Tính đến nay, giá Bitcoin trong tháng 4 đã giảm 11,93%.
Nửa đầu tháng 4, giá Bitcoin đã giảm gần 12%. Ảnh: CoinGlass. |
Ngày này năm ngoái, Bitcoin khiến thị trường tiền mã hóa thế giới chao đảo và tạo ra làn sóng FOMO khi thiết lập ATH đầu tiên ở mức 63.503 USD/đồng. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đồng tiền số bắt đầu điều chỉnh mạnh và từng thiệt hại những 53%.
Theo dữ liệu từ CoinGlass, giá Bitcoin từ tháng 4-6/2021 giảm lần lượt 1,98%, 35,31% và 5,95%.
Đáng chú ý, diễn biến giá của Bitcoin đang có mối tương quan nhất định với thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, chỉ số Dow Jones giảm 413 điểm, tương đương 1,19%; S&P 500 giảm 75,5 điểm, tương đương 1,69%; Nasdaq 100 giảm 299 điểm, tương đương 2,18%.
Nền tảng giao dịch tài sản số eToro cho biết số ngày biến động tương đồng của Bitcoin mà chỉ số S&P 500 chiếm đến 77%, cao hơn 13% so với năm 2021.
Rủi ro lạm phát
Tình trạng lạm phát leo thang tại Mỹ và lên tới 8,5% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 1982, tiếp tục củng cố kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED).
Áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền mã hóa nói chung. Các chuyên gia kinh tế dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm % vào cuộc họp tới vào tháng 5 và thêm nửa điểm nữa vào tháng 6 nếu tình hình không cải thiện.
“Việc FED thắt chặt thêm 0,5 điểm % trong các cuộc họp sắp tới cũng như cắt giảm 95 tỷ USD mỗi tháng đối với bảng cân đối kế toán đã khiến thị trường tiền điện tử giảm xuống theo đường xoắn ốc”, Teong Hng, lãnh đạo của Satori Research, nhận định.
Theo Michael Novogratz - tỷ phú đầu tư tiền mã hóa, đồng thời là lãnh đạo Glaxy Digital Holdings - Bitcoin chỉ có thể tăng giá trở lại khi FED tạm dừng kế hoạch tăng lãi suất.
Khoảng 134 triệu USD đã bị rút khỏi các quỹ đầu tư tài sản số. Ảnh: CoinShares. |
Dưới sự điều hành của Jerome Powell, FED tỏ ra tương đối mạnh tay trước tình trạng lạm phát ở Mỹ. Nhưng, FED sẽ buộc phải nới lỏng các chính sách này trong trường hợp nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Chia sẻ với Zing, Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao từ OANDA (trụ sở tại Mỹ) - cho rằng Bitcoin cần chứng kiến những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu trong vài tháng tới.
“Vẫn còn quá nhiều bất ổn như cuộc chiến Ukraine hay tác động tổng thể từ lạm phát và tăng trưởng. Bitcoin cần một môi trường ưu thích rủi ro lành mạnh để lấy lại mức cao kỷ lục”, vị chuyên gia nhận định.
Bitcoin cần một môi trường ưu thích rủi ro lành mạnh để lấy lại mức cao kỷ lục
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao từ OANDA (trụ sở tại Mỹ)
Động thái tăng lãi suất là đòn giáng mạnh mẽ vào Bitcoin. Do đó, việc các chính phủ trên thế giới điều chỉnh lãi suất để kích thích nền kinh tế sẽ là một trong những yếu tố đưa Bitcoin trở lại đường đua.
Cho đến lúc đó, giới đầu tư sẽ tiếp tục dè chừng với thị trường rủi ro này. Tính đến nay, chỉ số Fear and Greed đã giảm hơn một nửa xuống còn 20 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2.
Tương tự, dữ liệu từ công ty đầu tư CoinShares cho thấy đã có 134 triệu USD bị rút ra khỏi các quỹ tài sản kỹ thuật số trong tuần trước. Đây cũng là dòng tiền lớn thứ hai từng chảy ra ngoài trong năm nay. Trong đó, dòng chảy từ châu Âu chiếm 39% và châu Mỹ chiếm 61%
Có thể tiếp tục giảm sâu
So với mức đỉnh lập hồi tháng 11/2021, giá trị của Bitcoin bốc hơi trung bình 42%. Theo chuyên gia tài chính Craig Erlam từ OANDA (trụ sở tại Anh), Bitcoin khó có thể quay trở về đỉnh cũ.
“Trước đây, Bitcoin đạt được mức đó nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố như mức độ phủ sóng đại chúng hay sự quan tâm của các tổ chức và đầu cơ. Xét cho cùng, Bitcoin là tài sản có độ rủi ro cao. Do đó, đồng tiền số cần sự kết hợp những điều này một lần nữa đi kèm khẩu vị rủi ro được cải thiện”, ông Erlam trả lời Zing.
Thời gian gần đây, thị trường vẫn chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu tích cực nào ngoại trừ động thái thu mua Bitcoin số lượng lớn của Luna Foundation Guard (quỹ bảo chứng cho stablecoin UST của đội ngũ sáng lập Terra) và công ty đầu tư MicroStrategy. Đây cũng là 2 quỹ trong số 5 quỹ nắm giữ Bitcoin nhiều nhất thế giới với tổng giá trị khoảng 7,1 tỷ USD.
Mối tương quan giữa Bitcoin và chứng khoán Mỹ đang gia tăng. Ảnh: Bloomberg. |
Sáng ngày 11/4, Arthur Hayes - cựu CEO sàn giao dịch BitMex - khẳng định xét về khía cạnh kỹ thuật và vĩ mô, Bitcoin sẽ lập đáy trong quý II.
Mối tương quan trong 90 ngày của Bitcoin với Nasdaq 100 đang ở mức kỷ lục. Ngoài ra, tình trạng cổ phiếu công nghệ bị đè nặng cùng việc chiến sự ở Ukraine kéo dài khiến thị trường đi theo chiều hướng xấu.
Do đó, Hayes dự đoán Bitcoin và Ethereum có thể chạm đáy lần lượt ở mốc 30.000 USD và 2.500 USD.
“Có rất nhiều chuyên gia về thị trường tiền mã hóa tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, tôi tin họ đang bỏ qua sự thật rằng thị giá của tiền mã hóa hiện đóng vai trò như một chỉ số cho S&P 500 và Nasdaq 100”, cựu CEO sàn giao dịch BitMex nhận xét.