Tính đến 15h ngày 22/6 (theo giờ Việt Nam), theo dữ liệu của CoinMarketCap, giá Bitcoin đã lao dốc gần 5% so với 24 giờ trước đó xuống 20.191 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền bị thu hẹp còn 385 tỷ USD.
Như vậy, so với mức đỉnh được thiết lập vào cuối năm ngoái, giá Bitcoin đã lao dốc gần 71%. Giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm 4,4% còn 885 tỷ USD. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - cũng ghi nhận mức giảm 6,47% sau một ngày.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đà bán tháo trên thị trường tiền mã hóa sẽ không sớm dừng lại. Ông Ian Harnett - đồng sáng lập, Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research - dự báo đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới có thể rơi xuống ngưỡng 13.000 USD/đồng, tức giảm gần 40% so với mức hiện tại.
Giá Bitcoin lao dốc mạnh trong những tháng qua. So với mức đỉnh, đồng tiền đã mất hơn 70% giá trị. Ảnh: CoinMarketCap. |
Đà bán tháo mạnh
"Trong môi trường hiện tại, đà bán tháo vẫn sẽ tiếp diễn", ông Harnett nhận định. "Đó chỉ là một cuộc chơi thanh khoản. Tiền mã hóa không phải tiền tệ hay hàng hóa, càng không phải kho lưu trữ giá trị", vị chuyên gia nói thêm.
Giải thích về dự báo của mình, ông Harnett cho rằng sau thời gian tăng giá mạnh, giá Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục.
Chẳng hạn, vào năm 2018, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm xuống sát ngưỡng 3.000 USD/đồng sau khi đạt đỉnh gần 20.000 USD/đồng hồi cuối năm 2017.
Sau thời gian tăng giá mạnh, giá Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục. Đợt giảm giá trong năm 2022 có thể đẩy giá Bitcoin xuống khoảng 13.000 USD/đồng
Ông Ian Harnett - đồng sáng lập, Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research
"Đợt giảm giá trong năm 2022 có thể đẩy giá Bitcoin xuống khoảng 13.000 USD/đồng", ông Harnett dự báo. Ông cho rằng ngưỡng 13.000 USD là "vùng hỗ trợ chính" của Bitcoin.
"Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang tạm ngừng rút tiền vì lo ngại về vấn đề thanh khoản giữa làn sóng bán tháo. Lãi suất tăng, tâm lý e ngại rủi ro tràn lan khắp mọi thị trường. Việc ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như Bitcoin sẽ bị cản trở", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com - bình luận với Zing.
Theo ông, dù sớm hay muộn, những bong bóng đầu cơ sẽ luôn kết thúc. "Ngay cả những nhà đầu tư lâu năm của Bitcoin cũng đang chao đảo", ông Wilson nhận định.
Trong cơn sốt tiền mã hóa năm 2021, giá Bitcoin đã tăng vọt lên mức kỷ lục gần 69.000 USD/đồng. Tuy nhiên, đồng tiền này giảm giá kể từ đó.
"Trong môi trường dồi dào thanh khoản, Bitcoin hoạt động rất tốt. Nhưng trong thời kỳ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ, thị trường sẽ chịu áp lực rất lớn", ông Harnett giải thích.
Đảo ngược đà tăng
Thị trường tiền mã hóa đã tăng trưởng phi mã trong vòng 2 năm qua, sau khi các ngân hàng trung ương đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có.
Riêng FED đã hạ lãi suất xuống gần 0 để khuyến khích các hộ gia đình và doanh nghiệp chi tiêu. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng.
Lãi suất thấp kỷ lục và khoản tiền hỗ trợ trong thời kỳ đại dịch khiến các nhà đầu tư đổ xô vào những tài sản rủi ro như tiền mã hóa, NFT (token không thể thay thế), cổ phiếu meme và SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt).
Nhưng đà tăng đã bị đảo ngược. Tuần trước, FED thông báo nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Trước đó, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng có những động thái tương tự.
Khi FED ngừng bơm tiền vào nền kinh tế và nâng lãi suất, các tài sản rủi ro như tiền mã hóa sụp đổ. Ảnh: Reuters. |
Điều đó đã tác động nghiêm trọng tới thị trường tiền mã hóa. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa bốc hơi 350 tỷ USD trong vỏn vẹn 2 tuần qua.
Trên thực tế, thị trường tiền mã hóa đã rung chuyển từ trước khi FED nâng lãi suất. Các nhà giao dịch bị chao đảo bởi cú sụp đổ trị giá 60 tỷ USD của stablecoin (tạm dịch: đồng tiền ổn định) phổ biến terraUSD và token LUNA.
Thêm vào đó, tuần trước, Celsius - công ty có 1,7 triệu khách hàng và quản lý gần 12 tỷ USD tài sản tiền mã hóa - đã tạm dừng cho phép khách hàng rút tiền. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Celsius sẽ vỡ nợ.
Các công ty tiền mã hóa đã sa thải hàng loạt nhân sự khi thị trường suy thoái. Tuần trước, Coinbase - một sàn giao dịch và ví số - cho biết sẽ cắt giảm 18% công việc toàn thời gian. Công ty cho vay BlockFi cũng sa thải 1/5 nhân viên.