Thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung khởi đầu năm 2022 với tâm lý rất hưng phấn. Tuy nhiên những "gam màu xám" trong kinh tế vĩ mô đang dần tác động lên các bảng giá chứng khoán.
VN-Index liên tục có các đợt điều chỉnh mạnh để lùi về vùng 1.166,54 điểm, tức thấp hơn 22% so với thời điểm đầu năm. Đây là một mức giảm tương đương với các thị trường lớn tại Mỹ, châu Âu dù nền kinh tế Việt Nam được đánh giá có tính ổn định cao hơn.
Vĩ mô tốt nhưng dòng tiền xấu
"Năm 2022 có vĩ mô tốt nhưng dòng tiền xấu, năm 2023 có vĩ mô xấu nhưng tiền tệ tích cực", CEO WiGroup Trần Ngọc Báu lý giải trong tọa đàm Thị trường chứng khoán 2023: Xu thế mới, lựa chọn mới.
Ông Báu nói kinh tế Việt Nam năm 2022 rất tích cực khi tăng trưởng tốt và lạm phát thấp; nhưng dòng tiền lại xấu do việc tăng mạnh lãi suất và gây áp lực lên tỷ giá VNĐ, dòng vốn chảy ra nước ngoài. Thị trường chứng khoán lại biến động theo dòng tiền nên giá cổ phiếu diễn biến tiêu cực.
CEO WiGroup Trần Ngọc Báu lý giải kênh chứng khoán đang tiêu cực dù có vĩ mô tốt là vì dòng tiền xấu. Ảnh: H.L. |
Trong khi năm 2023, tình hình vĩ mô có thể xấu hơn khi tăng trưởng GDP chậm lại và áp lực lạm phát lớn hơn. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá và lạm phát sẽ không còn mạnh, dòng tiền được kỳ vọng sẽ phục hồi dần.
Ông Đào Minh Châu - Phó giám đốc SSI Research - nhận thấy không chỉ điểm số mà thanh khoản trên thị trường chứng khoán cũng sụt giảm do dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân giảm và có xu hướng rút tiền ra dù số lượng tài khoản tăng lên.
"Cá nhân trong nước mua ròng từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2022. Nhưng giai đoạn tháng 4-8, nhà đầu tư cá nhân liên tục rút ròng với giá trị khoảng 6.000 tỷ do dòng tiền bị thắt chặt, lãi suất tăng", ông Châu nói.
Dù vậy, thị trường vẫn được đánh giá hấp dẫn khi P/E hiện tại chỉ khoảng 12x, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Philippines, Malaysia hay Indonesia đều cao hơn ở mức khoảng 16x.
Chuyên gia SSI dự báo thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường bởi điều kiện vĩ mô còn bất định. Chứng khoán trong nước sẽ vẫn có những nhịp tăng/giảm, có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và ưu tiên các doanh nghiệp đầu ngành với sức khoẻ tài chính tốt.
Các ngành tiềm năng
Trong bối cảnh bất định, nhà đầu tư được khuyến nghị cần chắt lọc thông tin kỹ lưỡng hơn. Thị trường sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc thị trường, tuy nhiên cơ hội đầu tư dài hạn sẽ tốt khi định giá suy giảm.
"Nhà đầu tư cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua/bán, đặc biệt là nguyên tắc quản trị rủi ro nên được đặt lên ưu tiên hàng đầu", ông Châu lưu ý.
Một điều quan trọng nữa là nhà đầu tư mua cổ phiếu bởi lý do gì thì phải bán bởi lý do đấy
Ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc SSI Research.
Một điều quan trọng nữa là mua cổ phiếu bởi lý do gì thì phải bán bởi lý do đấy. Chẳng hạn mua vì đồ thị giá đang đẹp thì khi đồ thị không đúng kỳ vọng cần phải bán; mua vì kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng 20-30% thì cần bán khi không còn yếu tố đó.
Chuyên gia SSI cũng chỉ ra các nhóm cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn cuối năm nay và năm 2023 như ngành mang tính phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế (bán lẻ, tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin);
Các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và dòng vốn từ đầu tư nước ngoài; cổ phiếu hưởng hưởng lợi từ khi giá đầu vào giảm như cao su, săm lốp, hóa chất… hoặc các cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh riêng, vị thế tiền mặt lớn trong mỗi trường lãi suất cao.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập công ty tư vấn FIDT - nhận định chứng khoán có liên quan đến dòng tiền. Thị trường trong ngắn hạn sẽ biến động theo cung cầu và trong dài hạn mới phản ánh nền tảng của doanh nghiệp.
Chuyên gia chứng khoán hơn 20 năm kinh nghiệm khẳng định ưa thích thích giai đoạn hiện tại. Bởi đây là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu tốt, lợi thế thuộc về người mua và có thể đổi đời nếu chọn đúng.
Nhà sáng lập FIDT Huỳnh Minh Tuấn khuyên nhà đầu tư có thể chờ chu kỳ mới để làm lại. Ảnh: H.L |
Đối với các nhà đầu tư đã lỗ đến 60-70%, ông Tuấn nhận thấy cơ hội hòa vốn là rất khó, do vậy hành động đầu tiên phải giảm margin, đồng thời đẩy mạnh thu nhập chính để bù đắp cho khoản lỗ của danh mục, cần chấp nhận thất bại, tránh tâm lý vội vàng gỡ lỗ.
"Chúng ta rút bài học sau đó vào chờ chu kỳ mới để làm lại. Trong 20 năm làm trong lĩnh vực chứng khoán, tôi đã chứng kiến được 3 con sóng lớn, trong những con sóng đó thì việc nhân 5 hay nhân 10 tài khoản là điều bình thường", vị chuyên gia định hướng.
Nhà sáng lập FIDT nhận định bức tranh kinh tế trung hạn vẫn hấp dẫn với tăng trưởng GDP cao, dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được đẩy mạnh. Từ đó, ông đưa dự báo VN-Index có thể hồi phục lên khoảng 1.300 điểm vào cuối quý IV năm nay.
Các nhóm cổ phiếu ưu tiên của vị chuyên gia trên là những ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến như tiện ích, điện nước, bán lẻ thiết yếu và dược phẩm, bất động sản khu công nghiệp hay nhóm xây dựng hạ tầng.