Giai đoạn 2020-2021 được xem là thời điểm vàng để các doanh nghiệp niêm yết thực hiện huy động vốn trên sàn chứng khoán bởi dòng tiền dồi dào của nhà đầu tư, thủ tục nhanh chóng hay chi phí vốn rẻ.
Tuy nhiên, các kế hoạch huy động mới đang gặp nhiều khó khăn hơn bởi thị trường chuyển biến xấu không chỉ trên kênh chứng khoán mà còn đến từ nhiều kênh huy động khác, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm bỏ các phương án mở rộng.
Dừng huy động vốn
Tập đoàn Sao Mai (Mã: ASM) mới đây đã thông báo hủy phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đã được HĐQT thông qua ngày 8/6.
"Lý do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi", đại diện công ty đưa ra.
Trước đó, HĐQT tập đoàn đa ngành này đã thông qua kế hoạch chào bán hơn 168 triệu cổ phiếu bằng phương thức thực hiện quyền mua với tỷ lệ 50%. Giá chào bán dự kiến 12.000 đồng/cổ phần, tương ứng với số vốn cần huy động hơn 2.000 tỷ đồng.
Nguồn tiền thu về dùng để đầu tư vào các doanh nghiệp khác và bổ sung cho nguồn vốn lưu động. Trong đó có góp hơn 400 tỷ đồng vào các công ty Phát triển Du lịch An Giang, AGTourimex, DongThapTourist và còn lại bổ sung vốn khác.
Chứng khoán bị điều chỉnh và thanh khoản mất hút khiến nhiều kế hoạch huy động vốn bị tạm dừng. Đồ thị: TradingView. |
Việc Sao Mai dừng huy động vốn trong bối cảnh cổ phiếu ASM cũng đang lùi sâu về 16.700 đồng, tức giảm hơn 32% so với vùng đỉnh hồi cuối tháng 3. Thị giá hiện tại đang cao 39% so với giá chào bán dự kiến.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng vừa thông báo tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Mục đích để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của công ty và mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất.
"Sau khi có phương án sử dụng vốn mới, công ty sẽ nộp lại hồ sơ đăng ký cho UBCKNN và báo cáo việc điều chỉnh tại kỳ họp cổ đông gần nhất", Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức khẳng định.
Theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp của bầu Đức dự kiến phát hành riêng lẻ 162 triệu cổ phiếu với đơn giá 10.500 đồng. Tổng số tiền huy động gần 1.700 tỷ đồng dùng để cho vay đối với các công ty con và trả nợ gốc trái phiếu.
Trường hợp của HAG có phần khác biệt khi doanh nghiệp này đang kinh doanh có lãi lớn, đã mua lại một phần trái phiếu trước hạn và giá cổ phiếu cũng đang trong xu hướng tăng mạnh lên 13.900 đồng, chênh hơn 32% giá chào bán.
Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (CKG) vừa công bố việc tạm dừng hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ theo Nghị quyết HĐQT ngày 25/11/2021. Nguyên nhân không được công bố.
Trước đó doanh nghiệp có kế hoạch chào bán riêng lẻ hơn 13,4 triệu cổ phiếu để huy động vốn trả các khoản nợ vay và các khoản nợ liên quan đến thi công dự án. Đơn giá phát hành dự kiến là 15.000 đồng và thu về số tiền tương ứng hơn 200 tỷ đồng.
Công ty cho biết thêm sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021, sau đó sẽ triển khai lại các phương án đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Hiện giá CKG có xu hướng đi lên tại 29.500 đồng, gần gấp đôi giá chào bán.
Hay công ty bất động sản Hodeco (HDC) quyết định tạm hoãn phát hành hơn 8,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 với giá bán tối thiểu 100.000 đồng/cổ phiếu, trong bối cảnh thị giá HDC giảm mạnh chỉ còn phân nửa giá chào bán vào tháng 5.
Theo tài liệu họp cổ đông của Louis Capital, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đề xuất hủy bỏ cả phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án chào bán riêng lẻ. Nguyên nhân là không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.
Điều chỉnh, gia hạn ngày mua
DIC Corp (DIG) vừa thông báo xin ý kiến cổ đông điều chỉnh kế hoạch phát hành thành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ gần 16,4%. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng đầu tư vào dự án khu đô thị du lịch Long Tân.
Đây đã là lần thứ hai DIC Corp điều chỉnh kế hoạch chào bán cổ phiếu. Ban đầu cổ đông thống nhất bán 100 triệu cổ phiếu với đơn giá 30.000 đồng; tuy nhiên sau đó nâng lên chào bán 150 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng.
Việc điều chỉnh kế hoạch phát hành trong bối cảnh cổ phiếu DIG cũng liên tục biến động tiêu cực. Hiện thị giá đã rơi về 32.150 đồng, chỉ bằng 1/3 giá trị so với mức đỉnh lịch sử hồi đầu năm.
Nhiều công ty phải điều chỉnh, gia hạn ngày mua trong các đợt phát hành cổ phiếu. Ảnh: Việt Linh. |
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) cũng đề xuất dừng các phương án phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Nguyên nhân do chưa thống nhất được với một số đối tác liên quan.
Thay vào đó, bệnh viện này sẽ lên phương án mới chào bán hơn 25,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, bằng một nửa thị giá trên sàn. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý IV/2022 đến quý II/2023.
Tổng số tiền thu được nếu chào bán thành công là hơn 518 tỷ đồng. Công ty sẽ dùng 300 tỷ đồng đầu tư dự án Bệnh viện TNH Việt Yên, gần 31 tỷ đồng mua máy móc thiết bị cho bệnh viện và 178 tỷ đồng để trả nợ vay các tổ chức tín dụng.
Một số doanh nghiệp khác khi huy động vốn cũng gặp khó khăn nên phải chủ động gia hạn thời gian đăng ký/nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm, tạo điều kiện cho cổ đông thu xếp tài chính.
Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Trí Việt (TVB) lùi thời hạn đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 2/6 sang ngày 6/7. Tuy nhiên, kết quả vẫn chỉ có 81.558 cổ phiếu được mua trên tổng số hơn 112 triệu đơn vị chào bán, tỷ lệ thành công chỉ đạt 0,05%.
Trước đó có công ty Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV) lùi thời hạn cuối cùng đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm từ ngày 4/5 sang ngày 31/5. Hay công ty Khoáng sản Miền Đông AHP (BMJ) lùi thời hạn tương tự từ ngày 18/4 sang ngày 17/5...
Thực trạng huy động vốn không chỉ khó khăn hơn trên thị trường chứng khoán mà còn diễn ra ở nhiều kênh huy động chủ lực khác như trái phiếu vẫn chưa có pháp lý mới, kênh ngân hàng ghi nhận lãi suất tăng lên...