Ông chỉ có một mình và sức khỏe vốn không được tốt lắm, theo Xinmin Evening News. Dù ông không khóa cửa nhà nhưng cũng chẳng ai phát hiện thi thể ông trong cái nắng nóng mùa hè cho tới tận cuối tháng 7, khi mùi khó chịu lan rộng khiến hàng xóm gọi điện thoại báo cảnh sát.
Mới chỉ một tháng trước đó, một cụ bà ở độ tuổi 70 chết một mình trong căn hộ ở Nam Kinh, trang Yangtse Evening Post đưa tin hồi tháng 6. Cụ có một con trai và một con gái thường ghé thăm vài tuần một lần. Thế nhưng, cụ chỉ được phát hiện đã chết bên cạnh bồn tắm khi nhân viên cộng đồng tới thăm theo thường lệ.
Đây chỉ là hai trường hợp nổi lên trên các tiêu đề báo chí ở quốc gia đông dân nhất thế giới - nơi những thế hệ cao niên vốn có truyền thống sống cùng và được con cháu chăm sóc.
Dân số Trung Quốc đang già nhanh hơn hầu hết quốc gia
Không có dữ liệu chính thức về bao nhiêu người ở Trung Quốc đang sống một mình, nhưng các nhà quan sát nói rằng giới hoạch định chính sách sẽ cần nắm bắt nhu cầu của bộ phận này khi dân số đang già đi nhanh chóng.
Cô đơn có thể là vấn đề lớn nhất mà người già phải đối mặt trong một Trung Quốc đang chuyển mình. Ảnh: Alamy. |
Chính quyền trung ương dự báo vào năm tới, Trung Quốc sẽ có 225 triệu dân ở độ tuổi trên 60, chiếm 17,8% tổng dân số quốc gia. Con số này tăng từ 220 triệu của 4 năm trước đó.
Dân số Trung Quốc đang già đi một phần bởi người dân đang sống thọ hơn, nhưng cũng do chính sách một con từng kéo dài và những biến chuyển về kinh tế dẫn tới tỉ lệ sinh nở thấp hơn. Các chuyên gia cho biết phân nửa số người trên 60 tuổi ở Trung Quốc không có con hoặc không sống cùng con cái.
“Trong văn hóa truyền thống của chúng tôi, người cao tuổi sống cùng con cháu và chết trong vòng tay gia đình”, Zhu Qin, chuyên gia về vấn đề tuổi già từ Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho hay.
“Nay chúng tôi ở một thời kỳ nhạy cảm, khi một mặt tỉ lệ sinh đẻ sụt giảm và gia đình thu hẹp lại, vai trò của gia đình trong chăm sóc người lớn tuổi ngày càng đi xuống, trong khi mặt khác, mạng lưới an ninh xã hội cho những người này vẫn đang được xây dựng”.
Chính sách một con vẫn đang thấm đẫm ảnh hưởng tới những người dưới thời kỳ đó. Ảnh: AFP. |
Có một nơi Trung Quốc có thể học hỏi về cách gỡ rối vấn đề này là Nhật Bản, đất nước với hơn một phần tư dân số vượt quá 65 tuổi.
“Trung Quốc không phải nơi gặp phải vấn đề về tuổi già tồi tệ nhất thế giới, nhưng dân số đang già nhanh hơn hầu hết quốc gia”, ông Zhu cảnh báo.
“Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện dân số Trung Quốc đang đi qua giai đoạn đã xảy ra với Nhật Bản 30 năm trước. Nhìn chung, chúng tôi ở phía sau Nhật 30 năm và nó cho chúng tôi một kinh nghiệm hữu ích”.
“Xuất hiện những thói quen và lối sống khác”
Tại cộng đồng Yuer ở Thượng Hải, khoảng 22% trong số 2.000 cư dân ở độ tuổi trên 60, theo hội đồng cư dân địa phương. Một trong những cư dân lớn tuổi ở đây là bà Shen Ming, 69 tuổi, có chồng vừa qua đời vì ung thư hồi tháng trước.
Bà Shen chia sẻ rằng không giống như các thế hệ trước - khi người già thường có rất ít lựa chọn ngoài ở cùng con cháu, các bậc phụ huynh lớn tuổi ngày nay sống tách biệt với con cái hơn và cũng có những nhìn nhận khác về giá trị của sự độc lập.
“Xuất hiện những thói quen và lối sống khác”, bà Shen giải thích. “Sống cùng con trẻ thường dẫn tới xung đột, gây gổ”.
Cụ bà này cho biết thêm hai người con của bà sống ở Thượng Hải và họ cũng phải chăm sóc con cái và lo cho sự nghiệp, thế nên họ chỉ về thăm bà vài tuần một lần.
Bà Shen Ming tìm tới các công việc từ thiện ở Thượng Hải. Ảnh: SCMP. |
Giống như nhiều người lớn tuổi khác ở Trung Quốc, bà Shen cũng không muốn sống trong viện dưỡng lão. Có điều lý do của bà không giống như nhiều người khác - là liên quan tới lối sống, mà mang tính thực dụng hơn: viện dưỡng lão gần nhất có phí hàng tháng lên tới hơn 5.000 nhân dân tệ (tương đương 707 USD).
“Phần lớn những người già mà tôi biết sống gần nhà đều không thích ở nhà dưỡng lão. Họ nói rằng đợi tới cái chết thì ở đâu cũng vậy thôi. Thế nhưng, tôi lại nghĩ khác. Tôi sẽ tới đó sống nếu tiền phí không quá cao”, bà Shen trải lòng.
Tuy nhiên, chỗ ở tại các nhà dưỡng lão cũng có phần hạn chế và thường không gần. Trên cả nước có khoảng 30 nghìn tổ chức chăm sóc người cao tuổi cung cấp 7,46 triệu giường, theo số liệu công bố năm ngoái từ Cục Thống kê Quốc gia. Con số này tương đương với cứ 1.000 người trên 60 tuổi thì có 30 chỗ trong viện dưỡng lão ở Trung Quốc.
Thập kỷ tới sẽ mang tính chất quyết định
Một điều cũng không kém phần đáng lo ngại nữa là việc ngày càng nhiều các gia đình bị mất đứa con duy nhất, với số liệu ước tính lên tới hơn 1 triệu gia đình và tăng 76.000 trường hợp mỗi năm.
Bà Li Jufen, một phụ nữ 66 tuổi đã ly dị chồng, có con trai chết vì ung thư năm 2017. Bà cho biết tương lai của bản thân nhiều khả năng phải ở nhà dưỡng lão.
“Sẽ là dối trá nếu tôi nói rằng tôi chưa bao giờ nghĩ tới khả năng chết một mình trong nhà”, bà Li ngậm ngùi. “Điều tốt là tôi có đủ tiền lương hưu và tiết kiệm để cáng đáng một chỗ trong viện dưỡng lão trong tương lai, và tôi cũng tự chăm sóc tốt cho bản thân”.
Bà Li thuộc thế hệ đầu tiên của các bậc cha mẹ từ thời kỳ chính sách một con của Trung Quốc bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã áp dụng chính sách này từ cuối những năm 1970, trong đó hạn chế các cặp vợ chồng chỉ được có một đứa con - luật lệ này đã được xóa bỏ vào năm 2014.
Đỉnh điểm của dân số già của Trung Quốc dự kiến rơi vào năm 2030. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Dù chính sách thay đổi, tỉ lệ sinh đẻ ở Trung Quốc vẫn duy trì ở mức thấp những năm gần đây. Năm ngoái, số ca sinh giảm còn 15,23 triệu, mức thấp nhất kể từ năm 2014, theo các dữ liệu chính thức.
Theo lời chuyên gia Zhu Qin, đỉnh điểm của dân số già dự kiến rơi vào năm 2030. “Vậy nên thập kỷ tới sẽ mang tính chất quyết định về vấn đề chăm sóc người lớn tuổi”.
Tại Thượng Hải, các cơ quan chính quyền cơ sở đang thực hiện các biện pháp kiểm tra những người già sống neo đơn, thường qua điện thoại hoặc đến thăm nhà định kỳ.
Ông Zhu cho rằng công nghệ phát triển ngày nay cũng sẽ giúp ích trong việc giám sát nhà của người già neo đơn.
“Những biện pháp đó trực tiếp nhằm tránh những cái chết cô đơn”, ông Zhu nói. “Tôi không nghĩ việc người lớn tuổi sống một mình là điều hoàn toàn tiêu cực - đó là một giai đoạn không thể tránh khỏi của cuộc đời. Vấn đề là cần có sự hỗ trợ từ xã hội và hành động từ chính phủ”.