Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc kéo theo sự phát triển trong nhiều lĩnh vực khác tại nước này. Một trong những nhân tố được hưởng nhiều lợi ích nhất là lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của Trung Quốc.
Năm 2018, Trung Quốc đầu tư gần 239,2 tỷ USD cho quân sự quốc phòng. Con số này còn lớn hơn GDP của New Zealand, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha trong cùng năm, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Dù đang hiện đại hóa mạnh mẽ kho khí tài quân sự, quân đội Trung Quốc vẫn duy trì trong biên chế một phương tiện di chuyển khá thô sơ ở vùng núi Himalaya: Bò Tây Tạng cho biên phòng.
Bò Tây Tạng được quân đội Trung Quốc sử dụng tại khu vực đồi núi hiểm trở phía tây nước này. Ảnh: PLA Daily. |
Vì sao lại là bò Tây Tạng?
Loài bò vùng núi này là con vật đặc trưng của khu vực Himalaya gồm Pakistan, Ấn Độ, Nepal và vùng Tây Tạng của Trung Quốc. Ngoài ra, bò Tây Tạng còn sinh sống ở những vùng hẻo lánh tại Siberia của Nga hoặc Mông Cổ.
Hoạt động tại các khu vực này dường như là nhiệm vụ bất khả thi đối với nhiều phương tiện vận chuyển hiện đại. Trong khi đó, bò Tây Tạng có thể dễ dàng vượt qua địa hình đồi núi tuyết phủ, những dòng sông băng và đất cằn cỗi ở độ cao lớn.
Trang PLA Daily tháng 7 có đăng tải trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, mô tả một nhiệm vụ sử dụng bò Tây Tạng. Lính biên phòng phải tuần tra trên một đập thủy điện nằm ở độ cao gần 5.000 m so với mặt nước biển.
Nhờ quá trình tiến hóa nhiều thế kỷ, bò Tây Tạng có thể vượt qua những địa hình mà sức người và phương tiện hiện đại phải chào thua. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), máu của chúng trữ nhiều oxy hơn những người anh em cùng họ, còn cơ thể không đổ mồ hôi.
Hệ hô hấp, lớp lông dày và sức khỏe của bò Tây Tạng giúp nó vượt qua được điều kiện môi trường khắc nghiệt trên dãy Himalaya.
Nỗi sợ xâm lược từ bên kia vùng núi
Lực lượng tuần tra sử dụng bò Tây Tạng được Trung Quốc dùng chủ yếu tại vùng núi ở Tây Tạng và Tân Cương. Những khu vực này tiếp giáp biên giới Nga và Kazazhstan ở phía bắc, tiếp giáp các nước Pakistan, Afghanistan, Tajikistan và Kyrgyzstan ở phía Tây; Nepal, Bhutan và Ấn Độ ở phía nam.
Khu vực biên giới tiếp giáp Ấn Độ và Pakistan thời gian qua càng khiến Bắc Kinh thêm lo lắng, đặc biệt sau các vụ đụng độ trên dãy Himalaya. Vừa qua, Ấn Độ cũng chấm dứt cơ chế tự trị cho vùng Kashmir dẫn đến nhiều lo ngại an ninh cho khu vực có đông dân theo đạo Hồi.
Địa hình sỏi đá ở vùng núi Himalaya quá khó cho những phương tiện cơ giới. Ảnh: PLA Daily. |
Ở những vùng núi xa xôi và hẻo lánh sát biên giới, với địa hình và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sử dụng bò Tây Tạng làm phương tiện di chuyển và vận chuyển hàng hóa trở thành lựa chọn dễ hiểu cho các đơn vị biên phòng của Trung Quốc.
Trong khi đó, theo giáo sư James Goldrich, cựu tư lệnh hải quân Australia, yếu tố lịch sử quân sự Trung Quốc cũng là một lý do dẫn đến lựa chọn này.
"Trung Quốc về mặt lịch sử là một cường quốc lục địa", chuyên gia chiến lược quốc phòng tại ĐH New South Wales nhận định. "Mối quan tâm chiến lược của Trung Quốc luôn dè chừng sự xâm lược từ phía bắc, bên kia những sườn núi phía bắc".
Theo ông Goldrich, trong phần lớn lịch sử Trung Quốc, phòng vệ hàng hải không phải là ưu tiên lớn. Nền kinh tế của nước này có khả năng "tự cung tự cấp" nên các đường biên giới trên bộ được quan tâm nhiều hơn.
Điều này chỉ thay đổi bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, sau hàng loạt thất bại trước Nhật Bản và các cường quốc phương Tây. Trong một bài phát biểu vào năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến giai đoạn này là "thế kỷ ô nhục" trong lịch sử. Giới lãnh đạo Trung Quốc tập trung phát triển lực lượng PLA để khôi phục lại vị thế cường quốc trên bản đồ thế giới.
Theo ước tính trên trang Global Firepower, PLA đang có gần 2,18 triệu quân thường trực. Số tiền khổng lồ Trung Quốc rót vào đầu tư quốc phòng báo hiệu nước này có thể bắt kịp những ưu thế công nghệ quốc phòng của Mỹ và Nga. Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã thử nghiệm thành công súng điện từ có khả năng phóng đạn với vận tốc 2,5 km/giây.
Trước những đầu tư mạnh mẽ cho hiện đại hóa quốc phòng, những con bò Tây Tạng sẽ còn giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát biên giới vùng núi của Trung Quốc trong bao lâu vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Còn trong thời điểm này, loài động vật kỳ vĩ của vùng núi Himalaya sẽ tiếp tục đưa quân nhân Trung Quốc hiện diện ở những khu vực mà ngựa hay xe không thể tiếp cận.