Quan điểm này được một trong những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Campuchia đưa ra mới đây trong phỏng vấn với Khmer Times.
"Chừng nào Campuchia còn xác định lợi ích quốc gia là phát triển kinh tế và xoá đói giảm nghèo, Trung Quốc vẫn là một đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng nhất", ông Chheang Vannarith, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia, nói.
Mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc từ lâu luôn gây chú ý cho giới quan sát khi Phnompenh được coi là gần gũi và đồng quan điểm với Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề biển Đông hay các tranh chấp khu vực.
Phát ngôn của ông Vannarith mới đây là một trong những phát ngôn tương đối công khai khẳng định sự ủng hộ của Campuchia với Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là nhà tài trợ và đầu tư lớn tại Campuchia, với 2 tỷ USD các khoản tài trợ, cho vay, hỗ trợ trực tiếp và FDI đạt 10 tỷ USD từ năm 1990. Hai nước đang hướng đến mục tiêu thương mại song phương đạt 5 tỷ USD trong năm tới, tăng từ 3,75 tỷ USD năm 2014 .
Ông Chheang Vannarith, đồng sáng lập kiêm chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia. Ảnh: VOA Cambodia |
Trong bài phỏng vấn ông Vannarith cũng bày tỏ ủng hộ Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc và cho rằng WB và IMF chịu sự chi phối khá lớn từ Mỹ và Tây Âu. Mô hình quản lý và cấu trúc quyền lực của những tổ chức này chưa được cải cách hiệu quả để đáp ứng thách thức đang nổi lên trên toàn cầu.
Đây là những quan điểm Bắc Kinh cũng nhiều lần đưa ra trong khi vận động thành lập AIIB.
"Đây là động thái đáng hoan nghênh nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển tích hợp nền kinh tế thành một hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu mở. Nhờ vậy, các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ hưởng lợi lớn từ AIIB", Khmer Times dẫn lời ông nói.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và người đồng cấp của Campuchia tại hội nghị Hợp tác Lan Thương-Mekong ngày 23/3 tại Trung Quốc. Ảnh: Weibo |