"Sửng sốt" và "căm phẫn" là cảm xúc mà tiến sĩ Fiona Samuels, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phát triển Hải Ngoại (ODI), đồng thời là giáo sư danh dự Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, chia sẻ với Zing khi nghe tin bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu.
“Vấn đề bạo hành trong gia đình thường dẫn đến hậu quả tồi tệ. Và những gì xảy ra trong trường hợp bé gái nói trên là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất mà chúng ta có thể thấy”, bà nói.
Tiến sĩ Samuels là tác giả chính trong nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam, do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố năm 2018. Theo bà, vụ việc lần này là lời cảnh tỉnh cho công tác bảo vệ trẻ em ở Việt Nam.
“Theo nguyên tắc, khi đến bệnh viện, sẽ phải có ai đó nhận ra những vết thương hay vấn đề bất thường trên người, vì cô bé đã nhập viện 4 lần trước đó, chỉ trong 3 tháng”, bà nói.
“Đáng lẽ hồi chuông cảnh báo phải được gióng lên sớm hơn, nhưng nó đã không xảy ra”.
Tiến sĩ Fiona Samuels
Tiến sĩ Samuels cũng chia sẻ Việt Nam cần có hệ thống giám sát tốt hơn, cũng như mạng lưới liên kết hiệu quả hơn giữa những nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em, bệnh viện, trường học và gia đình, để không xuất hiện "lỗ hổng" cho những trường hợp bạo hành tương tự xảy ra.
Đằng sau các vụ bạo hành trẻ em
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Samuels cho biết hôn nhân tan vỡ có thể là yếu tố dẫn đến việc trẻ bị bỏ lại và bị đối xử tồi tệ trong gia đình.
Một số phụ nữ sau khi tái hôn thường có tâm lý yếu thế, "cố gắng sống sót" bằng cách chiều lòng chồng hoặc bạn trai mới của mình.
Kết quả là đứa trẻ trong cuộc hôn nhân đầu có thể bị bỏ rơi, không được quan tâm. Việc cha mẹ thờ ơ trước an nguy, hạnh phúc của con đã vô tình tiếp tay cho hung thủ, dẫn đến những câu chuyện đau lòng, theo bà Samuels.
Hình ảnh chụp X-quang hộp sọ của bé gái 3 tuổi. Ảnh: Đ.X. |
Vị chuyên gia nói khó để giải thích vì sao các vụ bạo hành gần đây thường do những người quen gây ra. Tuy nhiên, cha mẹ hay người thân quen có thể lợi dụng lòng tin của trẻ để dễ dàng thực hiện hành vi này.
“Khi còn nhỏ, trẻ thường có niềm tin tuyệt đối với cha mẹ, người thân. Chúng có thể không hiểu và không tin người nuôi chúng lại làm hại mình”, bà chia sẻ. “Vì không ý thức được, thay vì tự bảo vệ bản thân như người lớn, chúng có thể chấp nhận những hành vi bạo lực và xem đó là bình thường”, bà nói thêm.
Tiến sĩ Samuels cũng đặt ra câu hỏi tại sao không có bất cứ ai nghi vấn và báo cáo cơ quan chức năng khi trước đó, bé gái 3 tuổi đã 4 lần nhập viện vì có dị vật trong mũi, uống phải thuốc trừ sâu, gãy tay và có đinh trong đường tiêu hóa.
Theo bà, đáng lẽ "hồi chuông cảnh báo" đã phải vang lên ngay từ lần thứ hai cô bé đến bệnh viện.
“Đáng lẽ ai đó đã phải nhìn thấy điều bất thường khi cô bé bị ngộ độc thuốc trừ sâu. Tại sao những điều này lại bị bỏ qua”, bà đặt vấn đề.
Bà Samuels gọi đây là trường hợp “lọt lưới", đồng thời cho biết Việt Nam không phải là nước duy nhất có tình trạng này. Tại Anh, nơi bà đang sống và làm việc, cũng có các trường hợp “bị bỏ quên” tương tự.
Vòng luẩn quẩn
Lý giải cho số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng trong đại dịch, tiến sĩ Samuels cho rằng nhiều người phải ở nhà do những đợt phong tỏa và cách ly, từ đó phát sinh ra tâm lý căng thẳng và lo lắng. Bên cạnh đó, họ cũng gặp khó khăn trong việc giải tỏa stress.
“Tôi nghĩ đây là lý do chúng ta chứng kiến vụ bạo lực gia đình xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gia tăng trong đại dịch”, bà nói.
Theo thống kê, đường dây nóng quốc gia 111 về bảo vệ trẻ em của Việt Nam nhận được khoảng 30.000 cuộc gọi để báo cáo và yêu cầu giúp đỡ mỗi tháng. Giữa năm 2021, khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, trẻ em ở nhà với người thân, số cuộc gọi tăng lên 40.000-50.000 cuộc/tháng.
Số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng trong mùa dịch. Ảnh minh họa: Reuters. |
Qua đây, vị chuyên gia chỉ ra tầm quan trọng của những không gian bên ngoài gia đình đối với mọi người, bao gồm cả trẻ em. “Chúng ta cần tạo ra một không gian an toàn cho phụ nữ, trẻ em và mọi người”, vị chuyên gia cho biết.
“Từ đó, chúng ta thấy trường học đóng vai trò quan trọng như thế nào. Đó là nơi trẻ học tập, nhưng cũng là nơi chúng giao lưu, học cách tương tác”, bà nói thêm.
Trước thông tin số vụ bạo hành trẻ em vẫn tăng dù đã có nhiều hình phạt nặng, bà Samuels cho biết nhiều người tin rằng họ “có thể lách luật”. Bên cạnh đó, các gia đình đã không báo cáo về bạo lực gia đình vì nhiều lo ngại, hoặc không biết rõ về nơi hay vấn đề cần báo cáo.
“Chẳng hạn, trong trường hợp người cha lạm dụng con gái, người mẹ có thể lo sợ rằng người cha sẽ ngồi tù, từ đó mất đi một nguồn thu nhập mà cả gia đình đang trông cậy. Điều đó làm họ rơi vào một vòng luẩn quẩn, khiến những vụ bạo hành chỉ được biết đến trong phạm vi gia đình", bà nói.
"Ngoài ra, họ cũng lo sợ bị kỳ thị nên đã không báo cáo”, vị tiến sĩ cho biết thêm.
Với một số người ngoài, họ nghĩ rằng đây vấn đề riêng của các gia đình và không muốn tham gia vào. Trong khi đó, thay vì tìm hiểu nguyên nhân, liên lạc với địa phương nơi nạn nhân đang sống để hỏi thăm chuyện gì đang xảy ra, các nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện đã thờ ơ.
Theo chia sẻ của vị chuyên gia, nguyên nhân số vụ bạo hành trẻ em gia tăng cũng là do mọi người không biết nơi báo cáo hoặc nếu có báo cáo, vụ việc của họ cũng không được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
“Ngoài ra, chính các nạn nhân cũng có thể không nhận thức được điều đang xảy ra là tồi tệ và không được phép diễn ra”, bà nói.
Cần cơ chế kết nối gia đình và cộng đồng
Sau nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp, tiến sĩ Samuels nhấn mạnh cần có các cơ chế tốt hơn để kết nối các cá nhân, gia đình với cộng đồng. Bà cho rằng chìa khóa để ngăn chặn các hành động này trước khi chúng để lại những hậu quả đáng tiếc là “sự liên kết".
“Chúng ta nên tiếp cận vấn đề từ các cấp độ khác nhau”, bà Samuels nói. Vị chuyên gia đề xuất rằng cần phải áp dụng luật pháp và chính sách liên quan đến các vấn đề trẻ em một cách nghiêm ngặt hơn, đồng thời cân nhắc cách thực thi ở các cấp thấp hơn.
“Việt Nam đã đề ra những điều luật và chính sách tốt để bảo vệ trẻ em, nhưng cần thực hiện chúng nhiều hơn. Trên toàn cầu, nhiều khi chúng ta đã có những luật lệ rất tốt, nhưng đến khâu thực thi thì còn rất nhiều rào cản hoặc điểm nghẽn”, bà nói.
Ngoài ra, bà cũng cho rằng nên rà soát luật pháp kỹ lưỡng hơn để phát huy những điểm tốt, cũng như điều chỉnh những mặt chưa phù hợp để giải quyết tốt hơn trường hợp này.
Vị chuyên gia đề xuất cần có cơ chế tốt hơn trong công tác bảo vệ trẻ em. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Việt Nam đã có dịch vụ đường dây nóng bảo vệ trẻ em nhưng vẫn khá xa lạ với nhiều người. Vì vậy, mặc dù nó là biện pháp hữu ích, chỉ riêng biện pháp này thôi sẽ không hiệu quả, theo bà Samuels.
Bên cạnh đó, bà nhận định cần có những đội ngũ phù hợp được đào tạo để cất lên tiếng nói về bảo vệ trẻ em. “Trong vấn đề này, chúng ta cần nhiều hơn đội ngũ làm công tác xã hội, các nhà tâm lý học”, bà cho biết.
Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, chính phủ cần nâng cao năng lực những người làm công tác xã hội. Họ là những người giám sát và đóng vai trò như "điểm kết nối" trong mạng lưới bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện, báo cáo các trường hợp bạo hành.
Từ những nghiên cứu tại Việt Nam, tiến sĩ Samuels đánh giá hiện tại đã có nhiều nhà công tác xã hội, nhà tâm lý học nhưng chủ yếu họ hoạt động ở những thành phố lớn và hiếm khi ra khỏi đó.
“Trên thực tế, có nhiều vấn đề xảy ra bên ngoài các trung tâm đô thị lớn. Vì vậy, họ cần phải đi sâu vào cộng đồng và có những cuộc đối thoại thực tế với những đối tượng gần gũi với các gia đình, chẳng hạn liên kết với trường học”, bà cho biết.
Trong bối cảnh nhiều người e ngại, không dám báo cáo các vụ bạo hành vì sợ “chuốc vạ vào người", tiến sĩ Samuels chia sẻ việc sử dụng “hình mẫu” sẽ có tác động khuyến khích công chúng.
“Các phương tiện truyền thông có thể đưa tin về những câu chuyện tích cực nhờ người xung quanh lên tiếng mà các vụ bạo hành trẻ em được ngăn chặn kịp thời”, bà nói. “Và nếu họ không muốn để lộ danh tính, chúng ta cần phải có cơ chế để đảm bảo thông tin họ được bảo mật”.
Ở cấp độ địa phương, chính quyền và các đoàn thể xã hội có thể tạo điều kiện tổ chức các cuộc thảo luận tự do giữa các cha mẹ về những vấn đề bạo hành trẻ em để nâng cao nhận thức.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xây dựng một cơ chế, một quy trình rõ ràng để khi những vụ việc như vậy xảy ra, người xung quanh sẽ biết họ cần làm gì, cần báo cáo cho ai.
Trường học và gia đình cũng đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn các vụ bạo hành ngay từ đầu. Khi trẻ em đến lớp, giáo viên và nhân viên trường học có thể nhanh chóng nhận ra những dấu hiệu cho thấy điều bất thường trong gia đình.
“Chúng ta thường không thể biết điều gì xảy ra trong các gia đình. Nhưng những giáo viên, nhân viên công tác xã hội tại trường học có thể là cầu nối để hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, để từ đó nhanh chóng phát hiện các vấn đề”, bà nói.
Trên tất cả, ở cấp độ gia đình, tiến sĩ Samuels nhận đình nhiều gia đình tại Việt Nam đang gặp tình trạng thiếu kết nối giữa cha mẹ và con cái. Nếu như người mẹ hay người cha có thể quan tâm đến con nhiều hơn, nói chuyện với con nhiều hơn, một số vụ bạo hành có thể ngăn chặn từ sớm.
“Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, tôi nghĩ các biện pháp bảo vệ trẻ em cũng cần phải rõ ràng hơn, dễ tiếp cận hơn để ngay cả những đứa trẻ cũng biết khi cần, chúng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu”, bà cho hay.