Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cơn đau đầu của Chủ tịch Samsung

Samsung đang mắc kẹt trong hào quang quá khứ. Nếu không thay đổi, đây là cơ hội cho những đối thủ như SK Hynix, TSMC lấn át, đặc biệt trong lĩnh vực đang bùng nổ như AI và điện toán đám mây.

Một thập kỷ sau khi nắm quyền lãnh đạo Samsung, Lee Jae-yong - người thừa kế đời thứ 3 của gã khổng lồ công nghệ - đang trải qua thử thách khắc nghiệt nhất sự nghiệp.

Khủng hoảng lớn chưa từng có tại Samsung

Theo tờ Chosun, mảng bán dẫn, vốn là niềm tự hào và là "máy in tiền" của Samsung, đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Năm ngoái, bộ phận ghi nhận khoản lỗ 15.000 tỷ won.

Riêng ở mảng chip AI, SK Hynix đã vượt mặt Samsung trở thành nhà cung cấp chính cho Nvidia với các sản phẩm bộ nhớ băng thông cao (HBM). Đây là loại chip quan trọng trong các hệ thống AI, đang bùng nổ nhu cầu.

Trong khi đó, mảng foundry (sản xuất chip theo hợp đồng) khó thu hút khách hàng lớn. Tỷ lệ thành phẩm trong quy trình sản xuất tiên tiến thấp, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt từ TSMC và các công ty Trung Quốc, khiến bộ phận này phải chịu lỗ hơn 1.000 tỷ won/quý.

Khung hoang o Samsung anh 1

Chủ tịch Lee Jae-yong đang phải đối mặt với án tù 5 năm. Ảnh: Yonhap News.

Theo Financial Times, Samsung chẳng có nhiều tiến triển trong tham vọng vượt TSMC để trở thành nhà cung cấp chip logic tiên tiến hàng đầu thế giới vào năm 2030. Trong các lĩnh vực Samsung từng thống trị như màn hình hiển thị và smartphone, tập đoàn cũng đang để mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc.

Cổ phiếu Samsung giảm hơn 30% trong năm nay dù công ty đã công bố mua lại 7,1 tỷ USD vào tuần trước.

Park Ju-geun, giám đốc công ty nghiên cứu doanh nghiệp Leaders Index tại Seoul, nhận định: “Cuộc khủng hoảng của Samsung cũng là cuộc khủng hoảng của Hàn Quốc”.

Lãnh đạo cũ, trọng trách mới

Trước tình thế này, Samsung Electronics vừa thực hiện một đợt cải tổ lãnh đạo sớm hơn thường lệ. Việc điều chỉnh nhân sự thường diễn ra vào cuối năm, nhưng lần này đã được đẩy lên sớm hơn, vào ngày 27/11. Theo Joongang Daly, Samsung đã công bố 2 nhân sự cấp chủ tịch mới, điều chỉnh vai trò cho 7 lãnh đạo cấp cao.

Phó Chủ tịch Tập đoàn, ông Jun Young-hyun, hiện là người đứng đầu mảng kinh doanh chip bán dẫn (Device Solutions - DS), đã được chỉ định làm đồng CEO của Samsung Electronics, đồng thời đảm nhận vai trò lãnh đạo bộ phận kinh doanh bộ nhớ và Viện Công nghệ Tiên tiến Samsung (SAIT). Lần bổ nhiệm này diễn ra chỉ sau 6 tháng kể từ khi ông Jun tiếp quản mảng chip vốn đang gặp khó khăn.

Cùng lúc đó, Samsung quyết định đặt bộ phận bộ nhớ dưới sự quản lý trực tiếp của CEO, đồng thời thăng chức ông Han Jin-man từ Phó Chủ tịch lên Chủ tịch để dẫn dắt mảng sản xuất chip hợp đồng.

Với bề dày kinh nghiệm trong thiết kế chip DRAM, NAND flash và lãnh đạo tại thị trường Mỹ, ông Han được kỳ vọng sẽ đưa mảng này thoát khỏi khủng hoảng và khôi phục năng lực cạnh tranh. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc còn bổ sung các vai trò mới, như Giám đốc Công nghệ (CTO) và Giám đốc Chiến lược Kinh doanh trong bộ phận DS.

Cuộc cải tổ diễn ra sau khi Chủ tịch Samsung, ông Lee Jae-yong công khai thừa nhận "những lo ngại nghiêm trọng về tương lai của Samsung". “Thực tế chúng ta đang phải đối mặt khó khăn hơn bao giờ hết, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua tình hình khó khăn hiện tại và tiến lên phía trước”, ông Lee cho biết hôm 25/11 trong phiên tòa hình sự mới nhất của mình.

Samsung “ngủ quên trên chiến thắng”

Theo Chosun, việc tái bổ nhiệm ông Jun Young-hyun - người từng lãnh đạo bộ phận bộ nhớ từ năm 2014 - và giao trọng trách lớn cho các nhân vật gắn liền với “thời hoàng kim” trước đây phản ánh chiến lược của Samsung. Hãng muốn tận dụng kinh nghiệm của các lãnh đạo lâu năm để khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, quyết định này cũng làm dấy lên những chỉ trích rằng Samsung có vẻ như đang rơi vào cái bẫy của lối tư duy cũ.

Giáo sư ngành quản trị kinh doanh Kim Ki-chan tại Đại học Công giáo nhận định: “Việc luân chuyển những nhà lãnh đạo cũ vào các vị trí chiến lược cho thấy Samsung đang lý tưởng hóa quá khứ. Những năm 1990, gã khổng lồ Sony của Nhật Bản cũng từng suy thoái vì mắc kẹt trong hào quang quá khứ, để những cái tên cũ tiếp tục điều hành và quản lý công ty”.

Theo ông, Samsung cần phá vỡ những lối mòn trong chiến lược quản lý và tập trung vào việc xây dựng một tổ chức thực sự lấy công nghệ làm trung tâm.

Theo Kim Yong-jin, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Sogang, lần bổ nhiệm này nhằm thu hút những lãnh đạo kỳ cựu và khôi phục lại vinh quang trong quá khứ. “Nhưng vì Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong thiếu tầm nhìn và định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu, nên lần thuyên chuyển này chẳng có sự đổi mới sâu sắc nào”.

Ông so sánh tình trạng này với sự sụp đổ của Đế chế La Mã, khi tổ chức không thể đáp ứng những đòi hỏi của thời đại mới bằng các phương pháp cũ.

“Thời thế đang thay đổi và ngành công nghiệp đòi hỏi các phương pháp mới. Do đó, việc cố gắng đáp ứng bằng các phương pháp cũ hiển nhiên sẽ không hiệu quả. Samsung Electronics cũng có thể thay đổi dù chỉ một chút nếu họ dám phá vỡ hào quang thành công trong quá khứ của mình”, vị giáo sư nhận định.

Khung hoang o Samsung anh 4

Samsung muốn tránh lặp lại các sai lầm trong quá khứ, ngăn chặn cuộc khủng hoảng bán dẫn thứ 2 của tập đoàn. Ảnh: FT.

Song song với cải tổ lãnh đạo, Samsung đã thành lập một Văn phòng Chẩn đoán Quản lý (Management Diagnosis Office) trực thuộc Viện Nghiên cứu Toàn cầu Samsung. Văn phòng này có nhiệm vụ kiểm toán, tư vấn và cải thiện hiệu suất quản lý tại các công ty con và các bộ phận quan trọng.

Động thái này được xem là một phần trong nỗ lực khôi phục vai trò của “tháp điều hành” - cơ quan điều phối chiến lược tập đoàn từng bị giải thể sau vụ bê bối chính trị vào năm 2017, theo Hankyung.

Tờ báo cho rằng sự thiếu vắng một “tháp điều hành” là nguyên nhân gây ra hàng loạt khó khăn mà Samsung đang đối mặt. Chính điều này đã làm suy giảm tầm nhìn dài hạn lẫn sức cạnh tranh của Samsung trong lĩnh vực chip những năm gần đây. Đơn cử như việc cắt giảm nguồn lực cho bộ phận HBM vào năm 2019. Đây là một quyết định khiến Samsung mất vị trí dẫn đầu vào tay SK Hynix.

Với sự ra đời của Văn phòng Chẩn đoán Quản lý, Samsung muốn tránh lặp lại các sai lầm trong quá khứ, ngăn chặn cuộc khủng hoảng bán dẫn thứ 2 của tập đoàn.

Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung

Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm