Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì đang xảy ra với người giàu nhất hành tinh

Những phát ngôn và trò đùa trên mạng xã hội của người giàu nhất hành tinh đang khiến các chuyên gia chính trị và quan chức bầu cử lo ngại.

Vài giờ sau nỗ lực ám sát hụt nhắm vào ông Donald Trump ở Florida hôm 15/9 (giờ địa phương), tỷ phú Elon Musk đã viết trên mạng xã hội X rằng “thật kỳ lạ khi không có ai tìm cách ám sát Tổng thống Joe Biden hay Phó tổng thống Kamala Harris”.

Dù sau đó đã xoá bài đăng này, người giàu nhất thế giới vẫn nhận về nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong quá khứ, với tư cách là một người có sức ảnh hưởng, ông Musk từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề chính trị trên thế giới.

nguoi giau nhat the gioi anh 1

Ông Elon Musk (phải) từ lâu đã có nhiều phát ngôn liên quan đến các vấn đề chính trị trên thế giới. Ảnh: New York Times.

Giữa lúc xung đột tôn giáo ở Anh căng thẳng hồi tháng 8, vốn xuất phát từ một tin đồn thất thiệt, ông Musk tuyên bố “nội chiến là điều không thể tránh khỏi” ở đất nước này.

Khi một người dùng mạng xã hội X ẩn danh sử dụng dữ liệu bị bóp méo để tuyên truyền thông tin sai sự thật về sự gia tăng số cử tri mờ ám ở ba tiểu bang của Mỹ, ông Musk đã lan truyền thông tin này và nhận xét rằng tình hình này “rất đáng quan ngại”.

Cả 3 bài đăng trên đều nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội từ các quan chức. Họ cho rằng ngôn ngữ của ông Musk là vô trách nhiệm và gây hiểu lầm, đặc biệt là khi ông Musk là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.

Thêm vào đó, tỷ phú công nghệ này còn sở hữu mạng xã hội X, giúp ông có thẩm quyền định hình cách nội dung của nền tảng này ảnh hưởng lên người dùng.

Nền tảng X

Những bài đăng với nội dung sai sự thật cùng với việc nền tảng của ông Musk thiếu các biện pháp phòng ngừa tin giả đang làm dấy lên mối lo về việc người giàu nhất có thể thao túng lòng tin của công chúng trong bối cảnh ngày bầu cử ở Mỹ đang đến gần.

Gần đây, ông Musk đã ủng hộ chiến dịch tranh cử của ông Trump và đã tiến sâu hơn vào lĩnh vực chính trị.

Thậm chí, khi những đồn đoán về việc ông Trump sẽ trao cho ông Musk vị trí lãnh đạo trong ủy ban kiểm soát hiệu suất chính phủ trong tương lai, ông Musk đã đăng trên mạng xã hội X: "Tôi mong muốn được phục vụ nước Mỹ nếu có cơ hội, không cần lương, không cần chức danh, không cần sự công nhận".

Trong một sự kiện diễn ra trên mạng xã hội X hôm 16/9 (giờ địa phương), ông Trump đã dành lời khen cho ông Musk và bày tỏ sự cảm kích trước những lời lẽ ủng hộ mà tỷ phú công nghệ này dành cho ông.

Cựu tổng thống cũng gọi ông Musk là “bạn” của mình. Người đứng đầu SpaceX từ chối yêu cầu bình luận về chi tiết này.

nguoi giau nhat the gioi anh 2

Ông Musk làm dấy lên nhiều lo ngại trên chính trường Mỹ. Ảnh: New York Times.

Giới chuyên gia và các quan chức bầu cử đang lo ngại về khả năng ông Musk tác động đến các cử tri để chất vấn tính chính danh và hợp pháp của cuộc bỏ phiếu.

Thêm vào đó, giới quan sát cũng lo ngại việc ông Musk có thể kích động các mối đe dọa bạo lực nhắm vào những người làm công tác bầu cử và các ứng viên tổng thống, hãng tin AP nhận định.

“Nền tảng X và ông Musk đang làm tình hình căng thẳng chính trị leo thang một cách nguy hiểm và vô trách nhiệm”, Heidi Beirich, đồng sáng lập Dự án chống thù ghét và chủ nghĩa cực đoan toàn cầu, nói. “Chuyện này thật đáng xấu hổ”.

Ông Musk mua lại Twitter vào năm 2022 và đã đổi tên nền tảng này thành X. Động thái loại bỏ rào kiểm duyệt và cho phép tự do ngôn luận hoàn toàn trên X đã được nhiều nhà hoạt động bảo thủ hoan nghênh.

Tỷ phú công nghệ 53 tuổi thường quảng bá rằng nền tảng X của ông là nguồn tin chất lượng hơn các phương tiện truyền thông chính thống. Ông Musk lập luận rằng trên nền tảng của mình, người dùng có thể thoải mái đăng bài và nêu lên “sự thật”.

Tuy nhiên, những thay đổi mà ông Musk thực hiện với nền tảng mạng xã hội này đã tạo cơ hội cho nạn tin giả hoành hành, theo AP.

Người đứng đầu SpaceX đã giải thể nhóm cố vấn Niềm tin và An toàn của công ty, đồng thời ngừng thực thi các quy tắc kiểm duyệt nội dung và ngôn từ kích động thù địch mà mạng xã hội Twitter đã áp dụng trước khi được bán cho ông Musk.

Tỷ phú công nghệ này cũng khôi phục tài khoản của những người theo thuyết âm mưu, đồng thời thiết lập tính năng Ghi chú cộng đồng đôi khi dẫn đến việc đưa ra các bình luận gây hiểu lầm trên các bài đăng.

"Ông Musk đang lan truyền những thông điệp tệ hại"

Những tuyên bố vô căn cứ đến từ cả phe Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa đã chạm ngưỡng hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội X của ông Musk.

Sau vụ ám sát bất thành ở Pennsylvania hồi tháng 7 khiến ông Trump bị thương ở tai, một số người thiên tả tuyên truyền thuyết âm mưu rằng cựu tổng thống đã dàn dựng nên vụ việc.

Trong khi đó, sau màn tranh luận trực tiếp giữa ông Trump và bà Harris ở Philadelphia, một số người cực hữu lan truyền tin đồn thất thiệt rằng phó tổng thống đã đeo tai nghe khi tranh luận.

Rick Hasen, giáo sư luật tại Đại học California nhận định rằng ông Musk đã biến X thành cái bóng của chính Twitter. Trước đây, mạng xã hội này từng được xem là nơi trao đổi thông tin khá đáng tin.

nguoi giau nhat the gioi anh 3

Giáo sư Rick Hansen (Đại học California) cho rằng ông Musk đã tác động tiêu cực đến X khi tiếp quản nền tảng này. Ảnh: Zocalo.

“Tồn tại lý do nhất định khiến hàng triệu người rời bỏ nền tảng này và các nhà quảng cáo cũng rời đi”, giáo sư Hasen nói. “Ông ta (Musk) đang lan truyền những thông điệp tệ hại”.

Ông Musk và nhiều đảng viên Cộng hòa không đồng tình với quan điểm trên. Họ cho rằng Twitter trước đây từng kiểm duyệt thông tin một cách không công bằng đối với những thông tin liên quan đến nguồn gốc dịch Covid-19 hay những lùm xùm pháp lý của Hunter Biden, con trai tổng thống đương nhiệm, đã không được công bố ngay.

Ông Musk chủ yếu sử dụng nền tảng của mình để đăng bài về công ty Tesla và SpaceX do ông sở hữu. Tỷ phú này cũng chia sẻ quan điểm cá nhân về việc nhiều người cần sinh con hơn hoặc đáp lại những nội dung mà ông cho là thú vị.

Bên cạnh đó, người đứng đầu X cũng sử dụng mạng xã hội này để lan truyền các tuyên bố vô căn cứ của nhiều chính trị gia, bao gồm cả thuyết âm mưu rằng đảng Dân chủ đang “nhập khẩu” người di cư để bỏ phiếu hay những tin đồn thất thiệt xoay quanh chuyện ăn thịt chó mèo ở Springfield, Ohio.

Jocelyn Benson, thư ký đảng Dân chủ ở Michigan, nhận định rằng các bài đăng về cuộc bầu cử của ông Musk đã tạo ra một “cơn lốc thông tin sai lệch” gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả các ứng viên lẫn cử tri.

Một số viên chức bầu cử đã cố gắng tiếp cận trực tiếp ông Musk để cung cấp thêm thông tin chính thống cho bản thân tỷ phú này cũng như những người theo dõi ông.

Vào tháng 7, người giữ sổ sách của đảng Cộng hòa phụ trách bầu cử khu vực quận Maricopa, Arizona, đã mời ông Musk tham quan toàn bộ cơ sở bầu cử của quận này.

Steve Simon, Tổng thư ký Minnesota, một đảng viên Dân chủ, đã gửi một lá thư cho ông Musk để xử lý việc nền tảng Grok đăng thông tin không chính xác về quy tắc cuộc bầu cử.

Siva Vaidhyanathan, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia, cho biết hầu hết người nổi tiếng đều cẩn thận về lời nói của họ và nhận ra rằng không phải ai cũng hiểu được những câu chuyện cười của họ hoặc phản ứng theo cách có chừng mực. Ông Vaidhyanathan cho rằng ông Musk chưa bao giờ có bộ lọc truyền thông như vậy.

Các quan chức bầu cử ở 6 bang Mỹ nhận được các bưu kiện khả nghi

Một số bang của Mỹ phát hiện bột trắng trong các phong bì thư gửi đến các quan chức bầu cử. Những sự việc này diễn ra trong bối cảnh một số bang của Mỹ tiến hành bầu cử sớm.

Nhà Trắng phản ứng tỷ phú Elon Musk

"Không thấy ai tìm cách ám sát Biden/Kamala", ông chủ nền tảng X đã tweet sau vụ cựu Tổng thống Donald Trump bị ám sát hụt ở Florida. Đăng tải này lập tức gây phẫn nộ.

Đăng tải của người giàu nhất thế giới gây sốc

Bình luận của Elon Musk, chỉ vài giờ sau khi giới chức trách cho biết đây là vụ ám sát hụt thứ hai nhằm vào cựu Tổng thống Donald J. Trump, đã ngay lập tức gây ra sự phẫn nộ.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm