Trận gặp SLNA cuối tuần trước là lần đầu Hùng Dũng chơi trọn cả trận mùa này. 10 trận khác ở V.League và AFC Champions League, anh bị thay ra hoặc chỉ vào sân từ ghế dự bị. Chưa bao giờ trong sự nghiệp của mình, Dũng bị thay ra nhiều thế tại cả CLB lẫn đội tuyển.
Đương nhiên, thống kê ấy chưa có gì nặng nề trong bối cảnh CLB Hà Nội phải đá ở hai mặt trận. Họ cần phân chia lực lượng và giữ gìn thể lực cho các trụ cột, nhất là nhóm cầu thủ đá giữa vốn phải vận động với cường độ cao như Hùng Dũng.
Tuy nhiên, thống kê ấy vẫn có ý nghĩa riêng.
Giống Hoàng Đức, Hùng Dũng cũng ngồi ngoài cả hai trận vòng loại World Cup dù không gặp vấn đề sức khỏe. Ảnh: Minh Chiến. |
Vấn đề của Hùng Dũng
Thứ nhất, đây không phải mùa đầu tiên CLB Hà Nội chơi song song cả mặt trận trong nước và châu Á. Thứ hai, 4 lần bị thay sau 5 trận V.League vẫn là thông số đột biến, cao nhất sự nghiệp của Hùng Dũng. Từ khi lên đội một hồi 2016, Hùng Dũng luôn thuộc nhóm đá chính, thường chơi trọn 90 phút và chỉ vài lần bị thay ra mỗi mùa. Ngay năm ngoái, Dũng đá 16 trận thì có tới 13 trận chơi trọn vẹn. Nên con số 4 lần bị thay ở mùa này là một vấn đề.
Không chỉ số phút thi đấu, phong độ của Dũng cũng chẳng còn như xưa. Số bàn thắng, số lần kiến tạo và ảnh hưởng của anh lên các tình huống tấn công đều suy giảm. Hai mùa gần nhất, Dũng chỉ ghi mỗi mùa một bàn.
Phong độ suy giảm của Dũng chưa tạo thành vấn đề dưới thời người cũ Park Hang-seo. Nhưng khi ông Philippe Troussier tiếp quản đội tuyển, Dũng không còn giữ được vị thế. Anh được trao rất nhiều cơ hội với 4 trận đá chính liên tiếp cho tuyển Việt Nam trong loạt giao hữu hồi tháng 9 và 10. 4 trận là quá nhiều cơ hội ở cấp đội tuyển quốc gia. Nhưng Dũng có lẽ chưa thuyết phục được HLV người Pháp.
Bằng chứng là khi vào vòng loại World Cup ở tháng 11, Dũng bị gạch tên thẳng tay. Lùm xùm bao quanh Hoàng Đức khiến nhiều người hâm mộ quên rằng tuyển Việt Nam còn một tiền vệ siêu sao khác cũng bị đẩy lên ghế dự bị. Hai trận vòng loại World Cup, ông Troussier chọn Nguyễn Tuấn Anh - Nguyễn Thái Sơn. Khi cần thay người, ông cũng tung tân binh Lê Phạm Thành Long vào trận.
Cuộc trẻ hóa ở tuyển Việt Nam khiến những công thần như Hoàng Đức hay Hùng Dũng không còn được đảm bảo vị trí. Ảnh: Minh Chiến. |
Hùng Dũng hết mục tiêu hay mệt mỏi?
Trả lời báo chí về lý do đặt Hoàng Đức - Hùng Dũng ngồi ngoài, ông Troussier bảo mình chọn cầu thủ “theo năng lực chứ không phải vì tên tuổi quá khứ”, chọn cầu thủ “theo bối cảnh để làm sao có kết quả tốt nhất”. Bối cảnh là khi cần tấn công trước Philippines, ông không chọn Dũng? Và khi phải phòng ngự trước Iraq, Dũng cũng là thứ yếu?
Đương nhiên, trường hợp của Dũng có những nét khác Hoàng Đức. Tiền vệ của CLB Viettel vẫn chơi hay tại CLB và sáng cửa giành Quả bóng vàng tiếp theo như thừa nhận từ chính HLV Troussier. Khi cả hai cùng dự bị mà dư luận chỉ giành sự quan tâm đặc biệt cho một người là đủ thấy sự khác biệt về phong độ (và cả vị thế) giữa họ hiện tại.
Hùng Dũng, như phân tích ở trên, đã suy giảm phong độ trong hai năm qua. V.League 2023/24 là mùa giải thứ 9 liên tiếp của Dũng. Anh đã giành 4 chức vô địch V.League, 3 Cúp Quốc gia, vô địch AFF Cup, vô địch SEA Games, giành vô số vinh quang ở ASIAD, Asian Cup và cũng đã có Quả bóng vàng của riêng anh.
Ở tuổi 30, Dũng có lẽ không còn nghĩ nhiều về những chuyến xuất ngoại như đồn đại lâu nay. Anh không còn mục tiêu hay đã mệt mỏi sau những mùa giải đằng đẵng liên tục?
Trận gặp SLNA cũng là ngày CLB Hà Nội công bố gia hạn hợp đồng với Hùng Dũng. Đó là chữ ký sẽ giữ Hùng Dũng ở lại tới năm 33 tuổi và gần như chắc chắn sẽ giải nghệ tại CLB thủ đô. Nhưng đội Hà Nội cũng chẳng thể kỳ vọng Dũng sẽ tiếp tục thăng hoa tới tận ngày đó. Ở tuổi 30, Dũng có lẽ đã bước sang sườn phía kia của sự nghiệp.
Mừng cho Dũng vì chữ ký mới nhưng CLB Hà Nội có lẽ nên tìm dần người thay thế anh trong tương lai.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.