Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện gì đang xảy ra ở Thành Đô

Nỗi lo lắng ngày càng gia tăng ở Thành Đô, khi thành phố 21 triệu dân của Trung Quốc không chỉ trải qua nắng nóng, động đất mà còn đối mặt với lệnh phong tỏa vô thời hạn.

Trong vài giờ trước khi Thành Đô, thành phố ở tây nam Trung Quốc, phong tỏa vì Covid-19 vào hôm 1/9, người dân đã đổ xô đến các chợ địa phương để tranh giành bất cứ thứ gì họ thấy được.

Huang, giảng viên đại học 42 tuổi, là một trong số những người nhận được thông tin phong tỏa sắp xảy ra thông qua Internet.

Trong khi chạy đi mua thịt và rau, cô nghe thấy tiếng hét: “Có người được xác định là tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 đang ở đây. Nơi này sẽ bị phong tỏa”. Huang vội bỏ lại đống đồ tạp hóa, ôm lấy con gái nhỏ của mình và chạy về nhà nhanh nhất có thể.

“Vào lúc đó, tất cả điều mà tôi có thể nghĩ đến là chạy”, Huang nói, tự cho mình là người may mắn vì đã trốn tránh khỏi kiểm dịch bắt buộc. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với những người không thoát ra được”.

Tuy nhiên, một tuần sau, thành phố 21 triệu dân này đã gia hạn phong tỏa vô thời hạn. Trong bối cảnh không biết biện pháp này sẽ duy trì bao lâu, Huang lo lắng cho cha mẹ già của cô. Một trong số họ phải chạy thận hai tuần một lần tại bệnh viện. Người mẹ hai con này cũng cần phải cân đối thời gian trông con và làm việc trên mạng.

Trung Quoc phong toa anh 1

Người dân xếp hàng xét nghiệm ở Thành Đô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Ngày càng lo lắng

Khoảng 65 triệu người ở 33 thành phố trên khắp Trung Quốc đang sống trong cảnh phong tỏa một phần hoặc toàn bộ, khi chính quyền tăng cường nỗ lực dập dịch trước Đại hội đảng Cộng sản lần thứ XX vào giữa tháng 10.

Nhưng ít nơi bị ảnh hưởng nặng nề như Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, tây nam. Trong những tháng gần đây, thành phố đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng, cắt điện, phong tỏa, và sau đó là trận động đất mạnh 6,8 độ khiến 65 người ở khu vực xung quanh thiệt mạng.

Đây cũng là đô thị lớn nhất của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các hạn chế Covid-19 kể từ sau vụ Thượng Hải phong tỏa hồi đầu năm. Lệnh phong tỏa ban đầu chỉ kéo dài 7 ngày, nhưng việc gia hạn vô thời hạn sau đó đã gây ra cảm giác lo lắng và tuyệt vọng ngày càng tăng ở nhiều người dân.

Một người mẹ khác, Li, cũng là giảng viên đại học, nói rằng ngay cả sau trận động đất ngày 5/9, vẫn chưa có biện pháp nghiêm ngặt nào được nới lỏng.

“Chúng tôi sống trên tầng 15 và vừa ăn trưa xong thì tòa nhà bắt đầu rung chuyển. Chúng tôi nhanh chóng chạy về phía phòng tắm để trú ẩn”, Li nói. Các video được lan truyền trên mạng cho thấy người dân đã tranh cãi với nhân viên phòng chống Covid-19 về việc bị cấm rời khỏi tòa nhà của họ sau trận động đất.

Li cũng lo lắng về tác động tinh thần từ những vụ phong tỏa lặp đi lặp lại đối với người bình thường.

“Một người họ hàng lớn tuổi của tôi bị suy sụp vì phải ở nhà lâu", cô nói. “Hãy nghĩ xem có bao nhiêu người khác đang gặp vấn đề tương tự. Liệu cuối cùng họ có làm những điều ngu ngốc khi bệnh trầm cảm trở nên tồi tệ hơn không?".

Theo Guardian, báo cáo về các vụ tự tử thỉnh thoảng đã được đăng tải trên mạng.

Trung Quoc phong toa anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm từ một người đàn ông ở Thành Đô, Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trong khi các đợt xét nghiệm Covid-19 trên toàn thành phố tiếp tục được tiến hành, cư dân Thành Đô ở khu vực có nguy cơ cao bị giới hạn trong nhà, còn những người khác phải hạn chế di chuyển.

Chính quyền cho phép một người trong hộ gia đình ra ngoài 2 giờ/lần mỗi ngày để mua nhu yếu phẩm, nhưng họ phải xuất trình kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong vòng 24 giờ.

Ngay cả ở những khu vực đã dỡ bỏ phong tỏa, người dân bị cấm đến các quận khác hoặc rời khỏi thành phố với lý do không cần thiết. Mọi người phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 24 giờ để lên phương tiện giao thông công cộng và tới các địa điểm.

Nỗi lo thiếu đồ ăn

Trong khi đó, sự tức giận và hoảng sợ đang âm ỉ ở Quý Dương, thủ phủ của Quý Châu, tỉnh lân cận Tứ Xuyên. Sau hơn một tuần bị áp đặt các biện pháp hạn chế, cư dân ở Huaguoyuan - một khu dân cư bị phong tỏa với dân số gần 500.000 người - đã cay đắng phàn nàn rằng họ không thể đảm bảo thực phẩm trong vài ngày.

Việc phong tỏa đột ngột xảy ra mà không có cảnh báo trước, khiến mọi người hoàn toàn bị mắc kẹt ở nhà và thức ăn bắt đầu cạn kiệt. Nhiều người cho biết họ ngày càng cảm thấy tuyệt vọng. Thang máy đã được ngắt tại các tòa nhà để ngăn mọi người rời đi.

Trung Quoc phong toa anh 3

Người dân đã đổ xô đi siêu thị mua sắm, tích trữ thực phẩm trong vài giờ trước khi Thành Đô phong tỏa. Ảnh: Manyapan photo.

"Cái gọi là kiểm soát dịch bệnh này muốn mọi người ở nhà và đói mềm ra?", một người dân viết trên Weibo. “Chúng tôi vẫn sẽ ủng hộ nếu thành phố phong tỏa và người dân được yêu cầu ở nhà, nhưng chúng tôi không thể mua hàng trực tuyến vì họ không giao hàng và các siêu thị đóng cửa".

Hôm 8/9, các quan chức thành phố đã xin lỗi, nói rằng tình trạng thiếu lương thực ở Huaguoyuan là do thiếu nhân viên giao hàng bởi các hạn chế ngăn chặn Covid-19.

Những người dân địa phương được Guardian phỏng vấn cho biết họ đã bị mắc kẹt trong 8 ngày kể từ khi việc phong tỏa được áp đặt mà không có cảnh báo trước, và họ cũng đang lo lắng về việc hết lương thực.

“Tôi có thể hiểu việc phong tỏa thành phố trong một thời gian ngắn, nhưng không ai đưa ra bất cứ cảnh báo nào cho chúng tôi. Họ thậm chí còn ngắt thang máy và không ai cho chúng tôi biết điều này sẽ kéo dài bao lâu!”, người này nói.

Chuỗi cung ứng của Apple gặp khó vì lệnh phong tỏa tại Thành Đô

Các chính sách “Zero Covid-19” nghiêm ngặt của Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi chịu ảnh hưởng bởi hạn hán.

65 triệu dân Trung Quốc rơi vào cảnh bán phong tỏa

Trung Quốc áp đặt lệnh bán phong tỏa với khoảng 65 triệu dân nhằm tăng cường kiềm chế sự bùng phát của Covid-19 trước thềm sự kiện quan trọng.

Minh An

Theo Guardian

Bạn có thể quan tâm